Đường Lâm cách Hà Nội khoảng 50km. Vùng đất này là nơi phát tích hai vị vua đồng thời là hai vị anh hùng của dân tộc Việt Nam: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Ngô Quyền.
Lăng Ngô Quyền. Ảnh: vihaonline |
Làng Đường Lâm còn nguyên vẹn hình ảnh của làng quê Việt cổ với cầu ao giặt áo, lò gạch, cổng làng, sân đình, đồng ruộng... Cảnh vật, nhà cửa, kiến trúc của làng mang đậm nét cổ xưa, những nếp sinh hoạt, phong tục tập quán, tín ngưỡng của văn hóa làng Bắc bộ ở đây cũng vẫn giữ như mấy nghìn năm trước. Cho đến nay, làng cổ Đường Lâm vẫn là xóm làng duy nhất của cả nước được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 2006.
Dấu ấn cổ xưa rõ nét nhất của Đường Lâm nằm ở kiến trúc cổng làng và đình Mông Phụ. Cổng làng gồm 1 cổng lớn và 4 cổng trấn bốn phương, được xây bằng đá ong theo lối kiến trúc vòm được xây dựng từ năm 1833. Trên cổng vẫn đọc rõ dòng chữ “Thế hữu hưng ngơi đại”- nghĩa là “thời nào cũng có người tài”. Cổng làng nằm trên trục đường chính dẫn vào làng, có 4 cây cột chọn theo mẫu tứ thiết (đinh, lim, sến, táu) vũng chãi trên những phiến đá xanh tròn vành vạnh như bốn chiếc cối đá đặt úp. Cửa làng là hai cánh gỗ lim “cánh dế” dày khoảng bốn năm phân, đóng mở nhẹ nhàng nhờ hai cối cổng bằng đá và bánh xe gỗ bọc thép.
Mông Phụ theo chữ Hán nghĩa là đồi thấp. Có lẽ vì ngôi đình nổi tiếng của Đường Lâm nằm ở trên một ngọn đồi thấp nên có tên là đình Mông Phụ. Đình được xây dựng cách đây trên 360 năm, mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc Việt - Mường với sàn gỗ và những nét chạm trổ tinh vi. Tương truyền, về mặt phong thủy, Đình được đặt trên đầu rồng mà giếng làng là hai mắt. Trước cửa đình là một khoảng sân rộng. Khoảng sân này là một nút giao thông như nan quạt tỏa về các xóm: xóm Sui, xóm Xây, xóm Trung Hậu, xóm Sải, xóm Đình. Sân đình thấp hơn so với mặt bằng xung quanh. Khi mưa xuống, nước từ nhiều phía ào ạt đổ xuống sân, sau đó từ từ thoát ra theo hai cống nhỏ chạy dọc theo nách đình (chống thủy lôi tâm). Trong mưa, hai rãnh nước giống như hai râu rồng. Đó là điểm trác tuyệt trong kiến trúc đình Mông Phụ .
Ở làng Mông Phụ nhà cửa san sát nhau, hầu hết đều được xây bằng đá ong cổ- một vật liệu sẵn có ở địa phương. Đá ong ở Mông Phụ rất nhiều, có khi nằm dưới sâu vài ba mét, có chỗ lưỡi đá lộ thiên trồi hẳn lên. Người dân cứ thế khai thác đá đem về xếp chồng lên thành tường nhà. Cả làng có 140 ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi được xây dựng theo lối chữ Môn, ba phía đều có các gian phụ hoặc mái che; mái nhà cong, lợp ngói mũi hài, cổng nhà hình quai giỏ, tường đá ong... Màu đá ong nâu đỏ cả một làng, chính là nét độc đáo làm nên dấu ấn “làng Việt cổ” Đường Lâm.
Đến Đường Lâm không thể không viếng thăm chùa Mía. Chùa cách trung tâm thành phố Sơn Tây khoảng 5 km. Chùa có tên chính thức là “Sùng Nghiêm Tự”, nằm trên vùng đồi của làng Đông Xàng, cách Hà Nội gần 50 km về phía tây. Thế kỷ XVII, chùa bị hư hỏng, đổ nát. Năm 1632, Cung phi Ngô Thị Ngọc Diệu phủ chúa Trịnh Tráng đã đứng ra khuyến mộ thiện nam tín nữ tôn tạo lại chùa. Nhân dân mến mộ bà đã tạc tượng đem thờ ở chùa và tôn sùng bà là “Bà Chùa Mía”. Chùa Mía có 287 pho tượng thờ, trong đó có 174 tượng bằng đất nung sơn son thiếp vàng, 107 tượng mộc và 6 pho tượng đồng, chùa Mía đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục là nơi lưu giữ nhiều tượng cổ nghệ thuật nhất Việt Nam. Vào mùa xuân, khi nhiều ngôi chùa khác tấp nập khách thập phương, khói hương nghi ngút thì ở đây vẫn yên tĩnh, trang nghiêm vì khách viếng chùa không ồn ào, chen chúc.
Không chỉ có lịch sử hàng ngàn năm với những nét đặc trưng của làng quê Bắc bộ, cư dân Đường Lâm còn tự hào vì nơi đây sinh ra hai vị vua- anh hùng dân tộc là Ngô Quyền và Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Vì thế, Đường Lâm còn được mệnh danh là vùng đất hai vua. Đến Đường Lâm, sẽ là một thiếu sót lớn nếu không đến viếng đền thờ Phùng Hưng và lăng Ngô Quyền.
Lăng Ngô Quyền và đền Phùng Hưng cùng nằm trong làng, cách nhau khoảng 300m. Lăng Ngô Quyền hiện nay là kiến trúc của lần trùng tu năm 1821. Hằng năm, từ 16 đến 18 tháng giêng âm lịch, tại đây đều diễn ra lễ hội tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Ngô Quyền.
(Theo Hiền Dung // Cantho Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com