Đội máy bay của VNA được đánh giá rất cao trong khu vực với sự có mặt của các loại máy bay hiện đại nhất |
Đó là nhận xét của ông Stanley.A.Deal - Phó Chủ tịch bán hàng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tập đoàn Boeing về tầm nhìn của lãnh đạo Vietnam Airlines (VNA) trong cuộc trao đổi với DĐDN nhân dịp ông cùng ban lãnh đạo Boeing Châu Á – Thái Bình Dương có chuyến làm việc tại Việt Nam.
- Thưa ông, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới có ảnh hưởng thế nào tới Boeing nói chung và tới các chương trình hợp tác giữa Boeing và Vietnam Airlines nói riêng ?
Rõ ràng là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng tới tất cả các ngành và các hãng hàng không cũng không phải là ngoại lệ. Đối với các hãng hàng không, ảnh hưởng rõ nét nhất là lượng hành khách giảm do người ta tiết giảm nhu cầu đi lại, thứ hai là việc tiếp cận các nguồn vốn để các hãng hàng không đầu tư nâng cấp đội bay cũng như các dịch vụ. Tuy nhiên, với những cam kết hợp tác giữa Boeing và VNA, tôi có thể khẳng định rằng vẫn đang có tiến trình tốt và chúng tôi vẫn đảm bảo thực hiện đúng những cam kết đã có giữa hai bên. Cũng cần phải nhắc lại rằng trước đây hai bên đã có những hợp tác rất sâu rộng với việc VNA và Boeing đồng sáng tạo biểu tượng bông sen vàng của VNA hay những hợp tác về việc giúp Việt Nam phát triển chương trình nghiên cứu năng lực không gian vũ trụ, chương trình đào tạo hợp tác giữa Trung tâm chế tạo thiết bị không gian Singapore, VNA và Đại học American Pacific để chuẩn bị các ứng viên cho hoạt động, duy trì và quản lý các đội bay và chức năng hàng không...
- Ông có thể nhận xét về chất lượng đội máy bay của VNA cũng như khả năng cạnh tranh của VNA với các hãng hàng không khác trong khu vực ?
Là một Phó Chủ tịch bán hàng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tôi có cơ hội tìm hiểu các hãng hàng không. Tôi đã rất ấn tượng với tầm nhìn tương lai mà các lãnh đạo của VNA đã vạch ra. Ngay từ năm 2004, trong những cuộc tiếp xúc với Boeing, các lãnh đạo của VNA đã thể hiện rất rõ quyết tâm đưa VNA trở thành hãng hàng không đẳng cấp hàng đầu khu vực. Tôi xin tiết lộ rằng vào thời điểm 2004, ngay cả các hãng hàng không như Quantas hay Singapore Airlines cũng chưa mạnh dạn đặt hàng các loại máy bay mới của Boeing. Thế nhưng, với chiến lược đầu tư dài hạn, VNA đã là một trong những khách hàng đầu tiên trong khu vực đặt mua Boeing 787 Dreamliner (4 chiếc tháng 12/2004 và thêm 4 chiếc nữa trong tháng 1/2008) để nâng cấp đội bay của mình. Và trong thời điểm hiện tại, mặc dù đang có những khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng những con số thống kê cho thấy VNA có sự tăng trưởng đối với các tuyến nội địa rất tốt. Điều này rất ít hãng hàng không trong khu vực có được. Vì thế, xét về dài hạn, tôi rất tin tưởng vào sự phát triển của VNA.
- Được biết trong chiến lược thiết lập một chuỗi cung ứng hiệu quả trên toàn cầu, tháng 6/2009 Cty Mitsubishi sẽ chính thức khai trương nhà máy chuyên lắp đặt cánh tà cho Boeing 737 tại Việt Nam. Vậy trong tương lai, Boeing có dự định mở nhà máy chuyên sản xuất linh kiện cho các loại máy bay của hãng tại Việt Nam ?
Tôi muốn lưu ý các bạn rằng, trước Việt Nam, Boeing đã phải thiết lập mối quan hệ với Nhật Bản trong vòng 50 năm để có được kết quả như ngày hôm nay. Tất nhiên, theo tôi quan hệ đối tác giữa Boeing và Việt Nam đang có những tiến triển rất tốt. Và tôi không loại trừ khả năng sẽ có những nhà máy sản xuất linh kiện cho máy bay Boeing tại Việt Nam. Vì tôi không thấy có trở ngại nào trong môi trường đầu tư cũng như trình độ lao động của Việt Nam để thực hiện việc này.
- Xin cảm ơn ông !
( Theo Diễn đàn doanh nghiệp )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com