5 triệu người Trung Quốc đi du lịch hằng năm, do vậy Triển lãm Thế giới Thượng Hải trở thành cơ hội hiếm có để chiêu dụ du khách Trung Quốc
Đi du lịch ngày nay không còn là đặc quyền của người dân các nước giàu có. Kinh tế Trung Quốc phát triển rất mạnh, mức sống người dân được nâng cao, người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài ngày càng đông. Du khách Trung Quốc đang trở thành niềm mơ ước của ngành du lịch không khói của rất nhiều nước. Người ta ước tính từ nay đến năm 2020, số người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài khoảng trên dưới 100 triệu người, nhiều hơn bất cứ nước nào.
Tham quan Triển lãm Thế giới Thượng Hải 2010 cũnglà một kiểu đi du lịch tại chỗ. Nhiều gian hàng trong Triển lãm Thế giới Thượng Hải năm nay còn làm nhiều hơn thế. Chúng biến thànhđiểm quảng bá du lịch với hy vọng thu hút càng nhiều càng tốt du khách Trung Quốc.
Nàng tiên cá nhỏ được chở từ Copenhagen (Đan Mạch) đến Thượng Hải để chiêu dụ du khách
Trung Quốc. Ảnh: AP
Du lịch, yếu tố hàng đầu
Hrein Palsson, Tổng Lãnh sự nước Iceland ở Thượng Hải, cho biết kỳ triển lãm này, một trong ba chủ đề chính của gian hàng Iceland là du lịch.
Trong mấy ngày qua, báo chí nói rất nhiều đến đất nước Bắc Âu này nhưng phần lớn là tin tức không vui: Núi lửa Eyjafjallajokull phun tro tạo thành một đám mây khổng lồ từng che kín bầu trời châu Âu, khiến cho hàng trăm ngàn chuyến bay bị hủy bỏ trong nhiều ngày, gây thiệt hại cả tỉ USD.
Nhưng bộ trưởng Bộ Du lịch Iceland sẽ xua tan những hình ảnh tiêu cực đó. Đích thân ông sẽ đến Triển lãm Thế giới Thượng Hải 2010 vào ngày 17-6 để cổ động người Trung Quốc đi tham quan đất nước xinh đẹpIceland. Ngày hôm đó Iceland sẽ mời tất cả các công ty lữ hành và nhà báo chuyên viết về du lịch của Trung Quốc đến gian hàng của mình để thấy tận mắt phong cảnh hữu tình, con người thân thiện của Iceland.
Không phải vô cớ mà lần này ý tưởng dùng gian hàng triển lãmđể thu hút khách du lịch Trung Quốc được rất nhiều nước chú tâm làm nổi bật. Điều này đã được chứng minh với các gian hàng Mỹ, Úc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Ý và Tây Ban Nha, những nước đứng đầu thế giới về sức thu hút khách du lịch.
Trước ngày khai mạc Triển lãm Thế giới Thượng Hải 2010, ban tổ chức đã dành 2 tuần lễ để các nước “chạy thử” gian hàng của mình. Kết quả, số người tham quan 7 gian hàng nói trên rất đông. Những du khách tiềm năng Trung Quốc chen nhau vào xem trầm trồ, tỏ ra rất thích.
Gian hàng Nhật Bản là một ví dụ điển hình. Là nước từng 5 lần tổ chức hội chợ và triển lãm thế giới, tại kỳ triển lãm này gian hàng Nhật Bản được xem là một trong những gian hàng lớn nhất, rộng 6.000 m2, kiểu dáng lạ mắt nhất trong khu triển lãm.
Báo chí Trung Quốc đã đặc biệt danh cho gian hàng Nhật Bản là “Đảo Tằm Tía” bởi trông giống một tổ kén khổng lồ. 24 công ty Nhật đã đóng góp 3 tỉ yen ( 1 yen = 201,13 đồng) để xây dựng gian hàng này.
Nét độc đáo nhất của gian hàng Nhật Bản là du khách sẽ có một trải nghiệm kỳ thú về phòng vệ sinh thần kỳ. Theo mô tả của Sakaiya Taichi, nhà sản xuất gian hàng công nghiệp Nhật Bản,“khách sẽ cảm thấy hạnh phúc và thư giãn trong phòng vệ sinh thơm phức này và có cảm giác như đang ở trong phòng khách”!
Từ Nàng tiên cá đến Người phụ nữ vàng
Những nước nhỏ, tiềm năng du lịch tuy kém nhưng cạnh tranh nhau quyết liệt về ý tưởng thu hút khách du lịch tiềm ẩn. Theo họ, đây là một công cụ quảng bá du lịch mà không công ty lữ hành nào có thể thay thế. Bà Debby Cheung, Giám đốc quan hệ công chúng của Công ty Ogilvy ở Trung Quốc, nhận định: “Đây làmặt bằng duy nhất để xây dựng hình tượng của một nước”.
Đó là lý do để Đan Mạch làm một việc chưa từng có: Rinh tượng Nàng tiên cá nhỏ đến đặt chính giữa gian hàng của mình. Đây là lần đầu tiên trong 97 năm qua, Nàng tiên cá nhỏ xuất ngoại vì một mục đích cao cả: Thu hút du khách Trung Quốc.
Sự kiện nói trên được đánh giá là một chiêu rất thành công bởi trên website của Triển lãm Thế giới Thượng Hải 2010, được cư dân mạng ghé thăm nhiều nhất.
Bài toán của nhà tổ chức gian hàng Đan Mạch đã tính rất kỹ. Đan Mạch hiện tiếp đónkhoảng 3 triệu du khách/năm. Với bức tượng Nàng tiên cá nhỏ, một trong những biểu tượng du lịch của nước Bắc Âu này, họ hy vọng sẽ có 9 triệu khách trong tương lai.
Luxembourg cũng bắt chước Đan MạchđemGelle Frau (Người phụ nữ vàng) từ tượng đài kỷ niệm ở Luxembourg đến đặt trước cửa gian hàng Luxembourg tại Thượng Hải.
Gian hàng Thụy Sĩ cũng độc đáo không kém. Khách tham quan đứng trước một màn hình khổng lồ chiếu hình ảnh những rặng núi phủ đầy tuyết tuyệt đep sẽ được hít thở không khí đặc sắc vùng núi nhờ các thiết bị tạo không khí.
Ngoài ra, du khách có thể leo lên ngồi trong cabin thật của cáp treo lên núi đặt trên nóc gian hàng xanh rì cây cỏ. Franck Serrano, phụ trách gian hàng nước Pháp, nhận xét: “Đó là một dịp tốt để tiếp thị trực tiếp, điều mà trong vòng 10 năm nữa sẽ khó có lần thứ hai”.
Ngay những nước hiện nay ít có du khách bởi hoàn cảnh đặc biệt cũng trình bày với người xem những thứ rất đáng xem, mang tính thân thiện.
Lần đầu tiên người ta thấy xuất hiện gian hàng của nước CHDCND Triều Tiên, Myanmar, Sudan.
Gian hàng của CHDCND Triều Tiên đề cao lịch sử, văn hóa và phong tục của nước này thông qua tranh ảnh, điêu khắc nghệ thuật và những video clip. Ngày 6-9 sẽ có một đoàn nghệ thuật Bình Nhưỡng trình diễn các tiết mục đặc sắc như múa trống, múa quạt và múa “chuông nhỏ”.
Gian hàng Myanmar cũng đề cao văn hóa và phong tục đặc sắc của họ. “Sẽ có nhiều phương pháp giới thiệu phong tục địa phương, nguồn tài nguyên phong phú và nền văn hóa rực rỡ của dân tộc Myanmar” – trang web của Myanmar quảng cáo như vậy.
Sự hiện diện của gian hàng nước Sudan cũng là một sự kiện lạ. Chủ đề của đất nước bị tàn phá bởi nội chiến này là “Đô thị và Hòa bình”.
(Theo NGUYỄN CAO // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com