Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Loay hoay du lịch ĐBSCL. Bài 1: Hấp dẫn văn hóa phương Nam

Đến nay, ĐBSCL - vùng châu thổ độc đáo được tạo bởi 2 nhánh của sông Mekong vẫn là vùng trũng trên bản đồ du lịch cả nước. Loạt bài này sẽ phản ánh những thiếu sót bất cập dẫn đến hiện tượng đó.

Du lịch bao giờ cũng là văn hóa và trao đổi văn hóa. Du lịch ĐBSCL cạnh tranh bằng gì nếu không khai thác văn hóa Việt, văn hóa bản địa một cách bài bản, tinh tế và chuyên nghiệp?

Vẻ đẹp mãi... tiềm ẩn 

ĐBSCL là vùng đa dân tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo, bước chân ra ngõ là gặp lễ hội. Hình ảnh đồng bằng rất bắt mắt, hấp dẫn du khách Tây Âu, Bắc Mỹ, Italia… “Chỉ bán khí trời cũng giàu rồi”, một nhà đầu tư Nhật thốt lên khi khảo sát 5 cồn dọc sông Hậu. Vẻ đẹp chín Rồng sẽ không tiềm ẩn mà lung linh, quyến rũ hơn nếu được ngành du lịch khai thác đúng tầm những tài sản vật chất, nhân văn đã kiến tạo nên văn hóa nơi đây.

Tính đến nay toàn vùng mới chỉ có 4 địa phương An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang thu hút được các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực du lịch với 5 dự án và vốn đầu tư đăng ký là 21,88 triệu USD. Trong khi đó miền Bắc có 64 dự án với vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD; miền Trung 56 dự án gần 628 triệu USD.

Không những thế, mùa nước nổi tạo ra bản sắc sông nước Nam bộ. Trên biển nước bao la đó là sự trỗi dậy của nhịp sống sôi động sáng tạo, bền bỉ, lạc quan phóng khoáng... “Tiếng vọng từ đồng nước” đã lan xa, làm khắc khoải, thúc giục bao người tha phương.

“Đây là tour có tiềm năng rất lớn, chỉ có ở đất phương Nam. Bà con Việt Kiều nôn nao đăng ký nhiều lắm”, anh Nguyễn Minh Quyền, Phó Giám đốc Trung tâm lữ hành Benthanh Tourits cho biết. “Lễ hội Văn hóa – Thể thao mùa nước nổi” tại An Giang những năm gần đây đã trở thành mùa ăn nên làm ra và là thông điệp đậm chất nhân văn về những Sơn Tinh thời hiện đại.

Những sản phẩm du lịch đặc thù như lễ hội, chợ nổi, chèo ghe trên sông rạch, thăm vườn trái cây, thưởng thức đờn ca tài tử, ẩm thực thời khẩn hoang… góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho vùng châu thổ này.

Tuy nhiên, việc khai thác du lịch tại vùng này còn nhiều trùng lắp, hạn chế. “Tại đây có 13 bản photocopy; chỉ cắt, dán chút đỉnh”, Giám đốc một Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại – Du lịch trong vùng thừa nhận.

Du khách nước ngoài trên sông rạch Nam bộ.

Nhưng có một thực tế, suốt thời gian dài, điệp khúc “lên xuồng, xuống ghe, vô vườn, nghe đờn ca tài tử” vẫn ngân dài trải khắp khu vực; loay hoay trong đơn điệu, trùng lắp, nhàm chán bởi “đi một nơi biết cả vùng”. Người ta chỉ tập trung khai thác những gì có sẵn từ thiên nhiên không đầu tư tạo những sản phẩm du lịch mới. Thậm chí có khi người ta lãng quên hay “xử lý” các giá trị văn hóa còn đơn giản, hành chánh; vô tình tự tước đoạt ưu thế cạnh tranh độc đáo của chính mình.

Chợ nổi Ngã bảy (Hậu Giang) tồn tại cả trăm năm, “Thương trường lộ thiên kỳ diệu, là sự bùng nổ của sắc màu, âm thanh, hương vị thiên nhiên, con người mang đậm sắc thái Việt” như một nhà nghiên cứu văn hóa người Australia ví von, nhưng đột nhiên “mất tích” (với lý do ách tắc giao thông, rác thải…) khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Năm 1992, bàng hoàng trước vẻ đẹp sống động này, Jacques Yves Cousteau, thuyền trưởng tàu Calypso nổi tiếng đã phải dùng thủy phi cơ bay trên độ cao hơn trăm mét cùng 4 ca nô chuyên dùng tỏa ra khắp các điểm chợ để làm bộ phim tài liệu đặc sắc phát trên 100 đài truyền hình trên thế giới. Toàn vùng chỉ có Bến Tre tạo được dấu ấn riêng qua việc khai thác thế mạnh cây dừa thành sản phẩm du lịch.

Đường đi ngay dưới chân mình 

Muốn tạo ra “hàng độc” chắc chắn ngành du lịch phải chịu khó, năng động, tăng lượng “chất xám” cho sản phẩm từ việc khai thác, chắt lọc nét riêng độc đáo, bản sắc (vật thể, phi vật thể) của mình và giữ cho được tính chân thực của bản sắc đó.

Việc chọn lọc, phục hồi các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể (đã và chưa được công nhận), các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, ngành nghề thủ công sẽ tạo được hiệu ứng tốt thu hút khách du lịch, nâng cao đời sống dân sinh.

Loại hình đờn ca tài tử chuẩn bị được trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới là dịp để ngành du lịch tính toán lại giới thiệu trong các điểm du lịch sao cho chuyên nghiệp, bài bản hơn; không chỉ đưa ra vài lời giới thiệu, vài ba cây đàn cùng một hai giọng ca “tài tử”.

Khách du lịch hái bông điên điển mùa lũ.

Môi trường cạnh tranh du lịch càng khốc liệt, càng phải tạo nên những giá trị khác biệt. Mấy năm trước, chỉ mấy con đom đóm bên bờ rạch ở Cần Thơ đã hút hồn bao du khách Nhật cho thấy cách sinh hoạt, phong tục tập quán, truyền thuyết, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống…chính là nguồn cung cấp sản phẩm du lịch độc đáo nếu người làm tour tinh ý và có sự hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia văn hóa.

Một đội ngũ nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chuyên sâu và tâm huyết sẽ thúc đẩy sự năng động sáng tạo, làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Để sản phẩm mang tính bền vững người dân phải là chủ thể trong chuỗi giá trị và được sẻ chia quyền lợi hợp lý. Hẳn nhiên, những điều ấy phải được thực hiện một cách bài bản, có tổ chức, quy hoạch.

Thời gian và tiền bạc rồi sẽ tạo ra dịch vụ nhưng không có công cụ nào đủ sức tạo nên giá trị lịch sử - văn hóa và chính yếu tố này sẽ mang lại nét đặc biệt, sự độc đáo, nổi bật của sản phẩm du lịch. 

 

( Theo VŨ THỐNG NHẤT // Báo SGGP Online )

  • Sắp phát sóng kênh truyền hình du lịch Việt Nam
  • Chương trình chung phát triển du lịch 2011-2015
  • Phát huy các giá trị di sản và làng nghề truyền thống
  • Xích lô Đại lễ "chạy mỏi chân vẫn không hết khách"
  • Xây dựng khu văn hóa du lịch Đền Đầm (Bắc Ninh)
  • Xây dựng Chương trình chung phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015
  • Bàn chuyện làm ăn tại triển lãm du lịch
  • Du lịch đóng vai trò quan trọng bảo vệ môi trường
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com