Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Việt Nam trong mắt các nhiếp ảnh gia nước ngoài

Các nhiếp ảnh gia và các nhà báo tự do nước ngoài chia sẻ với baodautu.vn góc nhìn của họ về cuộc sống, con người Việt Nam.
 
1. Trẻ con ở Củ Chi: Bức ảnh được chụp ngày 3/1/2010 tại Củ Chi, TP.HCM. Tác giả: Miguel López Gómez  (Tây Ban Nha) - tinkinhte.com
1. Trẻ con ở Củ Chi: Bức ảnh được chụp ngày 3/1/2010 tại Củ Chi, TP.HCM. Tác giả: Miguel López Gómez  (Tây Ban Nha)
 
Lời bình của tác giả: Ngay khi đặt chân đến Việt Nam, trẻ con đã luôn là đối tượng thu hút sự chú ý của tôi nhiều nhất. Chúng rất giàu năng lượng và có nụ cười trong sáng tuyệt vời.

Mặc dù về mặt vật chất, các em có thể còn nhiều thiếu thốn, nhưng không bao giờ thiếu sự tò mò, hiếu kỳ một cách vô cùng hồn nhiên, đáng yêu.

Các em không hề hoảng sợ khi tôi đưa ống kính máy hình lên, mà luôn trao cho tôi những nụ cười đẹp nhất.

Các em cũng là những tấm gương phản chiếu tinh thần hiếu khách, thân thiện của người Việt Nam.

Tôi muốn gửi tặng các em nhỏ và người lớn Việt Nam tấm hình với những nụ cười đẹp đẽ này như một cách cảm ơn đất nước đã chào đón tôi, với một vòng tay rất rộng mở và ấm áp.

Miguel López Gómez bắt đầu đến với nhiếp ảnh từ năm 12 tuổi. Anh học về nhiếp ảnh ở Trường Edinburgh Stevenson College (Scotland), sau đó đi du lịch khắp châu Âu, Bắc Phi và châu Á.

Ở TP.HCM, vào đầu tháng 12/2009, anh đã tổ chức thành công một triển lãm cá nhân nhỏ của mình ở nhà hàng Parachan tại quận 1. Tham khảo thêm thông tin về Miguel López Gómez tại website cá nhân của anh: www.mlgphotographer.com 

2. Hớt tóc: Ảnh chụp tại Đà Lạt vào tháng 4/2008 của Fernando Villalobos (Colombia)

 Lời bình của tác giả: Bức ảnh thể hiện một góc nhìn của tôi về cuộc sống hàng ngày ở Việt Nam, một chủ đề mà tôi luôn bị hấp dẫn ngay từ lần đầu đặt chân đến đây vào năm 2007.

Mặc dù đang làm công việc của mình, dường như người thợ hớt tóc và ngay cả ông khách đang gật gù trên ghế cũng không thể bỏ qua những điểm động trên lề đường ở phía ngoài của cửa tiệm.

Đây là một thứ dịch vụ rất tuyệt vời chỉ có ở Việt Nam, với mức giá tốt nhất trên hành tinh.

Trước khi đến Việt Nam, Fernando Villalobos đã đi qua khoảng 40 nước trên thế giới từ châu Mỹ, sang châu Âu, châu Phi tới châu Á. Với chiếc máy ảnh trong tay, anh đã bắt giữ lại hàng ngàn khoảnh khắc của cuộc sống từ những đất nước này.

Tại Việt Nam, anh đã tổ chức thành công hai cuộc triển lãm cá nhân. Thứ nhất, “Wrinkles” – Những nếp nhăn là tập hợp những bức chân dung của một thế hệ những người Việt Nam đã đi qua hơn 3 thập kỷ của chiến tranh và thời kỳ kinh tế khó khăn. Trong triển lãm thứ hai mang tên “Cosas” – Đồ vật, Fernando ra mắt những bức ảnh chụp tĩnh vật với tính biểu tượng cao, nhằm phác họa một chiều sâu khác của cuộc sống ở Việt Nam.

Tham khảo thêm thông tin về Fernando Villalobos tại website cá nhân của anh www.fv-photography.nasdra.com.

3. Đám cưới ở làng nổi của Nicolas Cornet (Pháp). Ảnh chụp tại làng nổi Vạn Giá trong vịnh Hạ Long

Lời bình của tác giả: Trong một lần ghé Vạn Giá, tôi tình cờ nghe nói đến đám cưới của chị Minh Thanh, 22 tuổi và một anh dân chài.

Khi tôi gặp và nói chuyện với cô dâu, sự lo lắng thể hiện rõ trên gương mặt trẻ măng của cô ấy. Minh Thanh từ vùng khác đến. Cô ấy không biết bơi và rất sợ sẽ phải sống trên một ngôi nhà nổi. Trước khi theo chồng về Vạn Giá, cô mới chỉ ghé sang thăm làng nổi một lần.

Nicolas Cornet cầm máy từ năm 1975 và đến Việt Nam lần đầu vào năm 1987. Mặc dù đang sống tại Pháp, anh thường xuyên đi về giữa châu Âu và châu Á để thực hiện các phóng sự độc quyền. Anh là cộng tác viên thường xuyên của các báo hàng đầu ở Pháp như Le Monde, Geo France, Grands Reportages, Nouvel Observateur, Figaro Magazine, Siete Leguas/El Mundo.

Anh nói tiếng Việt trôi chảy và là tác giả của 4 cuốn sách du lịch về Việt Nam. Trong năm 2009, tập sách bằng tiếng Anh “Vietnam, A sense of place” (Việt Nam, cảm nhận về một miền đất) được Nhà xuất bản Thames & Hudson phát hành rộng rãi trên toàn thế giới. Cũng trong năm này, anh còn là đồng tác giả của một quyển sách du lịch bằng tiếng Pháp về Campuchia.

4. “Chiến dịch Nụ cười”. Ảnh chụp tại một bệnh viện ở TP.HCM vào giữa năm 2009. tác giả: Peter Stuckings (Australia)

Lời bình của tác giả: Tôi luôn cảm thấy ngập tràn hạnh phúc khi nhìn bức ảnh này.

Cậu bé con này đã được sinh ra với một dị tật không thể che giấu, nhưng trong tấm hình này, ta chỉ có thể nhìn thấy nụ cười thật rạng rỡ của em. Và tình yêu của người mẹ dành cho con mình, dù bất kể cậu bé ấy có thế nào đi nữa, cũng hiện rõ trên từng nét mặt của chị.

Cũng vì những tình yêu và niềm hạnh phúc có thể cảm nhận rõ ràng này mà tôi đã dành rất nhiều thời gian tình nguyện đi theo các đoàn bác sĩ phẫu thuật sứt môi – hở hàm ếch của Chiến dịch Operation Smile – chiến dịch phẫu thuật tình nguyện mang lại nụ cười cho trẻ thơ trên khắp thế giới, từ Việt Nam đến Philippines và Ấn Độ.

Tôi chắc chắn rằng, bây giờ, môi của em bé này đã lành lặn như bao trẻ khác và hy vọng sang năm tới, tôi sẽ được gặp lại em để có thể chụp một tấm chân dung mới.

Peter Stuckings là nhiếp ảnh gia chuyên về các đề tài liên quan đến Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan. Anh là biên tập viên và nhiếp ảnh chính cho các cuốn sách hướng dẫn du lịch về Việt Nam mang tên “Insight Guides Vietnam”.

Anh cũng thường xuyên cộng tác với các tạp chí và kênh du lịch hàng đầu thế giới như Conde Nast Traveller, CNN Traveler, Discovery Cathay Pacific, Travel+Leisure...

Đối với anh, Việt Nam có một ý nghĩa đặc biệt vì “mỗi ngày ở đây tôi lại khám phá thêm một điều mới mẻ”. Tham khảo thêm về anh tại trang web cá nhân www.indochinaimages.com.

5. Gia đình tôi. Bức ảnh được chụp ở Lâm Đồng, năm 2007 của Ciarna Hackett (Ireland)

Lời bình của tác giả: Tôi chụp bức ảnh này khi về Lâm Đồng dự đám cưới của một người em họ bên nhà chồng tôi.

Người ngồi bên bàn nước là dì chồng tôi, còn di ảnh bên trái cái lư hương là của bố chồng tôi. Tôi chưa được gặp ông ấy bao giờ, vì ông mất trước khi chúng tôi lấy nhau, tuy vậy, mọi người trong nhà vẫn thường kể những kỷ niệm về ông cho tôi nghe.

Bức ảnh này là một phần cuộc sống của tôi ở Việt Nam và tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi được đón nhận vào một đại gia đình ấm áp và giàu tình cảm thế này.

Ciarna Hackett vừa là một nghệ sĩ thị giác, vừa là một tình nguyện viên của tổ chức từ thiện Christina Noble tại Việt Nam.

Từ năm 2005-2008, Ciarna cùng chồng, họa sĩ Phạm Văn Đức đã tổ chức được 4 triển lãm trưng bày các tác phẩm của trẻ em thiếu may mắn Việt Nam tại Ireland, Anh và TP.HCM.

Đầu năm 2009, hai vợ chồng cũng đã tổ chức thành công một triển lãm đôi mang tên “Nhảy 1000” tại Himiko Visual Café tại TP.HCM.

6. Chùa Ngọc Hoàng. Ảnh chụp tại chùa Ngọc Hoàng, Quận 1, TP.HCM ngày 3/9/2009 của Tim Barnsley (Australia).

 Lời bình của tác giả: Tôi thực hiện bức ảnh này vì tôi nghĩ nó diễn tả được không gian yên ả và thanh tịnh bên trong chùa Ngọc Hoàng, ngôi chùa với hơn 100 tuổi ngay giữa trung tâm TP.HCM.

Mặc dù ở phía bên ngoài, cuộc sống diễn ra vô cùng sôi động và ồn ã, phía bên trong cửa chùa lại là một thế giới hoàn toàn khác. Đó là thế giới của tâm linh, của lòng tin, của sự thanh thản.

Tôi rất ưng ý với màu sắc trong bức ảnh: màu đỏ của chiếc khung lồng chim nổi bật trên nền khói lam mờ ảo của khói nhang.

Tôi biết chùa chiền là nơi linh thiêng, nên đã chọn điểm lấy nét là cái lồng chim, thay vì người phụ nữ, như vậy, tôi không quá xâm lấn vào sự riêng tư của chị ấy, mà vẫn đủ chi tiết để thể hiện được nét từ tâm, thành kính nơi cửa Phật.

Tim Barnsley tìm đến với nhiếp ảnh từ khi anh mới chỉ là một cậu bé chừng 11 tuổi. Với 20 năm cầm máy chụp hình minh họa cho các báo và tạp chí ở Australia, anh cho rằng, một bức ảnh đẹp có thể thay ngàn lời nói. Anh đến thăm Việt Nam năm 2001 và những sắc màu quyến rũ của cuộc sống ở đây đã luôn vương vấn trong tâm trí của anh, cho đến tháng 7/2009 thì toàn bộ gia đình của anh đã quyết định chuyển đến sống hẳn ở Việt Nam.

7. Không đề. Ảnh chụp vào tháng 2/2008 tại Hà Nội. Tác giả: Enrico Gonzales (Philippines).

Lời bình của tác giả: Đối với tôi, lưu lại những hình ảnh của cuộc sống luôn luôn là một công việc thú vị.

Mỗi nơi tôi đi qua, mỗi người tôi gặp, mỗi cảm xúc mà tôi có thể nắm bắt…, tất cả đều thể hiện trong những tấm hình mà theo tôi, hay nhất là để mỗi người cảm nhận và suy tưởng về nó theo cách của họ.

Tính đến năm 2010, Enrico Gonzales đã cầm máy được đúng 20 năm. Các bức ảnh của anh được sử dụng trên các tạp chí và sách ảnh phổ biến ở Philippines, cũng như được sử dụng bởi các hãng thông tấn quốc tế: Associated Press, Agence France-Presse, Bloomberg News và European Press Photo Agency.

(Theo Hồng Nhung // Báo đầu tư)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Lào Cai khoe sắc
  • Xem đâm trâu ở làng Mơ Hra
  • Lễ hội Lồng Tông ở Thượng Lâm: Âm hưởng miền cổ tích
  • Đặc sắc ngày hội văn hóa Mộc Châu
  • Lễ hội thả diều lớn nhất Việt Nam
  • Mùa xuân, về Đồng Kỵ xem "tung ông đám"
  • Đặc sắc lễ hội đền Hạ
  • Lễ hội đập trống
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com