Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ai Cập dự kiến đón 15 triệu khách du lịch năm 2010

Ai Cập - cái nôi của nền văn minh nhân loại. (Nguồn: Internet)
Bộ trưởng Du lịch Ai Cập Zoheir Garana tuyên bố, Ai Cập, cái nôi của nền văn minh nhân loại, sẽ đón 15 triệu du khách trong năm 2010, tăng 20% so với năm 2009, và đạt doanh thu 13 tỷ USD, một kỷ lục mới của ngành du lịch.

Bộ trưởng Garana nhấn mạnh, tại khu vực Arập và Trung Đông, Ai Cập là một điểm đến hàng đầu của du khách. Từ 8,5 triệu du khách năm 2005 cho đến con số 15 triệu du khách năm 2010 là một bước tiến dài đối với ngành công nghiệp không khói Ai Cập.

Ông Garana cho biết, theo Tổ chức Du lịch Thế giới, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ là 2 điểm đến được đánh giá cao nhất trong khu vực. "Do đó, đối thủ cạnh tranh duy nhất của chúng tôi hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ, vì năm 2009, nước này đã đón tơi 27 triệu du khách."

Theo ông Garana, thu nhập ngành du lịch năm 2010 sẽ tăng mạnh sau khi bị giảm năm 2009 do những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính quốc tế. Những con số thống kê kể từ đầu năm nay cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng về lượng khách là 18% và tỷ lệ lưu trú qua đêm tăng 15%.

Du khách Nga đến Ai Cập đông nhất, với hơn 2 triệu người trong 6 tháng đầu năm, tăng 93,5% so với cùng kỳ năm 2009.

Nếu những con số ấn tượng này được duy trì cho đến cuối năm, một kỷ lục khác sẽ được lập với lượng du khách Nga đến Ai Cập sẽ vượt ngưỡng 4 triệu Tiếp theo là các nước Anh, Italy, Đức và Ba Lan.

Về viễn cảnh phát triển ngành du lịch Ai Cập, ông Garana cho biết, năm tới sẽ huy động mọi nỗ lực để có thể thu hút được thêm 1,5 triệu du khách nhằm tạo ra thêm được 200.000 việc làm.

Ai Cập đã đề ra những kế hoạch phát triển du lịch bền vững cho 15 năm tới, và đặt ra mục tiêu sẽ đón 20 triệu khách năm 2020.

Ông Garana khẳng định: "Tôi lạc quan để nói rằng chúng tôi sẽ đạt được những mục tiêu trên vì có một tiềm năng du lịch lớn và Ai Cập biết cách đa dạng hoá các sản phẩm du lịch để thu hút du khách".

Đối với những chương trình quảng bá quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Ai Cập, ông Garana nhấn mạnh, các chương trình này đều đã thu được những thành công lớn, thu hút được sự quan tâm đông đảo đu khách.

Tháng 3/2010, ngành du lịch Ai Cập cũng tiến hành một chiến dịch quảng bá mới trên bình diện quốc tế, với khẩu hiệu "Ai Cập - Nơi mọi thứ đang bắt đầu."

Chiến dịch gửi thông điệp chính tới du khách rằng Ai Cập, cái nôi của nền văn minh nhân loại, có thể tiếp đón du khách vào bất cứ thời điểm nào trong năm tại các khu nghỉ dưỡng mùa hè hoặc mùa đông, với một môi trường khí hậu ôn hòa, dễ chịu suốt 4 mùa và sự niềm nở, hiếu khách của người dân địa phương.

Được thực hiện tại 26 quốc gia châu Á, châu Âu và châu Mỹ, chiến dịch quảng bá mới này cũng được phát sóng trên các kênh truyền hình nổi tiếng nhất thế giới như CNN, BBC hay Eurosport.

Cũng trong năm nay, Bộ trưởng Du lịch các nước Arập đã quyết định chọn thành phố Alexandria, nằm bên bờ Địa Trung Hải, là thủ đô du lịch Arập năm 2010. Bộ Du lịch Ai Cập đã triển khai một chương trình quảng cáo đặc biệt cho thành phố Alexandria.

Chiến dịch quảng bá này, với khẩu hiệu "Ai Cập, nơi bắt đầu của lịch sử", cũng được thực hiện tại các nước Arập, nhằm giới thiệu ra thế giới và khu về sự đa dạng các sản phẩm du lịch của Ai Cập, cũng như chất lượng các dịch vụ du lịch.

Ai Cập thậm chí hướng tới mục tiêu đón 25 triệu khách du lịch vào năm 2022. Hiện du lịch chiếm khoảng 11% GDP của Ai Cập và cứ 8 lao động thì có 1 người làm trong ngành du lịch. Đây cũng là một trong những nguồn thu ngoại tệ hàng đầu của nước này./.
 
Thanh Bình/Cairo (Vietnam+)

  • Vân Phong hút nhiều dự án du lịch sinh thái biển
  • Hà Nội Kids - những sứ giả văn hóa của Thủ đô
  • ASEAN - điểm đến hấp dẫn
  • Thu hút khách quốc tế: Đừng để hạ tầng và dịch vụ cản bước
  • Loay hoay du lịch ĐBSCL. Bài 1: Hấp dẫn văn hóa phương Nam
  • Sắp phát sóng kênh truyền hình du lịch Việt Nam
  • Chương trình chung phát triển du lịch 2011-2015
  • Phát huy các giá trị di sản và làng nghề truyền thống
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com