Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Không có bến bãi, không có du lịch đường sông

Khách du lịch tham gia tour thưởng ngoạn sông Sài Gòn kết hợp thưởng thức ẩm thực vào buổi tối ở bến Bạch Đằng. Ảnh: Lê Toàn.

TPHCM có hệ thống sông rạch dày, xuyên tâm thành phố, có thể kết nối với các tỉnh miền Đông và miền Tây nên được nhận định là có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch đường sông. Thế nhưng, từ nhiều năm qua loại hình du lịch này hầu như không phát triển. Vài tour đường sông đã có nhưng ngày càng vắng khách.

Đi đường sông ngắm gì?

Hiện có khoảng 20 chiếc tàu, ca nô du lịch đang hoạt động tại cảng Bạch Đằng, quận 1. Trong đó, hoạt động nhộn nhịp nhất là các tàu nhà hàng, đưa khách đi dạo trên sông Sài Gòn vào ban đêm, kèm theo các chương trình ăn uống.

Trước đây, cũng có vài doanh nghiệp định lên lịch trình đưa khách đi du lịch trên sông Sài Gòn, ghé thăm Cần Giờ… nhưng đến nay thì không thể duy trì vì vắng khách. Do đó, nếu muốn đi du lịch thuần túy, du khách phải đợi đủ đoàn hoặc gom đủ người thì tàu mới khởi hành được.

Chiếm đa số trong các chương trình du lịch đường sông được một số văn phòng du lịch giới thiệu cũng chỉ là những chương trình như ăn uống trên tàu nhà hàng vào ban đêm hay đến Bình Quới xem tái hiện đám cưới cổ truyền.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc điều hành của Công ty Asian Trails Co., Ltd, cho biết khách quốc tế ưa thích du lịch đường sông nhưng hiện giờ phần lớn tour đường sông mà công ty tổ chức đều ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chứ không phải là TPHCM.

Từ Cái Bè, khách có thể đi đến Cần Thơ tham quan chợ nổi, vườn cây ăn trái hoặc đi xa hơn đến Châu Đốc, Rạch Giá… nhưng ở TPHCM, chương trình chỉ đơn thuần là ăn tối trên tàu nhà hàng, đi dạo một vòng trên sông Sài Gòn rồi trở lại nơi xuất phát là bến Bạch Đằng.

Vì thế, chỉ khi khách yêu cầu thì công ty mới thuê tàu khoảng nửa ngày để đưa đi nhưng cũng chỉ là lênh đênh trên tàu, nhìn ngó hai bên bờ rồi quay lại bến, không có bến du lịch nào để khách ghé vào thăm thú.

“Không thể phủ nhận lợi thế sông nước với cuộc sống phong phú hai bên bờ đã giúp ĐBSCL phát triển tốt tour đường sông, vậy thì sao TPHCM không thể phát triển được dù có tiềm năng. Ví dụ, trước mắt có thể phát triển các tuyến du lịch ngắn để phù hợp với số vốn đầu tư cho cảnh quan, bến bãi còn hạn chế. Hiện nay, du khách chỉ ngồi trên thuyền nhìn hai bên bờ sông mà thú thật, những cảnh quan đẹp trên bờ ngày càng ít đi và càng kém hấp dẫn. Du lịch đường sông đâu phải như thế”, bà Tiên nói.

Ông Chiêm Thành Long, Giám đốc Làng du lịch Bình Quới, cho biết Bình Quới có năm tàu nhà hàng và du lịch cùng một ca nô đang hoạt động nhưng hiếm khi tổ chức các chương trình du lịch đường sông thuần túy. Hoạt động hiệu quả vẫn là tàu nhà hàng. “Trước đây, có khá nhiều khách thuê chuyến để đi tham quan nhưng dạo này rất ít, ít hơn nhiều so với 5, 7 năm về trước vì đường sông không có gì mới. Khoảng năm 1995-1998, thành phố còn có tour đi Biên Hòa, Lái Thiêu nhưng nay cũng bỏ vì những điểm tham quan hai bên bờ đã mất đi hoặc không còn như trước”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Long vẫn đánh giá cao tiềm năng phát triển của loại hình du lịch trên sông. Ông cho rằng nếu thành phố coi trọng và tập trung đầu tư thì du lịch đường sông sẽ mang đến một nguồn lợi lớn.

Có an cư mới lạc nghiệp

Để thúc đẩy du lịch đường sông phát triển, mới đây, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức kế hoạch hành động phát triển du lịch đường sông TPHCM năm 2010. Ủy ban chỉ đạo sở nghiên cứu kết nối du lịch đường sông từ thành phố đi An Giang và Campuchia.

Sở cũng đã tổ chức khảo sát chương trình du lịch đường sông, tuyến du lịch tầm ngắn (bến Bạch Đằng - ngã ba Nhà Bè - làng họa sĩ; bến Bạch Đằng - kênh Tàu Hủ) và sẽ tiếp tục khảo sát các tuyến khác.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, hạn chế lớn nhất của du lịch đường sông thành phố là chưa có hệ thống bến đón, trả khách, chứ chưa nói đến cảnh quan, vệ sinh môi trường… Vấn đề cần giải quyết trước tiên là phải xây dựng một bến tàu du lịch, có bến bãi cho tàu đậu, đón khách thường xuyên, có những dịch vụ cho khách trước khi xuống tàu.

Làng du lịch Bình Quới cũng đã có kế hoạch đóng thêm tàu nhà hàng nhưng đành bỏ dở vì bến Bạch Đằng đã kín chỗ. Trong khi đó, họ cũng đang ráo riết tìm chỗ neo đậu mới cho tàu vì hợp đồng sắp hết hạn.

“Có lúc, tàu của chúng tôi phải đậu giữa sông, rất mất an toàn nên bị cảnh sát đường thủy hỏi thăm. Với lại, đậu ở giữa sông thì khó lòng có đủ điện cùng các điều kiện khác để bảo quản thực phẩm và chuẩn bị để đón khách”, ông Long than phiền.

Ông cũng đưa ra một ví dụ khác để thấy sự hạn chế của việc thiếu bến bãi. Làng du lịch từng có tour đường sông trên tuyến Bạch Đằng - Bình Quới nhưng khó khai thác. Do không đủ chỗ ở bến Bạch Đằng, tàu phải đậu ở Bình Quới trong khi phải đón khách ở bến Bạch Đằng, vì thế, khách phải trả thêm chi phí cho hai giờ tàu chạy không từ Bình Quới ra Bạch Đằng và ngược lại khiến cho giá tour trở nên đắt hơn. Bởi thế, bến bãi phải là vấn đề cần phải làm trước cùng với phát triển đội tàu, sau đó mới tính chuyện hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ cho khách”, ông Long nói.

Những căn nhà còn sót lại ở khu vực bến Bình Đông. Ảnh: Lê Toàn.
Phát triển du lịch đường sông: có thể đầu tư nhanh

(Ý kiến của ông Nguyễn Hữu Thọ, Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM)

Ngành du lịch TPHCM đã khởi động cho kế hoạch phát triển du lịch đường sông, dù muộn nhưng đã đến lúc cần quyết tâm phát triển loại hình du lịch này, không chỉ để tăng thêm doanh thu, kéo dài thời gian lưu trú mà còn góp phần tạo thêm giá trị từ các dịch vụ phụ trợ cũng như làm xanh, sạch môi trường thành phố.

Để phát triển du lịch đường sông, có những vấn đề cần phải làm gồm đầu tư bến bãi, phát triển đội tàu, mở tuyến, điểm tham quan, tạo nguồn khách...

Về chuyện bến bãi và tìm nguồn vốn đầu tư cho bến bãi không phải là vấn đề quá khó nếu thành phố thực sự có quyết tâm. Điều mà doanh nghiệp cần không phải là ưu đãi đầu tư hay vốn mà cần quy hoạch đất đai rõ ràng về những khu vực có thể phát triển bến tàu, cảng cho du lịch tại thành phố.

Đầu tư bến bãi không chỉ là tạo nên một điểm để du thuyền có thể ghé vào mà phải phát triển hàng loạt dịch vụ cho du khách cùng những dịch vụ hậu cần cho tàu du lịch như chỗ tiếp nhiên liệu, sửa chữa... Hiện nay, do không có bến nên có tàu đã phải chở từng can dầu ra giữa sông để tiếp nhiên liệu. Với điều kiện như thế thì không thể phát triển du lịch đường sông.

Nếu thành phố có quy hoạch cụ thể, có thể đảm bảo giao đất nhanh cho nhà đầu tư có năng lực thì chỉ sau hai năm là có thể phát triển.

Hiện tại, Hiệp hội Du lịch TPHCM cũng đang chuẩn bị để ra mắt Hội Du thuyền TPHCM. Đã có 30 người là chủ du thuyền, những người kinh doanh du thuyền và dịch vụ có liên quan đăng ký tham gia. Đây là những nhà đầu tư có thực lực và sẵn sàng bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh này khi có quy hoạch phát triển rõ ràng.

Tuy nhiên, thành phố cũng cần phải xác định những vị trí thích hợp để phát triển bến bãi. Vị trí thích hợp nhất làm bến chính vẫn là bến Bạch Đằng, kéo dài đến cảng Sài Gòn. Đây là vị trí đắc địa để đón, tiễn khách, xây dựng các dịch vụ cho khách du lịch. Việc kéo dài bến du lịch đến bến Nhà Rồng sẽ góp phần làm đẹp thêm cảnh quan, làm sôi động thêm địa danh lịch sử này.

Những địa điểm khác như ở Nhà Bè thích hợp làm điểm trung chuyển, cung cấp dịch vụ cho tàu và phát triển một số dịch vụ cho khách tham quan.

Vấn đề phát triển đội tàu cũng không khó. Ngoài hàng chục con tàu hiện nay, từ đây đến cuối năm có khoảng trên 10 du thuyền hiện đại khác có giá trị hàng triệu đô la Mỹ sẽ về đến TPHCM. Hiện nay, ngành đóng tàu trong nước có khả năng đóng tàu du lịch đẹp và đạt chất lượng quốc tế nên có thể nâng số lượng tàu lên trong thời gian ngắn. Khi có bến bãi, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn có thể đóng thêm từ 5-10 con tàu mới để hoạt động trên sông.

Vấn đề về nguồn khách cũng không quá nan giải. Đầu tiên là một lượng lớn du khách có nhu cầu đi du lịch đường sông, tham quan thành phố và các vùng lân cận. Có thêm loại hình du lịch mới, doanh nghiệp sẽ tiếp thị để tăng lượng khách, tăng thời gian lưu trú và tăng doanh thu. Thêm vào đó, khá nhiều đối tác từ Singapore, Hồng Kông, Malaysia, Trung Quốc cho biết sẽ đưa tàu về nếu có bến bãi. Thậm chí, khi hạ tầng tốt có thể tạo nên những sự kiện như đua thuyền trên sông Sài Gòn để thu hút khách.

Với loại hình du lịch này, trước hết ngành du lịch nên khai thác các tour nội thị rồi kéo đến các tỉnh như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, đến đồng bằng sông Cửu Long rồi kéo sang Siêm Riệp và Shihanoukville của Campuchia.

Tuy nhiên, khi đã giải quyết được vấn đề bến bãi, đội tàu, tuyến tham quan thì thành phố cũng phải giải quyết rốt ráo vấn đề chất thải công nghiệp trên sông và giữ gìn cảnh quan, thắng cảnh dọc tuyến cho tàu du lịch và du khách.

Các cảnh quan, di tích cũng phải giữ gìn để tạo cảnh cho khách ngắm từ trên thuyền, tạo nơi cho du khách dừng chân. Ví dụ, những căn nhà cổ dọc đại lộ Đông-Tây, vốn rất hấp dẫn du khách trên tuyến đường sông đang dần mất đi. Nếu thành phố không nhanh tay giữ lại thì khách du lịch sẽ chẳng còn gì để xem trên tuyến này.

Tóm lại, du lịch đường sông đang có rất nhiều thuận lợi để đưa vào khai thác. Nếu có quyết tâm thì sẽ không quá khó để thành phố có thể mang về hàng triệu đô la Mỹ cho nền kinh tế mỗi năm.

(Theo Đào Loan // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com