Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhan sắc Ngũ Hành Sơn

Đà Nẵng tự hào về vẻ đẹp của Ngũ Hành Sơn. Năm ngọn núi vươn ra như năm ngón tay có tên theo ngũ hành: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thổ Sơn, Thủy Sơn và Hỏa Sơn (gồm Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn).

Ngũ Hành Sơn cách Đà Nẵng chỉ 7 cây số, một khoảng cách đủ để rong chơi trong vài tiếng đồng hồ. Những ngọn núi ấy thành tên từ thế kỷ 19 do vua Minh Mạng đặt. Tôi vẫn thường đứng trên đỉnh cao của núi, ngắm nhìn Ngũ Hành Sơn thay đổi màu theo sắc nắng. Đó là sự kỳ ảo như nhan sắc của một cô gái kiêu sa đang soi mình trên biển Đông bốn mùa lộng gió  và  thơm mùi muối mặn.

Ngũ Hành Sơn huyền ảo

Đến Ngũ Hành Sơn, du khách thường đến ngọn núi lớn Thủy Sơn. Rồi đến chùa Tam Thai hay chùa Linh Ứng, tiếp  tục  lần lượt  ghé vào các hang động Huyền Không, động Linh Nham, động Vân Thông, động Lăng Hư, động Vân Nguyệt…

Đường đến Thủy Sơn

Chùa Tam Thai giống như “Sao Tam Thai” tức là 3 ngôi sao làm thành cái đuôi của chùm sao Đại Hùng Tinh. Khi đến Vọng Giang, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn thấy dòng sông Cẩm Lệ, dòng sông Hàn đẹp như tranh vẽ... Du khách từ vùng biển muốn lên thăm Linh Ứng phải bước lên khoảng 108 tầng cấp, nếu đến chùa Tam Thai nằm ở phía nam phải đi xa hơn những tầng cấp dài 156 bậc.

Chùa Tam Thai

Lịch sử của ngọn núi rộng 15 ha này dày đặc những huyền thoại. Sử ghi vào đời nhà Hậu Lê, vua Lê Thánh Tông (trị vì từ 1460-1497) đã phát hiện ra Ngũ Hành Sơn. Đại sư Huệ Đạo Minh  là người đầu tiên tu ở  Thủy Sơn và đã dựng tấm bia “Ngũ Uẩn Sơn” ở động Vân Thông năm 1640. Tấm bia thứ hai dựng ở động Hoa Nghiêm năm 1641.

Lối vào Không Động

Thủy Sơn cũng quyến rũ mọi người bởi tại đây đa dạng cỏ cây: Cây Thiên Tuế cành lá sum sê thân quấn vào núi đá, trong những khe đá quanh năm ẩm ướt là nơi mọc  của Thạch trường sanh. Rồi các loại cây khác  như Cây Cung-nhân-thảo (Amaryllis) lài trắng, Cảnh-thiên (Crassule), Mộc tê, Chương não, và loại cây Thử có tinh dầu dùng để trét ghe thuyền, cây Tứ quý có rễ dùng làm thuốc bổ, lọc huyết và tiêu thực. Bên cạnh đó là cơ man nào là hoa dại cứ bung nở trong bốn mùa như điểm tô cho Ngũ Hành Sơn.

Mặt trời chiếu qua Không Động

Nhan sắc Ngũ Hành Sơn với tên gọi: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ  bởi  đá núi  mỗi nơi mỗi khác. Đá cẩm thạch tại Ngũ Hành Sơn có màu ngũ sắc, phân chia theo từng núi: đá ở Thủy Sơn màu hồng, ở Mộc Sơn màu trắng, ở Hỏa Sơn màu đỏ, ở Kim Sơn màu thủy mặc và ở Thổ Sơn màu nâu.

Hàng mỹ nghệ làm bằng đá Non nước

Thú vị khi  dạo quanh Ngũ Hành Sơn, bước xuống các bậc cấp là lạc vào các cửa hàng bán hàng mỹ nghệ làm bằng đá Non nước. Nơi đây có  cơ man sản phẩm làm từ đá, đúc bằng bột đá đa dạng màu sắc và hình mẫu. Những tảng đá lớn tạc thanh sự tử, voi, bệ đá,… nhỏ thành các sản phẩm vòng đeo tay, các mặt hàng lưu niệm.

Dạo Ngũ Hành Sơn trong nắng vàng hay tiết trời êm dịu, lưng thấm đẫm mồ hôi nhưng luôn thấy nhẹ lòng, bỏ quên sau lưng bao chuyện thế gian./.

(Theo Khuê Việt Trường/VOV)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Về thăm Đồng Tháp
  • Hình ảnh cầu vồng tuyệt đẹp tại Sa Pa
  • Lễ hội đền Lảnh Giang
  • Đảo Cò - Bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp
  • Tỏa sáng khí thiêng Ngàn Hống
  • Chinh phục đỉnh núi Lang Bian huyền thoại
  • Lễ Sen Dolta - Nét đẹp tín ngưỡng Khmer Nam bộ
  • Chùm ảnh: Những kiệt phẩm vô giá giữa rừng già
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com