Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thăm vùng biên phía Bắc

Thác Bản Giốc.

Nhóm chúng tôi gồm 11 người xuất phát từ TPHCM, ngoài hai vợ chồng tôi đã trên 60, còn lại là 9 bạn trẻ, quyết làm một chuyến ngao du miền núi phía Bắc. Khoảng gần 9 giờ sáng, chúng tôi lên đường, theo hướng đi Sơn Tây rồi vượt sông Đà qua cầu Trung Hà.

Cầu Trung Hà nằm cách ngã ba - nơi sông Hồng và sông Đà gặp nhau - khoảng 1km. Xe cặp theo bờ đê sông Hồng bên phía hữu ngạn, qua cầu Phú Thọ, nhưng không ghé vào thành phố Phú Thọ mà lại đi cặp theo đê sông Hồng phía tả ngạn để lên Tuyên Quang. Chúng tôi dừng chân, ăn cơm trưa tại một quán cơm cách  thành phố Tuyên Quang chừng 10km. Bữa cơm khá ngon miệng, giá cả cũng vừa phải. Ăn xong lại lên đường ngay vì đích đến còn xa.

Cao nguyên đá Đồng Văn

Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn.

Từ đó, xe chạy thẳng một mạch lên huyện Quản Bạ, thuộc tỉnh Hà Giang chứ không ghé vào thành phố Hà Giang. Từ Quản Bạ, xe bắt đầu leo đèo và cũng từ đây trở đi phần lớn là đèo và dốc. Đường vừa hẹp vừa xấu, mưa lất phất bay nên càng khó đi. Càng lên cao sương mù càng dày đặc, ngồi trong xe nhưng cái rét căm căm vẫn ập vào chúng tôi. Nhìn lên núi cao, sừng sững tấm biển “Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn” choán hết một vách núi.

Đang giữa lưng chừng đèo, chợt hiện ra trong màn sương tấm biển “Cổng Trời Quản Bạ”;một cái tên nghe quen quen nhưng tôi không tài nào nghĩ ra, bởi đây là lần đầu trong đời tôi ra vùng cao phía bắc và chưa từng có quan hệ, quen biết ai sống vùng này! Nhưng cảnh quan rừng xanh thăm thẳm, đèo núi cheo leo hiểm trở nơi đây mới thấy núi rừng Tây nguyên ở miền Trung còn dễ chịu hơn nhiều, từ địa thế cho tới khí hậu đối với người dân bản địa.

Xe chúng tôi cứ lầm lũi xuyên qua màn sương và mưa lất phất, người lái xe lầm lì căng đôi mắt tập trung dù đường sá vùng này anh ta đã quá quen thuộc. Cũng là người cầm vô lăng lâu năm, nhưng tôi rất phục khả năng xử lý tình huống của bác tài này; anh ta rất bình tĩnh, kinh nghiệm và khéo léo; điều này khiến mọi người trên xe rất yên tâm.

Một cách để chống lạnh, bao tay khi đi xe gắn máy trong mùa rét.

Khoảng hơn 19g, chúng tôi đến Yên Minh, một huyên sát biên giới Việt Trung. Huyện lỵ vắng vẻ, chỉ có một con đường nhựa, thỉnh thoảng mới có chiếc xe gắn máy chạy qua. Quán cơm khá bình dân về hình thức và chất lượng dịch vụ nhưng giá tính... trên trời. Mỗi suất ăn khoảng 100.000 đồng, ly cà phê đen 20.000 đồng. Nhưng khách sạn trên này dễ chịu hơn, tương đối sạch sẽ, có nước nóng, TV, máy nóng lạnh... giá khoảng 200.000đ/phòng.

Sáng hôm sau, chúng tôi đi Lũng Cú, điểm cực Bắc của Việt Nam. Trên đường đi, chúng tôi ghé Sủng Là, nơi lấy bối cảnh để quay bộ phim "Chuyện Của Pao”. Trước khi lên đường, còn đến tham quan nhà của Vua Mèo Vương Chí Sình, ngôi nhà bằng gỗ, không lớn lắm nhưng rất đẹp. Ông này có 4 bà vợ, mỗi bà có phòng riêng nhưng mỗi phòng chỉ rộng chừng 6 hoặc 7m2 mà thôi.

Cột cờ Lũng Cú nằm trên một ngọn núi cao cách mặt biển khoảng 1.500 mét, độ cao tương đương thành phố Đà Lạt nhưng khí hậu vùng núi này rất lạnh. Cô hướng dẫn viên người Lô Lô cho biết lúc chúng tôi đến đó, nhiệt độ ngoài trời là 6 độ C. Bước ra khỏi xe, ai nấy run lập cập nhưng sau một hồi bước lên hàng trăm bậc thang để lên tới cột cờ Lũng Cú thì cái lạnh đã biến mất!

Đèo Mã Pí Lèng.

Cột cờ được xây dựng trên núi Rồng, đây chưa phải là điểm cực bắc của nước ta mà chỉ là điểm cao nhất vùng này mà thôi; còn cột mốc cực bắc lãnh thổ Việt Nam cách cột cờ khoảng 3km nữa; cũng thuộc xã Lũng Cú nhưng không có đường vào nên dù rất muốn nhưng chúng tôi cũng đành "bó chân". Từ trên cột cờ nhìn xuống ngay chân núi có hai hồ nước, theo cô hướng dẫn viên thì những nhà nghiên cứu địa lý gọi đó là đôi mắt rồng và nước hồ không bao giờ khô cạn.

Đứng bên chân cột cờ nhìn về hướng bắc, sau làn sương mù là lãnh thổ Trung Quốc trùng điệp núi rừng, lòng tôi trào dâng một cảm xúc khó tả, thầm nghĩ không biết bao con người đã ngã xuống từ thời lê, Lý, Trần đến nay để bảo vệ được biên cương này.

Sau bữa ăn trưa, chúng tôi đi tiếp hơn 20km để sang huyện lỵ Đồng Văn. Huyện lỵ nghèo nàn với một ngôi chợ cũ kỹ, một khu phố cổ buồn hiu, chẳng có gì hấp dẫn trừ những ngày có chợ phiên. Hôm nay phố huyện khá vắng vẻ. Có một quán cà phê của công ty du lịch trong căn nhà cổ, nhưng không có lò sưởi nên anh em chúng tôi vội vàng uống để chui vào xe ngồi cho đỡ lạnh.

Đường lên cao nguyên đá Đồng Văn quanh co, hiểm trở.

Tạm biệt Đồng Văn, chúng tôi đi Mèo Vạc, cũng là một huyện miền núi của Hà Giang. Hai huyện này cách nhau không bao xa nhưng ngày xưa không có đường đi nên bà con các dân tộc sống ở đây muốn đi đâu phải leo qua mấy ngọn núi đá tai mèo dựng đứng. Năm 1959 nhà nước huy động hàng vạn thanh niên xung phong với mấy triệu ngày công để mở con đường đèo này, gọi là đèo Mã Pí Lèng, đây là con đèo hiểm trở nhất Việt Nam, với độ cao khoảng 2.000 mét cách mặt biển đi vòng vèo trên những ngọn núi đá, bên dưới là sông Nho Quế chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam. Hiện nay nhà nước đặt tên đèo này là đèo Hạnh Phúc và xếp hạng là danh thắng quốc gia. Đi qua con đèo này rồi mới thấy những cái đèo ở phía nam chẳng đáng kể gì về cảnh quan hùng vỹ, về mức độ hiểm nghèo và nhất là sự khắc nghiệt của thời tiết với lữ khách phương xa.

Hàng rượu ngô ở chợ phiên.
Khu mua bán gia súc ở chợ phiên Đồng Văn.

Qua khỏi Mã Pí Lèng một đoạn là đến huyện Mèo Vạc. Huyện lỵ này trông vẻ bề thế hơn bên Đồng Văn, có cả sân vận động. Chúng tôi nghỉ đêm tại đây trong khách sạn của một người chủ từ Nam Định lên xây. Sáng hôm sau, gặp ngày phiên nên chợ khá đông, phần lớn là người dân tôc như Mông, Dao, Tày, Lô Lô… đến từ các bản khá xa, thậm chí có người đi từ chiều hôm trước để đến kịp phiên chợ. Thôi thì đủ màu sắc sặc sỡ của các bà các cô. Họ bán đủ thứ, ngoài các sản vật của núi rừng họ con bán đủ loại gia súc, gia cầm; từ trâu, dê, ngựa, chó, cho đến gà, vịt… Nhưng nhiều nhất là rượu ngô, thứ rượu không nặng như rượu gạo nhưng rất dễ say.

Động Nườm Ngao gần thác Bản Giốc.

Hơn 10 giờ, chúng tôi lên đường đi Cao Bằng sau khi loanh quanh trong chợ phiên, tìm mua một số sản vật. Dọc đường, xe dừng ăn trưa tại Bảo Lạc và khoảng 5 giờ chiều thì đến thành phố Cao Bằng. Đến lúc này tôi vẫn thắc mắc "tại sao không ghé vào tham quan Công viên cao nguyên đá Đồng Văn?" nên lên tiếng hỏi anh lái xe kiêm hướng dẫn viên cho nhóm chúng tôi. Hóa ra tuy gọi tên là Đồng Văn nhưng phạm vi công viên cao nguyên đá này bao gồm một khu vực rộng lớn trải dài qua 4 huyện là Quan Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Quả đúng là đi đâu cũng thấy đá với đá, nhất là đoạn qua đèo Mã Pí Lèng.

Bản Giốc đìu hiu

Thành phố Cao Bằng nằm bên bờ sông Bằng, một đô thị khá rộng rãi, hiện đại nhưng không có gì đặc biệt. Nghỉ lại một đêm, sáng hôm sau chúng tôi đi thác Bản Giốc, một thắng cảnh thơ mộng, tuyệt đẹp của Cao Bằng và của cả nước. Bản Giốc cách thành phố Cao Bằng 90km; trong đó có khoảng 30km cuối đường rất xấu. Anh lái xe bảo đường hỏng vì xe tải chở gạo xuất sang Trung Quốc chạy nhiều, hiện nay đang được làm mới lại. Cách thác khoảng 5km, chúng tôi rẽ vào tham quan động Ngườm Ngao, bên trong đẹp không thua gì Phong Nha ở Quảng Bình.

Khách sạn du lịch thác Bản Giốc của Trung Quốc.

Còn cách vài cây số mới đến thác, chúng tôi đã nhìn thấy những khu nhà nghỉ, khách sạn khá lớn thấp thoáng trên sườn núi bên phía Trung Quốc; điều này cho thấy thắng cảnh thác Bản Giốc đem lại nguồn thu cho dịch vụ du lịch của Trung Quốc từ sau khi hai nước phân định lại cột mốc biên giới lãnh thổ. Trước đó, bên Trung Quốc không hề đầu tư du lịch ở đây.

Tháng 2, vùng biên đang là mùa khô nên thác ít nước, nhưng cũng nhờ vậy nước trong vắt, đi trên thuyền tham quan thác, thấy rõ từng viên sỏi dưới đáy. Nghe nói toàn bộ thác ngày xưa là của chúng ta, nhưng hiện nay, thác được chia đôi, lấy thác và dòng suối làm ranh giới giữa hai nước.

Bờ bên ta dựng cột mốc số 836, đối diện bên kia suối là cột mốc Trung Quốc. Nhìn hai cái cột mốc biên giới nằm hai bên bờ suối mà lòng tôi nặng trĩu. Bên kia, người ta đầu tư, khai thác du lịch và cũng là cách xác định chủ quyền lãnh thổ với du khách quốc tế; trong khi đó bên chúng ta chẳng có gì ngoài cái đồn biên phòng và một căn nhà trọ bình dân. Sách, báo, TV và các hãng lữ hành thì cứ tuyên truyền hình ảnh thác Bản Giốc để chiêu dụ khách du lịch nhưng chẳng ai quan tâm, đầu tư vào sản phẩm du lịch.

Cột mốc 836 bên kia sông, thuộc lãnh thổ TQ được dựng kiên cố trên nền xây bao quanh.Tác giả bên cột mốc 836 trên lãnh thổ VN.Ao Tiên.

Sau bữa ăn vội vàng, chúng tôi lại lên đường đi hồ Ba Bể ở Bắc Kạn. Đoạn đường này dài đến 300km với nhiều đèo dốc và có nhiều đoạn khó đi. Mãi 8 giờ tối mới đến Ba Bể, chúng tôi vào nghỉ trong ngôi nhà sàn rộng làm bằng gỗ nghiến của một gia đình người Mông. Sáng hôm sau, lại vội vàng ăn sáng để đi chơi hồ.

Một góc hồ Ba Bể.

Ba Bể là một hồ nước ngọt nổi tiếng của Việt Nam, có chiều dài gần 10km, rộng hằng trăm mét và độ sâu trung bình 20 - 25 mét. Nằm trên độ cao gần 150 mét so với mặt nước biển, hồ được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi cao dựng đứng, cây cối rậm rạp, thỉnh thoảng một vài cây cổ thụ vươn lên trời cao. Hồ nằm trong vườn quốc gia Ba Bể. Cuối hồ là thác nước tung bọt trắng xóa, đi thuyền trên hồ ngắm cảnh hai bên cứ ngỡ mình đang đi vào cõi tiên. Bên cạnh có hồ nhỏ gọi là Ao Tiên, bốn bề là núi cao, không biết nước trong hồ có thông ra được với hồ lớn không?

Gần 2 giờ chiều chúng tôi mới ăn trưa, xong quay về ngay. Trên đường về Hà Nội, xe dừng ăn tối ở Thái Nguyên rồi tiếp tục đi thẳng về Nội Bài để làm thủ tục bay vào TPHCM, kết thúc hành trình tham quan vùng biên giới phía Bắc đã ước ao bao năm nay.

(Theo Tienphong Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Quan âm Phật đài ở Bạc Liêu
  • Hòn Trẹm, Kiên Giang
  • Nhị Thanh - hang động giữa phố núi
  • Sắc tứ Quan Âm cổ tự ở Cà Mau
  • Chơi rừng Trà Sư
  • Chùa trên núi Bích Động
  • Lên cao nguyên Lang Bian, ngủ trên cây
  • Thủy Đài Sơn và huyền thoại về phong thủy
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com