Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bao giờ du khách hết bị làm phiền?

Du lịch đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, khi đóng góp 5% GDP. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều “hạt sạn” trong hoạt động du lịch đã khiến không ít du khách phiền lòng. Tình trạng chèo kéo khách, nhà vệ sinh nhếch nhác tưởng là chuyện nhỏ nhưng lại là một trong những nguyên nhân khiến “70% số khách quốc tế đến Việt Nam một đi không trở lại”.

Chèo kéo du khách mua bưu thiếp. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Từ chèo kéo khách...

Một trong những nguyên nhân quan trọng làm hình ảnh du lịch của TPHCM, nơi được xem là đầu tàu trong phát triển du lịch “xấu đi” trong mắt du khách quốc tế chính là vẫn chưa thể nào loại bỏ được vấn nạn người ăn xin, người bán hàng rong đeo bám, chèo kéo làm phiền du khách quốc tế. Việc bị làm phiền chẳng những khiến du khách sợ hãi mà còn tạo một hình ảnh xấu về du lịch Việt Nam. Một cán bộ hoa tiêu tàu biển ở TPHCM chia sẻ, điều làm du khách phiền lòng nhất chính là bị những người bán hàng rong đeo bám trên đường.

Từ nhiều năm qua, để góp phần cải thiện hình ảnh du lịch TP, ngăn chặn tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách, ngành du lịch TP đã thành lập lực lượng bảo vệ du khách. Tuy nhiên, do quân số mỏng, lực lượng này chỉ có mặt ở một số điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn TP. Do vậy, tình trạng chèo kéo khách vẫn tồn tại ở các điểm du lịch. Bưu điện Trung tâm TP, nơi thu hút rất đông khách quốc tế, được xem là bộ mặt du lịch của TPHCM nhưng chưa thể giải quyết rốt ráo vấn đề người bán hàng rong ở đây.

Sáng 29-7, khi thấy nhóm 1 - 2 du khách, lập tức 4 - 5 phụ nữ bán sách, bưu thiếp xuất hiện “hành nghề”. Khác với cách chèo kéo công khai và xô bồ như trước, những người bán ở đây e dè hơn, chào bán nhanh và rút nhanh vào chỗ khuất. Ở những công viên, dọc các tuyến đường trung tâm quận 1, tình trạng này vẫn diễn ra, với lực lượng đeo bám du khách là trẻ em bán hàng rong.

Theo nhận xét của nhiều người, dường như lực lượng bảo vệ du khách chỉ mới đảm nhận vai trò hướng dẫn, giúp du khách qua đường chứ chưa mạnh tay ngăn chặn nạn bán hàng rong đeo bám, chèo kéo du khách.

... đến nhà vệ sinh nhếch nhác

Trong buổi tọa đàm về xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá chợ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, do Sở VH-TT-DL TPHCM tổ chức đầu năm 2010, ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du ngoạn Việt, chia sẻ, hầu hết du khách sau khi được đưa đi chợ đều khen ngợi và cho đó là một trong những dấu ấn của chuyến đi đến Việt Nam. Tuy nhiên, đa phần nhà vệ sinh tại các chợ (trừ chợ Bến Thành khá tốt) vẫn khá nhếch nhác, tiếp tục ám ảnh du khách quốc tế.

TS Huỳnh Quốc Thắng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM, khẳng định rằng, chợ là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, nếu được thiết kế tốt, nó có thể tham gia vào hoạt động du lịch với tư cách một sản phẩm du lịch. Chợ có thể trở thành điểm đến hấp dẫn trong hệ thống tour du lịch của TPHCM. Tuy nhiên, theo đánh giá của các công ty lữ hành quốc tế, trong hàng hàng trăm chợ tại TPHCM, chỉ có 2 - 3 chợ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nhà vệ sinh. Do vậy, việc cải thiện chất lượng nhà vệ sinh tại các chợ rất cần thiết và phải nhanh chóng thực hiện. Đây cũng là một tiêu chí cần trong đánh giá các chợ văn minh đạt chuẩn trên địa bàn TP.

Trong cuộc họp kích cầu du lịch năm 2010 diễn ra vào tháng 3 vừa qua tại TPHCM, lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam rất quyết tâm với vấn đề cải thiện nhà vệ sinh tại các điểm du lịch. Năm nay, ngành du lịch Việt Nam sẽ giải quyết rốt ráo vấn đề nhà vệ sinh với khẩu hiệu “Nơi nào có du lịch - Nơi đó có nhà vệ sinh đạt chuẩn”. Nghe thế nhiều người hy vọng sẽ có thay đổi, tốt đẹp và sạch sẽ hơn trước, vì nếu không làm tốt công việc này, làm sao ngành du lịch có thể tự tin tính đến những việc lớn lao hơn.

(Theo Mỹ Hạnh // SGGP Online)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com