Hồ Ông Thoại phong cảnh hữu tình. |
Vùng đất Thoại Sơn có bề dày lịch sử, là chiếc nôi của nền văn hóa Óc Eo cổ xưa... Dân huyện Thoại Sơn An Giang gọi vị công thần Thoại Ngọc Hầu là Ông Thoại và coi ông như một vị thần trấn ải vùng đất này.
Về Long Xuyên-An Giang, đến ngã tư Đèn Bốn Ngọn ngay trung tâm thành phố thì rẽ trái theo tỉnh lộ 943, chừng non 30 km là đến Thoại Sơn. Đường hẹp nhưng thoáng mát. Đặc biệt suốt chiều dài hai bên con đường, sen mọc rất nhiều trên đồng, trong các ao. Đi vào mùa này, hoa ô môi nở khiến phong cảnh càng hấp dẫn.
Trên vùng đất này vẫn còn lưu truyền câu chuyện Thoại Ngọc Hầu- tên thật là Nguyễn Văn Thoại- vâng lệnh vua đến đây khai hoang đất đai. Năm 1800, Thoại Ngọc Hầu được phong Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân, tước Hầu. Hiện vẫn còn con kênh thông suốt từ Long Xuyên đến Rạch Giá, mở luồng ra biển Tây thay vì phải đi vòng xuống Cà Mau rồi mới ngược đường biển lên vịnh Thái Lan. Kênh được Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào vào năm 1818 với sức lao động của hàng vạn lượt người, suốt khoảng một năm. Kênh rộng 61 mét, dài hơn 30 km (từ Ba Dầu đến Rạch Giá). Đây là con kinh đào sớm nhất ở miền Nam, trước cả kinh Vĩnh Tế. Để ghi công trạng của danh nhân Nguyễn Văn Thoại, vua cho đặt tên dòng kênh là Thoại Hà (sông Thoại), đặt tên một ngọn núi ở đây là Thoại Sơn (núi Thoại) và ban thưởng. Ông lấy làm vinh dự và viết một bài văn tạc vào đá 629 chữ ghi lại tâm sự của mình từ khi vâng lệnh vua đến đây mở cõi, đào kênh... Năm 1822, Thoại Ngọc Hầu cho làm lễ dựng bia tại miếu thờ Sơn Thần. Trên đầu bia đá cao 3 mét, ngang 1,2 mét, dày 2 tấc chạm hai chữ Thoại Sơn.
Khi Thoại Ngọc Hầu mất, dân làng lập đền thờ ngay tại vị trí ông đặt tấm bia đá, tôn thờ ông như một vị thần. Bia ngày nay vẫn còn nguyên vẹn, chữ rõ ràng. Đã trở thành tập tục, hàng năm, cứ dịp mùng 10 tháng ba âm lịch, tại đền thờ Thoại Ngọc Hầu chính quyền và nhân dân tổ chức lễ cúng rất long trọng. Người dân từ khắp nơi tề tựu về đây chiêm bái, tưởng nhớ công lao của ông và lớp người xưa đã mở mang bờ cõi, tạo ra vùng đất trù phú như hôm nay. Hậu duệ của ông ở miền Trung cũng về dự dâng hương. Tại lễ cúng vẫn duy trì hoạt động hát bội theo nghi thức truyền thống, thu hút đông khách hành hương thưởng lãm.
Tấm bia ghi lại bài văn của danh nhân Thoại Ngọc Hầu hiện được lưu giữ cẩn thận tại đình thờ ông ởThoại Sơn. |
Hiện nay, do tình trạng khai thác đá diễn ra từ trước năm 1975 núi Thoại đã bị mất một phần nhưng vẫn giữ được phần gần đỉnh núi nay là đỉnh Cây Da. Phần núi bị khai thác nay là hồ nước sâu trong vắt quanh năm được gọi là hồ Ông Thoại. Lòng hồ vẫn còn những khối đá lớn nhỏ, nhô lên mặt nước. Khi nước bên ngoài khô hạn, hồ vẫn có màu nước xanh trong, không bao giờ cạn. Giữa hồ là tượng Thoại Ngọc Hầu được dựng trang trọng, thế đứng hiên ngang, quay lưng vào núi. Du khách có thể đi xuồng len lỏi vào các ngóc ngách của hang động để khám phá. Thoại Sơn phong cảnh sơn thủy hữu tình, thu hút nhiều khách đến vãn cảnh núi non và chiêm bái. Hồ Ông Thoại có cá vồ cờ- loài cá có tên trong sách Đỏ sinh sống. Tuy nhiên, do cá vồ cờ có đặc tính sống ở môi trường tầng đáy, nước lạnh nên du khách hiếm khi thấy chúng. Chứng kiến được thời khắc cá giương cờ -theo quan niệm dân gian là một điềm may mắn.
Thoại Sơn còn là vùng đất phát hiện nền văn hóa Óc Eo huyền bí... được khai quật trong thời gian qua. Qua khai quật các hiện vật và dấu tích còn lại có giả thuyết rằng: Thoại Sơn xưa là vùng đất trù phú, là một thương cảng lớn tiếp nhận các tàu buôn của thương thuyền Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... Năm 1913, người dân địa phương phát hiện một tượng đá đen tư thế đứng, mất 2 chân và 1 tay, dân lập chùa thờ, nay là Linh Sơn cổ tự. Tượng làm bằng sa thạch, cao 1,7 mét, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ II đến thứ VI. Các nhà nghiên cứu chứng minh đôi chân bằng đá hiện trưng bày tại Bảo tàng tỉnh An Giang là chân của tượng này. Ngày 24-5-2009, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận tượng sa thạch ở chùa Linh Sơn là tượng sa thạch lớn và cổ xưa nhất Việt Nam. Có nhiều cổ vật của nền văn hóa Óc Eo được khai quật tại đây hiện trưng bày trong Nhà trưng bày di chỉ văn hóa Óc Eo.
Đến Thoại Sơn, còn có những kiệt tác của thiên nhiên như Thạch đại đao là một khối đá hình ngọn đao khổng lồ dài khoảng 3,2 mét nằm trên núi Ba Thê, ước nặng khoảng 2,5 tấn với hình đáng kỳ bí, gây sự tò mò đối với du khách; còn có những hòn đá xếp chồng trên núi Chóc với những vị thế hiểm trở tạo sự hứng thú đối với nhiều người.
Làm một tour đến đây có thể gọn trong một ngày kết hợp tham quan, vãn cảnh và chiêm bái tại núi Sam, núi Cấm và đi chợ biên giới.
(Theo Bài, ảnh: Du Miên/CanTho)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com