Giữa cao nguyên đá mênh mông ấy, thi thoảng có vài người Mông gùi củi, gùi rau cỏ hay dắt trâu bò về nhà. Họ cắm cúi đi, không vội vàng vì thời gian dường như chẳng có ý nghĩa gì ở nơi thăm thẳm, mịt mùng này. Cúi xuống thấy đá tai mèo, ngẩng lên trời lại thấy đá. Chao ôi, đá ở đâu mà nhiều thế!
Ngó xuống vực sâu cũng chỉ thấy màu xám ngắt của đá xen lẫn với màu xanh của những ruộng ngô. Ngô trồng trên đá, len lỏi bám chặt vào đá mà ra bắp. Người ta bảo càng lên cao thì càng gần mặt trời nên cuộc sống khấm khá hơn. Nhưng ở Đồng Văn, càng lên cao càng vắng vẻ, khí hậu càng khắc nghiệt, nước càng hiếm. Chỉ có đá tai mèo đời đời gắn bó với con người. Một đứa trẻ sinh ra, lớn lên trên Đồng Văn có khi cả đời không đi hết nổi những dãy núi đá mênh mông của quê hương mình.
Mây núi Đồng Văn - Ảnh: DNSGCT. |
Qua cao nguyên đá, thị trấn Đồng Văn chợt hiện ra trong ánh chiều nhàn nhạt giữa bao la mây núi bảng lảng như nàng sơn nữ quyến rũ chìm đắm trong giấc mộng và nép mình giữa trùng điệp đá.
Không thể tưởng tượng rằng, nơi cao nguyên đá hùng vĩ vắt qua địa phận bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc ở cực Bắc Hà Giang lại có một thị trấn thanh bình và lãng mạn đến thế. Ở thị trấn Đồng Văn, có một quần thể kiến trúc phố và chợ cổ đã hơn trăm năm tuổi nằm ở trung tâm thị trấn, lọt thỏm giữa bốn bề vách núi sừng sững như tấm bình phong khổng lồ che mưa chắn bão. Phố cổ Đồng Văn cổ kính, thâm trầm, có hình vòng cung kéo dài hàng cây số tít tắp về phía chân núi.
Sông Nho Quế như sợi chỉ mỏng manh dưới chân dãy Mã Pí Lèng - Ảnh: DNSGCT. |
Khu vực trung tâm Đồng Văn xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Yên, tỉnh Tuyên Quang. Từ thời xưa, các dân tộc Tày, Mông, Hoa, Kinh, Lô Lô… đã quần tụ ở xã Đồng Văn. Năm 1887, người Pháp cai trị Hà Giang và lập ra bốn khu vực tại Đồng Văn, giao cho các thổ ty người địa phương cai quản. Thời điểm đó cũng là lúc phố cổ Đồng Văn ra đời, mang phong cách kiến trúc cổ Việt Nam - Trung Quốc rất độc đáo.
Kiến trúc đặc trưng của khu phố cổ sơn cước này là mái lợp ngói âm dương, nền lát đá, tường trình đất. Nhiều ngôi nhà xây từ thời Pháp và được làm từ gỗ nghiến nên vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Đẹp hơn thủy mặc - Ảnh: DNSGCT |
Cư dân phố cổ sống bằng nghề làm nương rẫy và buôn bán vặt. Hiện nay, phố cổ còn khoảng 40 ngôi nhà trên dưới 100 năm tuổi, trong đó có ngôi nhà đã 200 năm.
Ngôi nhà cổ đại nhất là của gia đình ông Lương Huy Ngò, được xây dựng vào khoảng những năm 1810 -1820. Đáng buồn là một vài hộ dân ở phố cổ đã đập nhà cổ đi để xây những toà nhà hình ống cao hai, ba tầng trông thật lạc lõng với kiến trúc xung quanh.
Dạo chơi phố đêm thứ Bảy, bạn sẽ thấy những chiếc đèn lồng đỏ treo cao trước cửa mỗi ngôi nhà. Đây là nỗ lực đánh thức phố cổ được bắt đầu từ tháng 4- 2006 của Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn khi tổ chức Lễ hội Đêm phố cổ vào các ngày 14, 15 Âm lịch hàng tháng.
Ngôi nhà trăm năm tuổi - Ảnh: DNSGCT. |
Vào ngày trăng tròn, các hộ dân treo đèn lồng đỏ (được phát miễn phí) trước cửa nhà, bày bán các sản vật địa phương như thổ cẩm, khèn, mật ong… và biểu diễn văn nghệ dân tộc, múa khèn, nấu thắng cố… Đêm phố cổ cũng thu hút khá đông khách tham quan.
Du lịch Đồng Văn chưa phát triển, chưa bị thương mại hóa quá mức như Sapa. Đó cũng là điều may mắn cho du khách để tha hồ chiêm ngưỡng những khung cảnh đặc thù. Hiện nay, khách du lịch nước ngoài mới chỉ nghỉ lại phố cổ Đồng Văn trong thời gian ngắn do cơ sở lưu trú rất thiếu, các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn.
Thị trấn cổ tích- Ảnh: DNSGCT |
Phố cổ Đồng Văn là điểm du lịch kỳ thú ở cực Bắc nước ta, nơi còn lưu giữ được những phong tục, tập quán lâu đời và các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của đồng bào các dân tộc.
Nên chăng ngành du lịch và tỉnh Hà Giang bắt tay ngay vào việc bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị quý báu đó để đánh thức phố cổ nhằm thu hút du khách đến với Đồng Văn nhiều hơn?
(Theo giadinhnet/HàGiang)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com