Phải đến 9 giờ 30, chuyến tàu du lịch đầu tiên tuyến Đà Lạt - Trại Mát mới khởi hành nhưng gần một tiếng đồng hồ trước đó nhiều du khách trong nước và quốc tế đã có mặt ở nhà ga.
Đầu máy xe lửa cổ chạy bằng hơi nước |
Anh Hùng – một du khách đến từ TPHCM say sưa ngắm đầu máy xe lửa cổ chạy bằng hơi nước mang số hiệu 131 – 428 (Nhật Bản sản xuất năm 1936) trên đường ray rồi trầm trồ:
“Cứ ngỡ loại đầu tàu lửa này chỉ có ở bảo tàng hỏa xa hoặc trên sách vở, phim ảnh, nào ngờ lại được nhìn thấy ngay tại ga Đà Lạt”.
Philippe - một du khách người Pháp mải mê chiêm ngưỡng kiến trúc cổ có một không hai của nhà ga Đà Lạt - di tích kiến trúc cấp quốc gia của Việt Nam. Anh tham quan nhiều nước ở Đông Nam Á nhưng chưa thấy nhà ga nào cổ kính và có kiến trúc đẹp như vậy.
Ngã đầu vào vai một nam thanh niên, một nữ du khách nũng nịu: “Tàu chỉ có một toa, đường sắt chỉ một ga nên suốt đời anh chỉ được yêu một người thôi!”. |
Nhà ga do các kiến trúc sư nổi tiếng nguời Pháp thiết kế, được xây dựng hoàn tất vào năm 1938, không giống bất cứ lối kiến trúc của nhà ga nào trên thế giới.
Khối kiến trúc chính của nhà hỏa xa có ba đỉnh chóp tam giác như dãy núi nhấp nhô của Đà Lạt; phía trước nhà ga và dọc theo đường ray có các tiểu công viên với nhiều loài hoa đẹp đua nhau khoe sắc.
Ấn tượng hơn cả là tuyến đường ray Đà Lạt - Tháp Chàm dài 84 km, có năm hầm xuyên qua núi với tổng chiều dài 600m và hai đoạn răng cưa dài chừng 14 km độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Trải hàng trăm lịch sử đường sắt thế giới, chỉ Thụy Sĩ và Việt Nam có đường sắt răng cưa.
Ga Đà Lạt – di tích kiến trúc quốc gia |
Những thập niên đầu của thế kỷ XX, khi xây dựng tuyến đường sắt này, đến đoạn Sông Pha - Eo gió hiểm trở, nguời ta phải thiết kế những bánh răng cưa lắp vào tàu; đường ray cũng được chế tạo kiểu răng thay cho ray trơn để đưa tàu vượt độ cao 1.500m (so với mực nước biển) với đồi núi nhấp nhô.
Trước kia, đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm mỗi ngày chạy ba chuyến, được vận hành bởi 11 đầu máy hơi nước hiệu Fuka của Thụy Sĩ.
Thế nhưng có lúc do chưa nhận thức hết tầm quan trọng của tuyến đường sắt độc đáo này nên ngành chức năng phá bỏ nhiều đoạn đường ray, chỉ còn lại bảy kilômét Đà Lạt - Trại Mát.
Hơn năm năm qua, ga Đà Lạt tận dụng đoạn đường sắt với một ga duy nhất (Trạm Hành) này để khai thác du lịch. Bất ngờ là du khách hưởng ứng rất nhiệt tình, mỗi năm, khách đi tàu để tham quan đều tăng khoảng 30 phần trăm.
Qua cửa sổ toa tàu, du khách thỏa thích nhìn ngắm những đồi thông trập trùng, thung lũng hoa rực rỡ, vườn rau xanh mướt, bầu trời Đà Lạt trong xanh; thảng hoặc, làn sương trắng muốt bao phủ núi đồi, tràn vào toa tàu mang lại cảm giác lãng mạn, thơ mộng ít nơi nào có được.
Lãnh đạo Sở GT – VT Lâm Đồng và nhà ga Đà Lạt cho biết, ngành đang kêu gọi vốn đầu tư (khoảng 5.000 tỷ đồng) để khôi phục toàn bộ tuyến đường sắt độc đáo nối biển và hoa (Tháp Chàm – Đà Lạt) này.
Theo hồi tưởng của ông Nguyễn Kinh, người gác ghi năm xưa nay đã ngoài 80 tuổi, đến đoạn đường sắt răng cưa như vắt ngang qua các dãy núi cao sừng sững bao phủ bởi rừng già thâm u này, mỗi lần tàu xuống dốc, nguời ta phải cho vận hành răng cưa về cả hai phía để vừa kéo đầu tàu vừa níu đuôi tàu để hãm bớt tốc độ.
Những khi trời mưa, đường ray trơn trượt, nhân viên đường sắt phải rải cát nung nóng trên đường ray để tạo thêm lực ma sát cho tàu khỏi trật đường, lao xuống vực.
(Theo báo tiền phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com