Trên cơ sở mục tiêu và quan điểm về đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch, đề án nhấn mạnh yêu cầu đào tạo đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với các tiêu chí như dự báo phát triển ngành, dự báo phát triển số lượng, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực và định hướng đào tạo, bồi dưỡng. Đề án còn đề ra 6 giải pháp thực hiện là: chỉ đạo triển khai, thực hiện chính sách về đào tạo, phát triển hệ thống đào tạo, chuẩn hóa chương trình đào tạo, liên kết hợp tác đào tạo trong và ngoài nước, bảo đảm kinh phí thực hiện.
Với dự báo năm 2015 Bình Thuận thu hút khoảng 3,75 triệu lượt khách, năm 2020 đón 5,6 triệu lượt khách với tổng lao động ngành lần lượt là 17.110 người và 28.140 ngưuòi, đề án giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở ngành liên quan như giáo dục; lao động; kế hoạch và đầu tư, hiệp hội du lịch và từng doanh nghiệp du lịch dự toán kinh phí và cùng triển khai thực hiện. Trước mắt, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thành lập trường trung cấp nghề du lịch tại Bình Thuận. Đề án có hiệu lực kể từ ngày 18/2/2010.