Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tà Cơn - thành cổ chốn rừng hoang

Hành trình ngược dòng sông Côn từ phía hạ lưu lên miền đất huyền thoại Tây Sơn thượng đạo, đi trên con đường uốn lượn như một dải lụa nối từ miền xuôi lên thượng nguồn dẫn vào một vùng đất linh thiêng, nơi có một cổ thành bí ẩn, được xem là căn cứ nghĩa quân ngày xưa của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. kiến trúc độc đáo của thành cổ ấy cho đến nay vẫn là đề tài tranh luận của giới nghiên cứu khoa học, khảo cổ...

Đường rừng vào thành cổ Tà Cơn

Ở Bình Định, sông Côn được mệnh danh là “dòng sông vương triều”, bởi nó gắn liền với các cuộc khởi nghĩa vang dội của những người áo vải khi đã từng xuôi dòng sông Côn về hạ lưu để làm nên một chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa, Rạch Gầm Xoài Mút, thống nhất đất nước, làm nên một tên tuổi hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ. Thượng nguồn sông Côn miền Tây Sơn thượng đạo chính là nơi còn lưu giữ nhiều huyền thoại về anh em nhà Tây Sơn, và một trong những điều hấp dẫn nhất đó là câu chuyện về thành cổ Tà Cơn thuộc làng Kon Blo, nằm sâu trong cánh rừng ở Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh, Bình Định.

Đường vào thành cổ

Hành trình đi dọc sông Côn từ hạ lưu lên thượng nguồn, chúng tôi như trở về miền ký ức, những câu chuyện ngàn năm cứ trải dài qua từng vùng đất, di tích, con người. Và trong suốt hành trình ấy, chúng tôi luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh thành cổ Tà Cơn với những huyền thoại gắn liền từ sử thi đến những câu chuyện cổ.

Từ khu di tích vườn cam Nguyễn Huệ thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định, theo chân những người bản địa, chúng tôi làm cuộc hành trình băng rừng tìm đến thành Tà Cơn ở làng Kon Blo. Trong ngôn ngữ của người Ba Na, Kon Blo có nghĩa là “đá xếp”.

Từ trụ sở xã Vĩnh Sơn, chúng tôi sử dụng phương tiện xe máy để đến bìa rừng. Nhóm sáu người dẫn đường đều là cư dân địa phương, dù sinh ra và lớn lên ở rừng núi Vĩnh Sơn, nhưng chỉ Đinh Klăm ở thôn K8 là người từng đến thành cổ Tà Cơn, và hành trình đi rừng của chúng tôi dồn hết hy vọng vào người dẫn đường này.

Gần đến bìa rừng, đường đi mỗi lúc một khó khăn hơn, chúng tôi rời phương tiện xe máy, đi bộ tiến sâu vào rừng. Trên đường đi, chúng tôi gặp những bà con dân tộc Ba Na đi phát rẫy về, hỏi về thành cổ Tà Cơn nhưng chẳng ai biết đến.

Thành Tà Cơn cũng có những cây nuốt đền như ở Angkor

Đá xếp Tà Cơn

Hơn một giờ cắt rừng, băng qua không biết mấy con dốc, nhưng phía trước vẫn là núi rừng âm u, lạnh lẽo. Bất chợt, chúng tôi gặp một đoạn dốc đứng, dây leo phủ đầy, đá núi ngổn ngang, sau khi men theo những phiến đá khổng lồ xuống cuối dốc, một thành luỹ sừng sững hiện ra ngay trước mắt. Chúng tôi đang đứng ngay dưới chân thành cổ Tà Cơn, là những phiến đá khổng lồ tựa mình vào vách núi, với chiều cao gần 20m, nằm xen trong vạt rừng rậm rạp, âm u không bóng người.

Theo khảo sát, tường thành là những khối đá sa thạch lớn, hình trụ được xếp ngay ngắn chồng lên nhau. Khoảng nối giữa hai phiến đá khít chặt, rất giống với lối xây dựng quen thuộc trong các kiến trúc đền đài ở đất nước Campuchia thời kỳ Angkor. Rải rác đây đó là những gốc cổ thụ khổng lồ nhả rễ ôm kín lấy tường thành, cũng giống như những cây nuốt đền trong các di tích Angkor.

Cho đến nay, câu chuyện thành Tà Cơn vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu, người cho rằng cổ thành do thiên nhiên tạo nên, người cho đó phải nhờ bàn tay con người xây dựng.

Đứng trước bức tường đá sừng sững, bao quanh núi, A Ngơ – một người Ba Na trong nhóm dẫn đường cho chúng tôi biết, những người đi rừng giỏi nhất vùng Vĩnh Thạnh cũng chưa ai đi hết tường thành Tà Cơn. Vì đường đi đầy nguy hiểm, bên là vực sâu, bên là vách tường thành dựng đứng, cộng với những câu chuyện huyền bí về thành cổ, khiến Tà Cơn trở thành một địa điểm bí ẩn nằm sâu trong rừng thiêng, hoà với không khí âm u của núi rừng càng làm cho thành cổ thêm hoang tàn, ít người lui tới, qua lại.

Vẻ đẹp của thành Tà Cơn trong rừng sâu

Chúng tôi lần từng bước khám phá thành cổ. Tương truyền, ngày trước thành cổ có một miệng hang rất lớn, là nơi trú đóng của những người nông dân theo phong trào Tây Sơn, lấy nơi đây làm căn cứ địa để chuẩn bị cho những cuộc khởi nghĩa với chiến thắng lừng lẫy, vang dội trong sử sách. Sau này, hang núi ấy được người dân trong vùng sử dụng, đưa gia súc vào để tránh mưa bão. Qua thời gian, nay miệng hang đã bị sụp đổ và lấp kín, thành Tà Cơn chỉ còn lại những vách đá cao ngất phủ rêu phong, ôm lượn quanh núi trơ trọi với thời gian.

Chia tay những phiến đá vô tri của thành Tà Cơn nhưng ẩn chứa cả một huyền thoại gắn liền với các tích truyện lịch sử về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, chúng tôi biết rằng, những bức tường đá rêu phong kia sẽ vẫn mãi còn đó, lặng lẽ chốn rừng sâu, nhưng ôm trọn trong lòng niềm tự hào của đất trời miền Tây Sơn thượng đạo.

(bài và ảnh: Lam Phong // SGTT Online)

Vết nối giữa hai tầng đáNgười Ba Na trong làng Kon Blo

Nói về sự tích thành cổ Tà Cơn, truyện cổ Ba Na Kriêm có đoạn: “Không rõ hai anh em Đrum và Đrăm từ đâu đến, thấy có hòn đá đẹp họ dừng lại, đặt tên ná một bên rồi mài lại rựa. Lưỡi dao chỉ liếc qua một tí đã sắc lẻm, chặt cây lớn mấy cũng ngã, đụng đến đá cứng mấy cũng đứt liền. Thấy Đrum, Đrăm khoẻ đẹp và có hòn đá trời cho nên dân làng Kon Blo, từ em bé mới biết đi đến người già chống gậy đều dắt díu nhau đi theo họ lập làng mới. Ngày trước, làng Kon Blo thường bị giặc phá, năm nào dân chúng cũng phải rời làng. Giờ có Đrum, Đrăm, có hòn đá đẹp, dân làng hăng hái mài dao, mài rựa để chặt đá, xây thành giữ làng. Đồng bào Kon Blo chặt đá vuông vức, kê lên nhau xây thành hình móng ngựa trên một sườn núi. Bên trong, dân làm chuồng trâu, đào hầm giấu lúa gạo, làm nhà rông, nhà bếp, đào hào, đào đường xuyên núi”.

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Dã ngoại cuối tuần: Đến chùa Lá làm điều thiện
  • Sapa mùa thu
  • Đánh thức những dòng sông Đông Bắc
  • Tàu Seven Seas Voyager đến Nha Trang
  • Lễ hội cắm hoa Ikebana
  • Thăm vườn thượng uyển xưa
  • Chùa Chuông - Phố Hiến đệ nhất danh lam
  • Nhà cổ “Người tình” thành di tích quốc gia
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com