Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bề bộn nhân lực ngành du lịch

Ngày 17-8, hội thảo quốc gia lần thứ 2 về đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia đào tạo theo nhu cầu xã hội. Thực tế nhân lực của ngành du lịch đã xới lên nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Số lượng sinh viên du lịch tốt nghiệp hàng năm khoảng 20.000. Ước có khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp ĐH-CĐ du lịch và khoảng 80% học sinh tốt nghiệp trung cấp du lịch tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo. Từ khi thỏa thuận liên kết được ký tại hội thảo quốc gia lần thứ nhất đến nay đã có trên 20.500 HS-SV được tiếp nhận thực tập; 4.500 HS-SV được kiến tập, tham quan tại các doanh nghiệp đối tác; trên 1.000 HS-SV  được nhận vào làm việc ở các doanh nghiệp đối tác...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố: 30% lao động của ngành du lịch chưa tốt nghiệp THPT. Lao động được đào tạo đại học và sau đại học về du lịch chỉ chiếm hơn 3% tổng số lao động toàn ngành.

Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội nêu kết quả một khảo sát cho thấy có tới 45% hướng dẫn viên du lịch và điều hành tour không đạt chuẩn tiếng Anh cần thiết cho nghề nghiệp của mình. Tỷ lệ này ở nhân viên lễ tân là gần 70%, nhân viên nhà hàng là 85%.

Còn tại TPHCM, nơi thu hút tới 65% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và có lực lượng nhân lực du lịch lớn nhất cả nước, chiếm tới 24% tổng số nhân lực toàn ngành thì tình hình cũng không khả quan hơn. Phần lớn lực lượng lao động du lịch vẫn chưa thông qua đào tạo chính quy trong nghiệp vụ chuyên môn lẫn trong quản lý điều hành, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tư nhân. Ngay cả lực lượng được đào tạo chính quy cũng kém về chất lượng.

Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Cần Thơ, trong hơn 17.000 lao động du lịch của tỉnh, chưa đến 900 người có trình độ đại học và trên đại học, chiếm 6,3%. Con số 6,3% này đã bao gồm cả đại học các ngành khác chứ không phải chỉ chuyên ngành du lịch. Nhân viên du lịch chưa chuyên nghiệp, ngoại ngữ yếu, kiến thức chung về văn hóa, xã hội chưa đạt yêu cầu, đó là cảm nhận chung.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc nâng cao chất lượng giảng dạy thì sự gắn kết giữa các trường với các doanh nghiệp trong đào tạo là giải pháp hiệu quả, gắn lý thuyết với thực hành. Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL TPHCM cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch phải qua hai bước: đào tạo trong trường và tại doanh nghiệp. Hai bước này không thể thay thế cho nhau mà phải được phối hợp với nhau.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu phải tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo. “Các trường không thể đủ hết cơ sở vật chất để học sinh, sinh viên thực hành nên việc tham gia của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Về phía mình, trong các nhà trường cần có trung tâm quan hệ với doanh nghiệp về cung ứng nhân lực. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng cần có một trung tâm về đào tạo”, Phó Thủ tướng gợi ý.

(Theo Ph.Thảo // SGGP Online)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com