Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chiến lược phát triển du lịch Miền Trung: xây dựng điểm đến quốc tế

Thiên đường nghỉ dưỡng

Bãi biển khu vực miền Trung từ Đà Nẵng trở vào được xem là một trong những nơi đẹp nhất trong khu vực. Tại đây, hàng loạt khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế đã mọc lên nhanh chóng.

Chỉ một đoạn đường vài kilômet từ khu nghỉ mát Life Resort, Furama (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đến địa phận giáp ranh tỉnh Quảng Nam, hai năm qua các khu resort, biệt thự ven biển, khách sạn... đã nhanh chóng mọc lên che kín bãi đất trống sát biển ngày nào.

Một góc khu nghỉ dưỡng cao cấp The Nam Hải (Quảng Nam) - Ảnh: LÊ NAM

Hàng tỉ USD đổ vào du lịch

Theo Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), những năm gần đây khu vực du lịch miền Trung có tốc độ phát triển các cơ sở du lịch nhanh nhất nước. Xét theo các tiêu chí, các địa phương từ Huế đến Quảng Nam đều có ưu thế du lịch xếp hạng A - ưu thế vượt trội. Nhiều du khách gọi dải bờ biển từ Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) đến Non Nước (Đà Nẵng) vào Hội An (Quảng Nam) là thiên đường nghỉ dưỡng. Tại khu vực này hiện có hơn 20 khu du lịch nghỉ dưỡng với vốn đầu tư hàng chục tỉ USD.

Từ Lăng Cô, các khu nghỉ dưỡng, sân golf Chân Mây của Tổng công ty cổ phần Phong Phú, Lăng Cô Hotel Resort, Lăng Cô Beach Resort, Thanh Tâm Seaside Resort ôm trọn bãi biển Lăng Cô dưới chân đèo Hải Vân xinh đẹp.

Giá bình dân hơn

Ông Cao Trí Dũng, giám đốc Công ty Du lịch VN (Vitours), cho rằng các điểm đến miền Trung có giá tour rẻ. Cụ thể, ở Hà Nội, TP.HCM, giá khách sạn 4 sao từ 70-100 USD/ngày đêm thì ở đây giá chỉ 35-45 USD/ngày đêm. Hay ăn uống, mỗi ngày ở khu vực này bình quân 5 USD thì ở Hà Nội, TP.HCM là 7 USD, dịch vụ vận chuyển trong bốn ngày ba đêm ở khu vực này trung bình 3,5 triệu đồng/xe 45 chỗ ngồi thì ở Hà Nội, TP.HCM ít nhất là 5 triệu đồng mới có xe.

Đặc biệt, trong số 35 dự án đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, có đến 21 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư hơn 1,33 tỉ USD. Dọc bãi biển Đà Nẵng, hàng chục khu nghỉ dưỡng đã hình thành như: khu nghỉ dưỡng và spa Sơn Trà, khu du lịch Biển Đông, Savico, Mặt Trời Mọc, Life Resort, Furama, Olalani, Silver Shores Hoàng Đạt, Vinpearl Đà Nẵng...

Với lợi thế có bờ biển dài hơn 10km, làn nước biển trong xanh, vịnh Lăng Cô hiện đang được xem là một trong những bãi biển có phong cảnh đẹp nhất VN.

Tại đây, hàng loạt dự án xây dựng khu nghỉ mát, khách sạn, resort, sân golf đã được đăng ký đầu tư và đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, trong đó có những dự án quy mô lớn như: dự án resort và sân golf của Công ty cổ phần đầu tư Phong Phú Lăng Cô, vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD; dự án xây dựng ba khu liên hợp nghỉ dưỡng với 2.000 phòng tiêu chuẩn 5 sao của một tập đoàn Singapore có vốn đầu tư lên tới 875 triệu USD...

Đi dọc vịnh Lăng Cô - điểm du lịch mới của Thừa Thiên - Huế, dù bãi biển còn hoang sơ nhưng dọc bờ biển, các resort, khách sạn đã mọc lên và đang xây dựng rải khắp. Tuy vậy, khi có mặt tại một số điểm như khu nghỉ mát khách sạn Lăng Cô, Lăng Cô Beach Resort, Thanh Tâm Seaside Resort... khách du lịch muốn có phòng phải đặt trước. Tại một số resort ở khu Lăng Cô, bộ phận đặt phòng còn cho biết phòng đã kín chỗ đến cả hai tuần sau đó. Tình trạng này diễn ra tương tự tại thành phố Hội An (Quảng Nam).

Một số du khách người Pháp cho biết đã biết về Hội An từ khá lâu, nhưng để đến được Hội An vào đầu tháng 8 vừa qua, họ đã phải qua công ty lữ hành đặt phòng khách sạn tới ba lần mới được ưng ý. “Nơi còn phòng thì tiêu chuẩn chưa đạt. Các khách sạn 4 sao trở lên thì luôn chật kín. Từ khi lên kế hoạch đi du lịch đến khi chính thức đến được Hội An, thời gian mất gần cả tháng” - anh Nguyễn Thế Thành, người dẫn đường cho nhóm du khách này, nói.

Nhu cầu tăng nhanh

Để tăng thêm giá trị của các điểm đến ở miền Trung, tổng giám đốc khu nghỉ mát 5 sao The Nam Hải Herbert Laubichler Picher cho rằng vẫn cần phải có thêm vài resort có tiêu chuẩn quốc tế. Ở Bali (Indonesia) có các thương hiệu Bulgari, Four Seasons, The Ritz. Ở Phuket có Banyan Tree, Mandarin... Các resort và khách sạn hiện có ở Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng... vẫn chưa đạt được yêu cầu của các du khách quốc tế cao cấp.

Ông Phan Thế Dũng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thừa Thiên Huế, cho biết hiện ở Huế có khoảng 200 khách sạn, đáp ứng 15.000 chỗ nghỉ và có khoảng 5.000 chỗ lưu trú trong dân. Khách sạn (đa số ở mức bình dân) tại TP Huế có thể đáp ứng được nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, khách sạn từ 3 sao trở lên mới chỉ dừng lại 23 khách sạn.

Lý giải vì sao lại đầu tư tới 300 triệu USD vào Lăng Cô, ông Nguyễn Trọng Thể, giám đốc dự án resort & golf Lăng Cô - Huế (292ha, sân golf 27 lỗ, 300 phòng khách sạn, hội nghị tiêu chuẩn 4 sao, 100 phòng resort ven biển, 200 phòng khách sạn ven biển tiêu chuẩn 3 sao và khoảng 500 căn biệt thự vườn, ven hồ, triền núi...), dự báo trong vòng mười năm tới Lăng Cô sẽ là điểm đến sôi động của du lịch miền Trung. Khi đó, nhu cầu về phòng ốc, khách sạn và các dịch vụ vui chơi giải trí sẽ tăng mạnh gấp nhiều lần hiện nay.

Dự án này chỉ cách Đà Nẵng 25km, cách TP Huế 60km. Với lợi thế gần điểm nối cuối cùng ra biển trong hành lang kinh tế Đông - Tây qua các nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia, khả năng thu hút khách quốc tế về khu nghỉ dưỡng nói riêng và khu vực Lăng Cô nói chung là rất lớn.

Khách không có chỗ tiêu tiền

Ông Picher kể nhiều du khách cho biết những điểm du lịch khác họ từng đến luôn tạo cảm giác không đủ thời gian để thưởng thức hết các dịch vụ và họ muốn phải quay lại, trong khi miền Trung thiếu các nhà hàng cao cấp nằm ngoài các khu resort, khách sạn. Không có câu lạc bộ giải trí, thưởng thức cho những cặp tình nhân, không có chỗ cho giới trẻ hoạt động, thưởng thức và tiêu tiền.

Theo ông Picher, ở đây có thể thiết kế những dịch vụ như câu cá, trò chơi dưới nước, lặn biển, bắn súng đạn sơn, đua xe, leo núi, vách đá...

Ông Nguyễn Hàng Quý, giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Hương Giang, cho biết Huế và Hội An là hai điểm đến mà hầu như du khách nào cũng chọn ngủ lại. Tuy nhiên, các dịch vụ để du khách tiêu tiền tại hai nơi này lại chưa phát triển.

“Nhiều du khách, bạn bè của tôi sang đây du lịch đều trong tình trạng không biết tiêu tiền vào đâu, mang tiền vô rồi lại mang ra. Một vài điểm bán hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, áo quần như chợ Đông Ba, phố cổ Hội An, tiểu thương lại nổi tiếng nói thách giá khiến nhiều du khách ngại ngần” - ông Quý cho hay.

Trên thực tế, du khách đến Huế gần như chỉ đi ngắm các di sản và thưởng thức ẩm thực của người Huế. Còn khách đến Hội An cũng chỉ có thể tiêu tiền bằng mua vài chiếc đèn lồng và vải vóc, áo quần. Tại những nơi này, hoàn toàn chưa có những trung tâm mua sắm đủ sức hút khiến du khách không thể không tới. Ngoài ra, hoạt động giải trí về đêm cũng gần như không có.

Thiết kế tour sáng tạo kéo khách

Theo JICA, khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch nhưng lượng du khách đến Quảng Nam vẫn không sụt giảm (trên 2,3 triệu lượt khách trong năm 2009). Đây là kết quả từ những sáng tạo trong thiết kế tour, tạo thêm lựa chọn cho du khách của các đơn vị lữ hành. Hàng loạt tour du lịch đang hấp dẫn du khách như: tham quan làng nghề, tour đạp xe đạp, đi xe máy, đi thuyền...

Nhờ những sáng kiến này, một số làng nghề được bảo tồn, tạo việc làm cho người dân địa phương.

 

--------------------------------------------------

Gỡ nút thắt hạ tầng
 

Các nhà làm du lịch đang đòi hỏi cho miền Trung một cú hích đầu tư, cải thiện hạ tầng, gồm cả sân bay, cảng biển, đường sá... để làm ngắn lại quãng đường giữa các điểm du lịch và kéo du khách gần lại với miền Trung hơn.

Vòng vèo đường đến Đà Nẵng

Để đến miền Trung, một gia đình thương nhân châu Âu đến nghỉ dài ngày tại khu nghỉ mát 5 sao + The Nam Hai (Quảng Nam) đã phải mất thêm chín giờ để đi từ Hong Kong đến Đà Nẵng. Nguyên nhân do chuyến bay từ TP.HCM đến Đà Nẵng bị hoãn.

Ông Herbert Laubichler Pichler, tổng giám đốc The Nam Hai, kể câu chuyện này khi nói về thực trạng các đường bay đón du khách quốc tế đến miền Trung. Ông cho biết khách nước ngoài đến khu vực này thường than phiền phải mất quá nhiều thời gian. Do đó, nếu có chuyến bay thẳng đến Đà Nẵng thì khách chỉ mất vài chục phút từ sân bay đã có thể đến hàng loạt resort dọc từ Đà Nẵng đến Quảng Nam nghỉ ngơi, tận hưởng, thư giãn.

Nhà ga mới sân bay Đà Nẵng mở rộng 3-4 lần

Ông Phan Kiều Hưng, chánh văn phòng Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung, cho biết quý 1-2011, nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng mới với quy mô 36.600m2 (một tầng hầm, cao ba tầng) dự kiến đưa vào hoạt động với quy mô lớn hơn khu nhà ga hiện hữu 3-4 lần. Điều này sẽ tạo cơ hội để các hãng hàng không quốc tế mở đường bay và đưa khách đến Đà Nẵng. Ông Hưng cũng cho biết đã có tín hiệu khả quan từ đầu năm 2010 khi có những chuyến bay thuê chuyến (charter flight) đến thăm dò, nghiên cứu thị trường như của Shanghai Airlines (mở đường bay Thượng Hải - Đà Nẵng), Eastar Jet (mở đường bay Incheon, Hàn Quốc đến Đà Nẵng).

Trên thực tế đã có nhiều hãng hàng không mở đường bay quốc tế đến Đà Nẵng nhưng không duy trì đường bay thường xuyên. Hiện chỉ có Hãng hàng không Silk Air đang thực hiện bốn chuyến bay/tuần nối tuyến Đà Nẵng - Siem Reap - Singapore và China Southern Airlines khai thác đường bay Quảng Châu - Đà Nẵng, tần suất 2 chuyến/tuần với hệ số ghế trung bình 57%.

Theo thống kê của Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung, doanh thu từ các chuyến bay quốc tế đến sân bay Đà Nẵng chỉ chiếm 10-15% tổng doanh thu toàn sân bay. Các hãng hàng không quốc tế vẫn chưa mở đường bay đến Đà Nẵng, mặc dù công ty đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ như: giảm phí điều hành hạ/cất cánh, phí soi chiếu...

Ông Cao Trí Dũng, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch VN (Vitours), cho rằng tổ chức các chuyến bay trực tiếp đến Đà Nẵng là giải pháp cơ bản nhất để phát triển bền vững nguồn khách, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch biển của khu vực Đông Nam Á.

Trong đó nên tập trung vào bốn thị trường chính: khu vực Đông Nam Á, thị trường Trung Quốc - Hong Kong, thị trường Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản) và thị trường Đông - Bắc Âu. “Trong 40.000 khách Vitours đón hằng năm có khoảng 15.000 khách quốc tế.

Tuy nhiên, số lượng đến bằng đường bay quốc tế chỉ chiếm 25-30%. Điều này cho thấy khi mở được đường bay quốc tế trực tiếp sẽ chủ động giải quyết được lượng khách đến”, ông Dũng nói.

Cảng hàng hóa “ngán” tàu du lịch

Tương tự thực trạng đường bay quốc tế đến khu vực miền Trung, hiện tại khu vực này cũng chưa có cảng chuyên đón tàu du lịch. Các tàu chở khách hiện đang phải cập cảng hàng hóa như cảng Chân Mây (khu kinh tế Lăng Cô - Chân Mây của Thừa Thiên - Huế), hoặc cảng Tiên Sa (Đà Nẵng)...

Ông Nguyễn Hữu Sia - phó tổng giám đốc cảng Đà Nẵng - cho biết lượng tàu và du khách đến bằng đường biển mỗi năm tăng 10-15%. Tuy nhiên, theo nhiều công ty du lịch, mức tăng trên chưa tương xứng với tiềm năng.

Trong khi đó, có một thực trạng là cảng hàng hóa hiện nay đang “ngán” đón tàu du lịch. Tính từ đầu năm đến hết tháng 11 năm nay, có 19 chuyến tàu đã cập cảng và đăng ký trước qua cảng Chân Mây. Khách đi bằng đường tàu biển chủ yếu từ Mỹ và các nước châu Âu, trên các chuyến tàu chở 700-1.000 khách.

Trước mắt, để tăng cường thu hút thêm tàu du lịch đưa khách vào miền Trung, ông Sia cho rằng cần nâng cấp các dịch vụ tải cầu cảng. Bên cạnh đó phải giảm các loại phí đang còn ở mức cao hơn các nước trong khu vực. Một số loại phí phải giảm 30-50%. Trong khi đó, các nhà làm du lịch lại cho rằng cần phải có cảng chuyên đón tàu du lịch. Bởi dẫu có giảm phí, nâng cấp thì về bản chất các cảng đang đón khách hiện nay vẫn là cảng hàng hóa.

Sợ đường bộ

Khách chi tiêu chưa nhiều

Theo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch đến VN chưa cao, từ 1,5-2,5 ngày. Cụ thể khách đến Huế hiện lưu trú bình quân 2,1 ngày, chi tiêu 76 USD/khách/ngày.

Tương tự chỉ số này ở Đà Nẵng là 2,1 ngày, 65 USD/khách/ngày và cao nhất là Quảng Nam 2,6 ngày nhưng mức chi tiêu chỉ bằng Huế với 76 USD/khách/ngày.

Trong đề án nâng cao khả năng thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng, ông Nguyễn Phúc Linh, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đà Nẵng, dẫn chứng thành phố đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để kết nối con đường xuyên suốt ven biển và coi đây là tuyến đường động lực phát triển du lịch.

Quả thật, vùng biển ôm trong lòng đô thị Đà Nẵng, con đường ven biển Nguyễn Tất Thành qua cầu Thuận Phước nối với đường Trường Sa - Hoàng Sa vào đến tỉnh Quảng Nam không những giải quyết vấn đề giao thông thông suốt ba điểm đến (Huế, Đà Nẵng, Hội An) mà góp phần hình thành hàng chục khu du lịch, hệ thống khách sạn và khu đô thị mới.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Thu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay hạ tầng giao thông kết nối toàn vùng và lên Tây nguyên, các nước trong khu vực để mở rộng không gian giao thương, du lịch còn yếu và thiếu. Cả đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đều đang triển khai chậm và khó khăn về vốn.

Huế - Đà Nẵng - Hội An là các điểm đến thường nằm trong hành trình của du khách quốc tế. Di chuyển giữa các địa phương trên bằng đường bộ là cách thuận tiện nhất. Nhưng trên thực tế đa số du khách lại đang than phiền về hành trình này.

Mới đây khi tham gia tour Huế - Hội An của một công ty lữ hành tại địa phương, nhiều du khách đã tỏ ra khó chịu với đơn vị tổ chức. Theo vé công ty du lịch bán cho khách, giờ xuất phát là 13g30 nhưng phải đến gần 14g15 xe mới bắt đầu lăn bánh. Trước khi xe khởi hành, nhân viên bán vé có hướng dẫn sẽ dừng xe tại Lăng Cô 30-45 phút để khách ngắm cảnh, chụp hình. Ai nấy đều hồ hởi.

Tuy nhiên, khi đến Lăng Cô, điểm dừng chân khiến nhiều du khách ngỡ ngàng. Đó là một tiệm ăn nhỏ nằm bên quốc lộ, nhiều du khách nhăn nhó vì không có chỗ ngồi, nhà vệ sinh không có nước, không sạch sẽ. Chưa kể dọc đường đến Hội An xe còn dừng thêm 2-3 điểm để đón, trả khách, không khác xe đò, xe chợ. Dùng dằng mãi phải đến gần 20g xe mới đưa khách đến Hội An.

Đại diện Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thừa Thiên - Huế thừa nhận hạn chế của các tour dẫn khách dọc Huế - Đà Nẵng - Hội An là hệ thống điểm dừng chân, nhà vệ sinh dọc đường quá kém. Các điểm mua sắm, các khu nhà vệ sinh tại điểm dừng chân, thậm chí tại các di tích, điểm tham quan hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của sản phẩm, tour du lịch chuyên nghiệp.
-----------------------------------------------

Bài toán khó nhân lực cho ngành du lịch
 

Chỉ tính riêng TP Đà Nẵng đến năm 2012 dự kiến có thêm khoảng 45 dự án khách sạn, resort với 7.000 phòng. Chuẩn bị một nguồn nhân lực có tay nghề lên đến vài ngàn người để phục vụ ở những dự án du lịch này là việc không dễ dàng.

Sau giờ làm việc, các nhân viên sân golf Đà Nẵng trau dồi thêm tiếng Anh cùng cô giáo người nước ngoài - Ảnh: Lê Nam

 

Đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề và giữ chân lao động có chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, khách sạn, resort ở miền Trung đang là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất.

Săn lao động của nhau

Giám đốc nhân sự resort The Nam Hải Trần Thị Cảnh cho biết một số vị trí quan trọng đang công tác ở khu resort hiện nay chuyển từ resort Furama (khu resort 5 sao đầu tiên ở khu vực miền Trung), vài resort tiêu chuẩn khác, thậm chí có người từ TP.HCM, Hà Nội. Bà Cảnh đã có mười năm làm việc ở Furama trước khi chuyển sang The Nam Hải.

Theo bà Cảnh, trong năm tới một vài mô hình resort mới sẽ bắt đầu hoạt động với các tên tuổi của tập đoàn quản lý khá lớn trên thế giới nên sự cạnh tranh trong thị trường lao động sẽ rất khắc nghiệt. Vì vậy, dự đoán nhiều khả năng những vị trí quan trọng của resort có thể sẽ ra đi.

Chuẩn bị chuyện này, các phương án nhân sự (tìm thêm trợ lý) cho những vị trí quan trọng đề phòng trường hợp nhân sự rời khỏi resort, xem xét lại các chế độ phúc lợi, cơ hội thăng tiến ngay bên trong nội bộ của khách sạn theo kiểu “lọt sàng xuống nia”. Ngoài bốn vị trí an ninh, buồng phòng, nhân sự, kỹ thuật là người Việt đảm trách, The Nam Hải đã có quản lý tiền sảnh cũng là người Việt (đây là vị trí hiếm có ở các resort cao cấp do các tập đoàn nước ngoài quản lý).

Trao đổi với chúng tôi, các quản lý những dự án đầu tư nhà hàng, khách sạn, resort cao cấp ở khu vực này đều lo lắng về khả năng tuyển dụng các vị trí lao động thông thường trong 3-4 năm tới là rất khó.

Một vấn đề đang nổi lên hiện nay tại khu vực này là thiếu nguồn nhân lực quản lý cấp cao một cách trầm trọng, nhất là các khu du lịch đã và đang xây dựng thu hút một lượng lớn nhân lực có chất lượng. Hiện các resort, khu nghỉ dưỡng, khách sạn lớn ở Đà Nẵng, Quảng Nam đã xảy ra tình trạng lôi kéo lẫn nhau những vị trí quản lý với sức hấp dẫn về lương bổng, cấp quản lý và điều kiện làm việc, độ thăng tiến trong công việc.

Giám đốc một công ty lữ hành cho biết một khu du lịch lớn ở Đà Nẵng tuyển vị trí tổng giám đốc nhiều tháng nay nhưng chưa có ứng viên, hay một resort ở Đà Nẵng vừa khai trương đã đưa cả bộ máy quản lý từ Đài Loan sang để hoạt động.

Đào tạo theo nhu cầu

Ông Huỳnh Tấn Vinh - tổng giám đốc Công ty CP khu du lịch Bắc Mỹ An Furama resort, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - cho biết Đà Nẵng hiện nay đang được coi là miền đất hứa của các dự án du lịch.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - đầu tư Đà Nẵng, tính đến tháng 6-2010 Đà Nẵng có 55 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn 2.835,7 triệu USD. Trong giai đoạn 2010-2012, dự kiến trên địa bàn Đà Nẵng có thêm khoảng 45 dự án với 7.000 phòng, 2/3 trong số đó sẽ phát triển dọc tuyến ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc với khoảng 4.300 phòng. Trong ba năm tới, chỉ riêng các khách sạn 4-5 sao ven biển đã cần tới 8.000 lao động.

Theo ông Vinh, lượng sinh viên tốt nghiệp ở địa phương chỉ cung cấp 10% yêu cầu về nguồn nhân lực, trong khi các học viên về du lịch chủ yếu tập trung vào các ngành học như hướng dẫn viên, lễ tân, quản trị... (chỉ chiếm 5-15% lượng nhân viên ngành khách sạn, du lịch). Các vị trí khác như phục vụ buồng phòng, đầu bếp, phục vụ, bảo vệ... chiếm 30-70% nguồn nhân lực làm du lịch lại ít người theo học.

Tình trạng chung là thừa lao động lớn tuổi, chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, thiếu lao động được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ, chất lượng đào tạo ở các trường chưa cao, thiếu thực hành thực tế.

Nhiều trường đại học mở thêm ngành đào tạo cử nhân du lịch - dịch vụ như các trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, ĐH Duy Tân, ĐH Quảng Nam, ĐH Đông Á, ĐH Huế và hàng chục trường cao đẳng, trung cấp nghiệp vụ du lịch. Theo giám đốc Công ty du lịch VN Vitours Cao Trí Dũng, đội ngũ hướng dẫn viên thiếu những người phục vụ cho khách các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Thái Lan, Tây Ban Nha.

Ông Nguyễn Hàng Quý, giám đốc Công ty du lịch Hương Giang, cho biết khoảng 40% du khách đăng ký tour của Hương Giang là khách Thái Lan nhưng hướng dẫn viên biết tiếng Thái Lan rất ít. Khách châu Âu, đặc biệt khách Pháp, Hà Lan cũng rất nhiều nhưng hướng dẫn viên biết hai thứ tiếng này cũng hiếm.

Một lãnh đạo ngành du lịch Quảng Nam cho hay trình độ nhân lực ngành, cơ cấu nguồn nhân lực hiện có vẫn chưa đáp ứng, cần phải có kế hoạch ngắn và dài hạn bổ sung kiến thức, đào tạo mới và đào tạo lại đội ngũ lao động trực tiếp, gián tiếp, kể cả cán bộ quản lý. Trong ngành lữ hành, tìm cho ra những nhân viên làm được cả quảng bá, xây dựng sản phẩm, hướng dẫn du khách... đạt mức độ chuyên nghiệp là cực kỳ khó khăn.

Các doanh nghiệp đều cho rằng để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực du lịch trong ngắn hạn, lãnh đạo ngành miền Trung nên đưa ra các chính sách thu hút lực lượng lao động có tay nghề cao ở TP. HCM, Hà Nội, nơi đã có bề dày phát triển du lịch với lực lượng lao động dồi dào nhiều kinh nghiệm.

Tuyển người đã khó, sau khi tuyển được nhân sự hầu hết các công ty đều phải tổ chức đào tạo lại từ đầu cả chuyên môn và ngoại ngữ. Có những đợt tuyển người công ty nhận được vài chục hồ sơ nhưng cuối cùng chỉ tuyển được 2-3 người đạt 60-70% tiêu chuẩn chuyên môn. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, khách sạn cho biết tuyển dụng nhân lực phổ thông trong ngành vốn đã khó, sinh viên vừa tốt nghiệp khá xa rời thực tế nên càng khó hơn nhiều.

Hôm nay, hội thảo hiến kế

Hôm nay (19-8), tại khu du lịch Palm Garden Beach Resort & Spa (đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam), báo Tuổi Trẻ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Tổng công ty CP Phong Phú tổ chức hội thảo “Miền Trung - xây dựng điểm đến quốc tế”. Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu lãnh đạo đến từ các bộ, ngành chức năng, các chuyên gia kinh tế đầu ngành từ Hà Nội, TP.HCM, các địa phương và ngành trong vùng du lịch trọng điểm miền Trung từ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Đặc biệt, hội thảo thu hút sự quan tâm của các lãnh đạo đơn vị liên quan đến phát triển du lịch miền Trung như sân bay, bến cảng, các resort, khách sạn, nhà hàng, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực...

Hội thảo sẽ tập trung vào ba chủ đề chính: phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch vùng; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực và xoay quanh câu chuyện cơ chế chính sách, liên kết trong vấn đề xúc tiến, quảng bá du lịch vùng.

V.HÙNG

-----------------------

Nhân lực kém gây nhàm chán cho khách

Trong báo cáo đề án nâng cao khả năng thu hút khách đến các khu du lịch Đà Nẵng, ông Nguyễn Phúc Linh - phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng - cho biết phần lớn nguồn nhân lực phục vụ tại các khu du lịch thiếu và chưa qua đào tạo, thiếu nhân sự có trình độ và ngoại ngữ cho vị trí quản lý, điều hành và phục vụ các nhu cầu du lịch đặc thù (hội nghị, kinh doanh, sức khỏe, thể thao...) đã gây nên sự nhàm chán cho du khách.

Đội ngũ thuyết minh viên qua khảo sát ở năm khu du lịch trên địa bàn, trong 19 người chỉ có 11 cử nhân, trong đó có ba cử nhân... cầu đường.

Tuy nhiên, đã có chút tín hiệu khả quan với nhân lực ngành này khi trong năm 2010, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng, khu nghỉ mát Furama đã tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ với Viện Anh ngữ Đà Nẵng (English Language Institute) và Học viện William Angliss (Melbourne, Úc) thỏa thuận cộng tác đào tạo trong lĩnh vực tiếng Anh, du lịch, nhà hàng...

 

(L.NAM - V.HÙNG - B.HOÀN // Theo Tuổi Trẻ )

  • Hợp tác xã du lịch... voi ở Đắk Lắk làm ăn hiệu quả
  • Thúc đẩy du lịch để bảo tồn hệ sinh thái ở Bắc cực
  • Saigontourist giành giải cao hướng dẫn viên du lịch
  • Cố vấn Hà Lan gợi ý cách tạo thương hiệu Sa Pa
  • Bề bộn nhân lực ngành du lịch
  • Hợp tác phát triển du lịch Việt Nam - Trung Quốc
  • Giới thiệu du lịch MICE tới 30 nhà tổ chức sự kiện ở Đức
  • Không có bến bãi, không có du lịch đường sông
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com