Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cù lao Thới Sơn (Tiền Giang) : Nhiều người bị ung thư do nước nhiễm thạch tín?

Người dân cù lao Thới Sơn (huyện Châu Thành, Tiền Giang) đang hoang mang vì chỉ trong vài năm, gần 50 người mất vì bệnh ung thư

Theo thống kê mới đây của trạm y tế xã Thới Sơn, từ năm 2003 đến nay, toàn xã có 47 người chết vì căn bệnh ung thư. Đây là một con số bất thường, bởi cù lao Thới Sơn dài 9km, rộng 1km, dân số khoảng 6.000 người, nằm giữa sông Tiền, lâu nay nổi tiếng nhờ loại hình du lịch sông nước miệt vườn.

Hệ thống lọc asen trị giá 300 triệu đồng do sở Khoa học và công nghệ Tiền Giang lắp đặt ở trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn ấp Thới Hoà, xã Thới Sơn. Nhiều người đang nghi ngờ nguồn nước nhiễm asen là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cho cư dân trong xã

Dân lo ngại

Ở ấp Thới Thuận, y sĩ Đỗ Thị Tuyết, tổ trưởng y tế, cho biết dân số trong ấp khoảng 1.300 người, nhưng từ năm 2003 đến nay, đã có 12 người mắc bệnh ung thư, 10 người đã chết. Gần đây nhất là trường hợp của ông Trương Văn Bổn ở tổ 22, bị ung thư gan chết cuối năm 2008. Có trường hợp rất thương tâm, như ông Nguyễn Văn Phát sinh năm 1926 ở tổ 16, đang cầm cự với căn bệnh ung thư môi, vòm họng giai đoạn cuối, trong khi con gái của ông đã chết mấy năm nay cũng vì bệnh ung thư. “Tỷ lệ người chết vì bệnh ung thư cao bất thường, chúng tôi không rõ nguyên nhân vì sao. Chỉ biết là từ năm 1999 đến nay, dân trong ấp sử dụng nguồn nước ngầm của trạm cấp nước Thới Thuận để ăn uống, tắm giặt, trong khi khảo sát của các cơ quan chuyên môn cho thấy, nguồn nước này bị nhiễm thạch tín (asen) cao hơn mức cho phép nhiều lần”, bà Tuyết nói.

Bà Lê Thị Dung ở ấp Thới Thuận, kể từ khi biết nguồn nước ngầm bị nhiễm thạch tín, gia đình bà chuyển sang mua nước đóng bình, hoặc sử dụng nước mưa để nấu ăn, uống. “Nhưng ăn, uống bằng nguồn nước ngầm đã nhiều năm, không biết có bị bệnh gì không”, bà Dung âu lo. Trong khi đó ông Hải ở ấp Thới Hoà, bức xúc: “Nguồn nước nhiễm độc, người khá giả thì có thể mua nước đóng chai sử dụng, còn người nghèo vẫn phải dùng nước ngầm để ăn uống mỗi ngày, không biết chừng nào mang bệnh”.

Ngành chức năng: “chưa nói được gì”!

Ngày 13.7.2009 khi chúng tôi đến trạm y tế xã Thới Sơn tìm hiểu vì sao tỷ lệ mắc bệnh ung thư và chết cao bất thường, bác sĩ Nguyễn Thị Oanh, trưởng trạm, phân trần: “Xin thông cảm, hiện nay lãnh đạo trung tâm y tế dự phòng huyện chỉ đạo không được cung cấp thông tin cho báo chí về vấn đề này”.

Bác sĩ Nguyễn Hùng Vỹ, phó giám đốc sở Y tế Tiền Giang, nói: “Sở Y tế đã biết thông tin này, đang cử lực lượng chuyên môn xuống khảo sát, tìm hiểu, sau đó sẽ có thông tin chính thức. Hiện nay chưa nói được gì”.

Tại UBND xã Thới Sơn, ông Nguyễn Văn Liêm, bí thư đảng uỷ, cho hay chính quyền địa phương mới biết thông tin nhiều người mắc bệnh ung thư. Theo ông Liêm, trên địa bàn xã có hai trạm cấp nước ngầm ở ấp Thới Hoà và Thới Thạnh, phục vụ nước sinh hoạt cho cư dân toàn xã. Tuy nhiên, ông Liêm bác bỏ việc nhiều người mắc bệnh do sử dụng nguồn nước ngầm nhiễm thạch tín từ năm 1999 đến nay, bởi theo ông, “nguồn nước ngầm của xã rất trong lành”. Chúng tôi đặt vấn đề: nếu vậy tại sao từ cuối năm 2008, sở Khoa học và công nghệ Tiền Giang phải lắp đặt hệ thống lọc asen trị giá 300 triệu đồng cho trạm cấp nước ấp Thới Hoà, ông Liêm không trả lời.

Theo ông Nguyễn Văn Hoà, tổ trưởng tổ hợp tác cung cấp nước sạch xã Thới Sơn, mỗi năm UBND xã đều hợp đồng với trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng nước hai lần, lần gần đây nhất cho thấy: hàm lượng asen trong nước ngầm vẫn còn rất cao so với mức cho phép.

Trong khi đó bà Đỗ Thị Tuyết cho rằng, nếu nghi ngờ nhiều người mắc bệnh ung thư do sử dụng nguồn nước ngầm nhiễm asen, các cơ quan hữu trách cần phải có thông tin rộng rãi cho người dân biết để sử dụng nguồn nước khác. “Chúng tôi phải đóng góp 1 triệu đồng/hộ để xây dựng hệ thống nước, hàng tháng phải trả tiền sử dụng nước 1.500đ/m3, nhưng phải xài nước bị nhiễm độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ mà không được ai khuyến cáo gì, thì quả là bất hợp lý”, bà Tuyết nói.


(Theo Bài và ảnh: Hùng Anh/SGTT)

  • Chuyện du lịch dịp hè của dân văn phòng
  • Campuchia muốn đón 1 triệu du khách ASEAN
  • Du lịch chữa bệnh ở Hà Nội chưa được khai thác
  • Ngành du lịch vẫn thu hút các nhà đầu tư
  • Bát nháo DN lữ hành “online”
  • Ngành du lịch đối phó với khó khăn kép
  • 7 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế tới Việt Nam giảm mạnh
  • Du lịch toàn cầu lún sâu vào suy thoái
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com