Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cần có quỹ quảng bá xúc tiến du lịch

Khách quốc tế đến Hà Nội trong quý I giảm 7,2% so với cùng kỳ trong khi khách quốc tế trung bình của nước tăng hơn 36%. Thực trạng đáng buồn này khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng cơ hội “ngàn năm” của Hà Nội đã bị tuột khỏi tầm tay. DĐDN có cuộc trao đổi cùng ông Phan Đức Mấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, Chủ tịch HĐQT Cty Du lịch quốc tế Kim Liên xung quanh vấn đề này.

Ông Mấn cho rằng, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật và du lich của cả nước, là cửa ngõ hàng không, cho nên những điều kiện để phát triển du lịch là rất lớn. Tuy nhiên, Hà Nội chưa có những sản phẩm du lịch tầm cỡ và ấn tượng để giữ chân khách quốc tế, nên nhiều khi Hà Nội chỉ là nơi trung chuyển, khách đến Hà Nội để toả đi nơi khác như đi Đà Nẵng, Quảng Ninh, Huế, TP Hồ Chí Minh...

- Đó đã phải là nguyên nhân chính khiến khách quốc tế đến Hà Nội giảm trong quý I vừa qua, thưa ông ?

Đúng vậy. Nhưng theo tôi, một nguyên nhân không kém quan trọng nữa là Hà Nội tuy đông dân như vậy nhưng vẫn chưa có một trung tâm mua sắm có tầm cỡ và ấn tượng đối với du khách. Trong khi đó, các nhà quản lý của Hà Nội vẫn chưa thực sự vào cuộc, chưa tạo ra sự gắn kết giữa cơ quan quản lý của với các DN du lịch, giữa các điểm, tuyến du lich của Hà Nội đối với DN. Và nguyên nhân “nói rồi, nói mãi” là công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Hà Nội còn yếu.

- Một lãnh đạo Sở Du lịch đã nói rằng, DN du lịch Thủ đô còn chưa chủ động trong công tác xúc tiến, thậm chí các chương trình xúc tiến du lịch nhà nước đều phải bỏ tiền ra “bao” DN, ông có ý kiến gì về vấn đề này ?

Theo quan điểm của tôi, công tác quảng bá xúc tiến là phải Nhà nước làm, bởi công tác này không phải chỉ là vì mục đích kinh doanh và vì hình ảnh quốc gia và nhiều vấn đề chính trị, văn hoá khác. Để các DN tham gia, phối hợp hiệu quả vào các chương trình này, Nhà nước, TP Hà Nội nên có cơ chế đặc thù riêng. Chẳng hạn như trích 1% lợi nhuận trên trên thuế hoặc 1% trên tổng doanh thu của các DN để làm công tác quảng bá xúc tiến. Còn nếu DN đứng ra tổ chức thì thực sự DN không có tầm, trong khi việc liên hệ với một khu vực, một quốc gia nào đó để làm các chương trình là điều đòi hỏi chi phí tốn kém, cần phải sự hợp lực của nhiều DN.

- Nhưng thực tế ở TP HCM, các DN đã triển khai hoạt động này khá hiệu quả, thưa ông ?

Hà Nội chưa có nhiều sản phẩm du lịch đúng tầm với lịch sử ngàn năm
 
Thực ra DN của Hà Nội còn chia cắt và manh mún và rất nhỏ bé. Vì vậy sự liên kết càng yếu kém. Mà nói đến du lịch là kinh tế tổng hợp, yêu cầu sự liên kết chặt chẽ giữa các DN với DN, giữa các DN với cơ quan quản lý nhà nước. Và cần những DN có tầm cỡ như Cty Lữ hành Saigontourist, Cty DVDL Bến Thành... Việc sắp xếp lại DNNN của ngành du lịch Hà Nội cần được đẩy nhanh, để có hình thức tập trung lại các DN du lịch thủ đô cho hiệu quả.

- Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đang cận kề, đối mặt với sự thật thì có lẽ Hà Nội đã bỏ lỡ cơ hội “ngàn năm có một” ?

Thời cơ điều kiện trong năm 2010 thì khỏi phải bàn nữa rồi. Tuy nhiên, ngay những hành động mà ngành du lịch đã vạch ra khá cụ thể như chương trình “Việt Nam - điểm đến ấn tượng của bạn” vẫn chưa hiệu quả. Trong nội dung này có 3 điểm là đẩy mạnh khuyến mãi, tăng cường quảng bá xúc tiến điểm đến, tăng cường mời Việt kiều về nước. Chủ trương, chính sách, điều kiện rất đầy đủ nhưng Ban chỉ đạo, quản lý du lịch của HN phải xắn tay vào chứ du lịch không thể “tay không bắt giặc” được.

- Lãnh đạo Sở VH-TT-DL TP Hà Nội hình như cũng có vẻ rất... tất tả, đặc biệt khi con số du khách quốc tế giảm được công bố. Tuy nhiên, nguyên nhân giá tour, giá phòng tăng là yếu tố khách quan ngoài dự báo của các nhà quản lý?

Theo tôi giá là do cơ chế thị trường, giá tour, giá phòng do thị trường điều tiết, tại sao các tỉnh khác họ cũng tăng giá mà khách quốc tế đến với họ vẫn tăng. Và thực tế, ngay quý I/2010, Hà Nội có nhiều DN doanh thu rất cao, khách mua tour rất nhiều chứ không phải tất cả DN đều giảm sút.

- Thực tế mặc dù khách quốc tế đến HN giảm trong quý 1, nhưng khách đi nước ngoài của HN lại tăng khoảng 15% so với cùng kỳ do chúng ta có cơ chế giảm giá cho khách đi nước ngoài. Nghịch lý này có phải do giải pháp kích cầu của Hà Nội vừa qua chưa trúng ?

Mục đích của những làm du lịch là kéo khách quốc tế vào VN. Nhưng như tôi đã đề cập ở trên, do sản phẩm du lịch không tầm cỡ và không ấn tượng, không đáp ứng được yêu cầu mức sống sinh hoạt ngày càng cao của người dân, nên người ta phải đi ra nước ngoài.

- Vậy trước những bất cập hiện nay của Hà Nội, chúng ta cần làm gì để cơ hội nghìn năm không bỏ lỡ, thưa ông ?

Tăng cường quảng bá, trong đó có quảng bá tại chỗ. Hiện nay, ngay ở sân bay, không có điểm nào hướng dẫn, quảng bá, quầy giới thiệu du lịch Hà Nội. Bên cạnh nữa, đẩy mạnh quảng bá sang các thị trường quốc tế. Các nước mỗi năm bỏ ra từ 15 - 20 triệu USD cho công tác này, nhưng VN mới vài tỷ thì ăn thua gì.

Tôi nghĩ chúng ta cần phải có giải pháp, phối hợp với các ngành đồng bộ hơn. Đơn cử, cứ đến đoạn đường gần vào Hà Nội xe du lịch thì bắn tốc độ, mà tôi nói bắn tốc độ ở đây mỗi lần giải quyết hàng tiếng đồng hồ làm du khách cảm thấy rất phiền hà, mệt mỏi.

Và điều có lẽ hơi tủi thân nhưng theo tôi, ngành du lịch mặc dù được xác định là ngành mũi nhọn nhưng vẫn chưa được đầu tư đúng mức như nhiều ngành mũi nhọn khác.

- Xin cảm ơn ông !
 
Ông Nguyễn Quang Lân - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội :

Hà Nội cần nhạc trưởng - Cơ quan quản lý nhà nước, cục, sở định hướng cho DN, chủ đề cụ thể trong từng năm để các DN phất ngọn cờ đó lên chứ đơn lẻ từng DN, mạnh ai nấy làm thì DN không thể đủ sức quảng bá thương hiệu du lịch của thủ đô. Vai trò của quản lý cần cao và chuyên nghiệp, năng động, nhạy bén hơn nữa...

Ông Trần Tiến Hùng - Chủ tịch HĐQT TCty Du lịch Hà Nội :

Luật Du lịch tuy đã đi vào thực hiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, cần có những hướng dẫn cụ thể, cấp thẻ cho hướng dẫn viên, thẻ du lịch cho các đơn vị... chứ không để tình trạng khi xảy ra sự cố mới phát hiện hướng dẫn viên không có thẻ và trách nhiệm không biết đổ cho ai.

Bên cạnh đó, cho phép các Cty du lịch tự cân đối đầu vào đầu ra nguồn ngoại tệ chúng tôi thu được cho hoạt động kinh doanh của mình. Bởi nhiều khi chúng tôi bán ngoại tệ cho ngân hàng, đến lúc cần mua thì khó khăn, chỉ chậm 2 – 3 ngày là ảnh hưởng rất nhiều đến các hợp đồng làm ăn.

Ngoài ra, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường cần phải được cải thiện bên cạnh việc cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch.

Ông Nguyễn Mạnh Thản - Giám đốc Cty CP Ao Vua :

Dường như chúng ta đang quá tự hào với những gì mà ta đang có nhưng lại không hiểu rằng, thực tế sản phẩm du lịch của Hà Nội còn nghèo nàn không đúng tầm của nó. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng phục vụ chưa đáp ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt trong thời đại hội nhập ngày nay.

Đặc biệt, quảng bá qua các phương tiện truyền thông hiện nay có thể nói chi phí quá cao khiến DN phải cân nhắc nhiều trong khâu này...

Để du lịch Thủ đô phát triển, DN và Nhà nước cần ngồi lại với nhau, để phân tích vai trò của mỗi bên ra sao. Chẳng hạn, vì sao Sở cứ nói DN không bỏ tiền đi xúc tiến mà sở toàn phải bỏ ra? Thực tế, nếu hoạt động xúc tiến hiệu qủa thì DN không tiếc tiền, bỏ hàng tỷ, thậm chí chục tỷ cũng không tiếc. Nhưng thực tế hiệu quả như thế nào ?

Ông Phùng Văn Khải - Giám đốc Công ty Du lịch Hapro :

Từ trước đến nay, công tác quảng bá du lịch của thành phố không được chuẩn bị một cách bàn bản, mang tính kế hoạch dài hạn, mà chỉ nhân sự kiện này, sự kiện kia mà làm cái này, cái kia. Trong lữ hành không thể làm thế được. Có một nguyên tắc là muốn đón khách 2010, thì phải làm từ năm 2008, chậm nhất là đầu năm 2009 các chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch phải xong. Nhưng thực tế, đến giờ này các chương trình vẫn chưa đâu vào đâu.

(Theo Phương Thảo // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Tạm dừng đưa khách đi du lịch Bangkok, Thái Lan
  • Sea Star Suite - khu nghỉ dưỡng 5 sao mới
  • TST Tourist tham gia ngày hội Du lịch TPHCM lần VI
  • Tour Caravan dịp lễ 30-4: Ôm tay lái chinh phục tiểu vùng sông Mekong
  • Tour Caravan dịp lễ 30/4: Ôm tay lái chinh phục tiểu vùng sông
  • Phố kinh doanh tại Cát Bà - Một vốn mười lời
  • Hàng thủ công mỹ nghệ An Giang quyến rũ du khách
  • Du lịch cộng đồng ở miền sơn cước
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com