Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cần “làm mới” du lịch Tuy Phong

Trước khi hiện tượng nhật thực toàn phần xảy ra (tháng 10/1995) và một vài năm sau đó, người dân Phan Thiết chưa biết cách làm du lịch. Nhưng vào thời điểm đó, Tuy Phong với địa chỉ Cổ Thạch Tự (Chùa Hang) đã đón lượng khách đáng kể vào mỗi dịp lễ, tết… Thế mà sau thời gian dài “đi trước”, cho đến nay du lịch Tuy Phong vẫn giậm chân tại chỗ. Nếu so tốc độ phát triển “ngành công nghiệp không khói” của các địa phương khác như Phan Thiết, Hàm Thuận Nam thì nơi đây tụt lại khá xa.

Cần “làm mới” du lịch Tuy Phong. Đó là điều cần thiết để khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của miền gió cát đặc trưng. Bởi nhìn vào hiện trạng và kết quả thu được ở lĩnh vực du lịch của Tuy Phong, chắc hẳn không ai khỏi trăn trở. Qua 6 tháng đầu năm 2009, toàn huyện chỉ đón khoảng 36.750 lượt khách du lịch, trong đó có 150 lượt khách nước ngoài. Về cơ sở vật chất phục vụ du lịch, Tuy phong có 57 cơ sở lưu trú đang hoạt động với hơn 570 buồng phòng, nhưng chủ yếu cũng là nhà nghỉ, nhà trọ. Công tác quảng bá hình ảnh du lịch Tuy Phong dẫu có nhiều cố gắng, song hiệu quả đem lại vẫn chưa rõ ràng…

Dịch vụ lặn biển tại KDL Sauba (Tuy Phong)

Trong chuyến công tác mới đây về Tuy Phong, chúng tôi lại được giới thiệu về những sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện. Hầu hết các dịch vụ đòi hỏi cần được nâng dần chất lượng như: Tắm khoáng - tắm bùn ở Vĩnh Hảo, lặn biển ở Scuba Resort. Hoặc những khám phá mới về chinh phục thác Iyaly tận xã vùng cao Phan Dũng, hay ra “hoang đảo” Cù Lao Câu ở địa bàn xã Phước Thể… Với thác Iyaly hùng vĩ cao 50m thì địa phương sớm tính phương án khai thác, vì đường vào thác cách trung tâm xã Phan Dũng gần 20 km không thuận tiện. Còn dịch vụ khám phá, lặn biển ngắm san hô ở Cù Lao Câu nếu được đầu tư sẽ là “đặc sản” riêng có cho du lịch Tuy Phong. Thêm nữa, những dự án phong điện đang triển khai trên địa bàn khi đi vào hoạt động cũng tạo ra sản phẩm du lịch mới lạ cho huyện nhà.

Với mắt “nhà nghề”, ông Ngô Minh Chính - Bí thư Huyện ủy Tuy Phong (Giám đốc Sở Du lịch Bình Thuận trước đây) cho biết, tiềm năng của địa phương là không nhỏ. Theo ông, trong tương lai nếu Tuy Phong hình thành tour lên rừng, xuống biển sẽ rất thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại miền gió cát này. Bởi đây là tour tạo cảm giác thú vị khi được khám phá rừng có thác, biển có đảo mà lại ngắn nhất, chỉ cách nhau 2 tiếng đồng hồ… Vấn đề còn lại là địa phương cần tập trung huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch theo hướng có chọn lọc, có ưu tiên. Bên cạnh đó nên quan tâm, đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi cho một số dự án du lịch có quy mô lớn sớm khởi động, hoàn thành đi vào đón khách. Đặc biệt, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong ngành cũng phải tính đến để đáp ứng kịp thời nhu cầu và song hành cùng sự phát triển du lịch địa phương.

(Theo Đ.QUỐC // Báo Bình Thuận )

  • Khách đến Việt Nam bằng tàu biển sụt giảm mạnh
  • Thu hút khách dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long
  • Giá rẻ cho tour nội: Cần chiến lược dài hơi
  • 10.000 lượt khách đã bay với mức giá một chiều dưới 10 đô la
  • Phát hiện quần thể dơi ngựa lớn nhất Việt Nam
  • Vietnam Airlines giảm 60%- 70% giá vé
  • Hàng không thế giới có thể thua lỗ 11 tỷ USD
  • Hội chợ du lịch "Ba quốc gia, một điểm đến”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com