Du khách nước ngoài tại Lăng Cô, Huế. Ảnh: Trung Châu. |
Sau chương trình kích cầu du lịch 2009 “Ấn tượng Việt Nam” để lại nhiều lời khen tiếng chê, Tổng cục Du lịch Việt Nam (TCDL) vừa khởi động chương trình kích cầu du lịch năm 2010 mang tên “Việt Nam - điểm đến của bạn”. Chương trình năm nay cũng khiến nhiều doanh nghiệp nghi ngại về tính hiệu quả.
Đa dạng kích cầu Chương trình kích cầu du lịch năm 2010 gồm bảy nội dung chính, trong đó có ba nội dung mới là bán hàng giảm giá vào mùa thấp điểm “Impressive Viet Nam Grand Sale 2010” nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; chương trình xúc tiến tại chỗ đối với khách du lịch đã đến Việt Nam với khẩu hiệu “Việt Nam thân thiện chào đón bạn”; và chương trình hướng về cội nguồn dành cho Việt kiều. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn, mục tiêu của chương trình là gia tăng lượng du khách ở thị trường nội địa và các thị trường trọng điểm, chủ yếu nhằm vào đối tượng khách chi tiêu cao và lưu lại dài ngày để tăng thu từ du lịch, phấn đấu đón 4,2 triệu lượt khách quốc tế và thu hút 27-28 triệu lượt khách nội địa. Chương trình sẽ tập trung vào chiến dịch bán hàng giảm giá để thu hút du khách vì đây là loại hình du lịch phát triển mạnh trong thời gian gần đây và là nguồn thu nhập chính của ngành du lịch nhiều nước trong khu vực. TCDL sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam để thực hiện chương trình trong tháng 8 và 9-2010 tại một số thành phố lớn, trung tâm du lịch chính như Hà Nội, Ðà Nẵng, TPHCM… Nhiều hoạt động trong chiến dịch cũng sẽ được tổ chức như chương trình bốc thăm trúng thưởng cho du khách mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng tham gia chương trình; mở hội chợ bán hàng giảm giá từ 10-50%. Chiến dịch sẽ được ủng hộ bằng các hình thức như tài trợ lại qua việc hoàn thuế VAT, thẻ ưu đãi giảm giá hoặc vé mua sắm. Tại các điểm bán hàng thuộc chương trình, du khách chỉ cần xuất trình hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân để nhận thẻ ưu đãi này. “Du lịch kết hợp mua sắm là một loại hình du lịch phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Nguồn thu từ việc mua sắm của du khách là nguồn thu nhập chính của ngành du lịch nhiều nước như Thái Lan, Malaysia và Singapore. Các nước này rất thành công trong việc tổ chức các chiến dịch bán hàng giảm giá trong suốt một thập kỷ qua. Việt Nam cũng sẽ đi theo xu hướng này nhưng áp dụng một cách linh hoạt vào tình hình cụ thể”, ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành thuộc TCDL, cho biết. Những lo âu Tuy nhiên, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Lữ hành Vòng Tròn Việt, cho rằng: “Chương trình kích cầu du lịch của chúng ta năm nay làm đồng bộ hơn những năm trước, nhưng vẫn chậm hơn so với các nước trong khu vực, nên kết quả không như mong đợi. Tại nhiều nước, nhận thấy tình hình có vẻ khó khăn là họ triển khai ngay các chương trình khuyến mãi, còn mình thấy khách không vào mới tiến hành khuyến mãi, nên kết quả hạn chế”. Một số doanh nghiệp lữ hành khác cũng quan ngại về chiến dịch kích cầu năm nay do giá dịch vụ giảm nên khó giảm nhiều. Bên cạnh đó, do Nhà nước ngưng giảm thuế cho ngành du lịch nên giá tour khó mà thấp đến mức “ấn tượng”. Trong khi đó, theo ông Trần Kim Long, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bông Sen - chuyên kinh doanh nhà hàng, khách sạn và du lịch, những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để kích cầu du lịch. “Sẽ tốt hơn nếu những chương trình này được làm chuyên nghiệp và thường xuyên, phù hợp với từng đối tượng và từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, cũng cần đặt lại vấn đề những sản phẩm hiện đã đủ và phù hợp để thu hút du khách chưa, thế mạnh của mỗi vùng là gì… Hiện nay có quá nhiều sản phẩm du lịch trùng nhau nhưng lại thiếu điểm nhấn”, ông Long nói. Bên cạnh đó, theo ông Long, điều quan trọng là làm thế nào để du khách nghe được khẩu hiệu “Việt Nam - điểm đến của bạn” và cảm nhận được đúng như vậy. Những phiền hà về thủ tục, đi lại cần được giải quyết triệt để bên cạnh cơ sở hạ tầng cần xây dựng đồng bộ, sản phẩm du lịch có điểm nhấn và yếu tố văn hóa, hình ảnh đất nước con người Việt Nam phải thật sự thân thiện và hiếu khách. Khi được hỏi về chương trình kích cầu năm 2010 của TCDL, ông Long cũng như các doanh nghiệp trong ngành nhà hàng, khách sạn đều cho biết họ đang trong thời gian ghi nhận thông tin từ nhiều nguồn và chờ thông báo chính thức từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch để quyết định mức độ tham gia. Dẫu tỏ ý lo ngại, tuy nhiên, ông Long, ông Huê hay các doanh nghiệp khác đều hết mình ủng hộ chương trình, vì dù ít dù nhiều những chương trình như thế này có những tác động tích cực đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung. Từ cuối năm 2009, các cơ sở trực thuộc Công ty cổ phần Bông Sen như khách sạn Palace Saigon, Bông Sen Saigon, Bông Sen Annex, nhà hàng Vietnam House, Lemongrass, bánh Brodard, lữ hành Lotus Tours… đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2010, trong đó có nhiều phương án kích cầu. Theo ông Long, kế hoạch này sẽ được công ty chủ động điều chỉnh để phù hợp tùy theo diễn biến của thị trường cũng như theo chương trình kích cầu của TCDL. “Nếu TCDL có những chương trình, hoạt động liên tục như vậy thì đó là cơ hội, điều kiện tốt cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh”, ông Long nói. “Tôi hy vọng chương trình năm nay sẽ tác động tích cực đến ngành du lịch Việt Nam. Để chương trình kích cầu có hiệu quả, bốn ngành gồm lữ hành, khách sạn, khu mua sắm và hàng không cần gắn kết chặt chẽ với nhau”. Ông Phan Đình Huê cho biết: “Công ty sẽ tham gia chương trình với mức giá giảm khoảng 5-10% dành cho du khách. Muốn giảm hơn nữa thì phải đợi các nhà cung cấp dịch vụ giảm thêm”. Và để những chương trình kích cầu đạt hiệu quả hơn, ngành du lịch Việt Nam cần chú trọng nhiều đến việc đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Cơ sở hạ tầng đã từng bước đổi mới và tiếp cận dần với các nước trong khu vực nhưng chưa đồng bộ và trọn vẹn. Yếu tố cộng đồng tham gia làm du lịch cũng quan trọng. Nếu tạo được hình ảnh con người và đất nước thật sự thân thiện và hiếu khách, kết hợp với cơ sở hạ tầng được nâng cao, du lịch Việt Nam sẽ cất cánh. “Theo tôi, TCDL cần có chiến lược dài hạn và kế hoạch hàng năm một cách cụ thể. Các công việc này cần do một nhóm chuyên gia cố vấn soạn thảo, sau đó TCDL xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Hiện nay chương trình kích cầu do TCDL tự xây dựng nên không sát nhu cầu của du khách và các công ty du lịch”, ông Huê nhận xét. Theo đánh giá của những doanh nghiệp du lịch, với những nội dung kích cầu như trên, ngành du lịch Việt Nam đang hướng đến xu hướng tất yếu là doanh nghiệp phải liên kết với nhau để cùng thực hiện. Vai trò của TCDL chủ yếu mang tính chất định hướng.
(Theo Trung Châu // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com