Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đâu rồi bản sắc du lịch?

Càng đón nhận nhiều bằng công nhận di sản của các tổ chức quốc tế, miền Trung càng được nhiều doanh nghiệp du lịch nhắm tới. Nhưng kiểu du lịch “tận thu” đang làm cho miền Trung mất đi sức hấp dẫn riêng có. 

Mười lăm năm trở lại đây, với sự công nhận các giá trị văn hóa di sản của các tổ chức quốc tế, sức hút trong lĩnh vực du lịch của khu vực miền Trung càng thêm mạnh mẽ. Những tài nguyên du lịch nơi đây được đánh giá cao nhờ kết hợp những giá trị tự nhiên (núi, biển); con người và đặc tính vùng miền đậm đà.

Hiện tại, gõ từ khóa “du lịch miền Trung” trên Internet, mọi người sẽ ngỡ ngàng với lượng thông tin khổng lồ về những sự kiện, chương trình du lịch được công bố. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn bùng nổ, du lịch miền Trung đã đi vào lối mòn tư duy, hạn hẹp về khả năng phát triển mới, thậm chí - đáng ngại hơn - làm mất đi những nét văn hóa độc đáo.

Thương mại làm lệch hướng khai thác di sản 

Vận dụng tư duy “chuyên nghiệp” không chọn lọc dẫn đến văn hóa du lịch miền Trung phai nhạt

Ông Nguyễn Phước Tương, một nhà nghiên cứu văn hóa Hội An tỏ bày: suốt nhiều năm theo dõi lộ trình bảo vệ di sản phố cổ, nỗi sợ của ông không chỉ ở chỗ người ta làm mới các công trình trăm năm, mà còn cả ở việc đưa những nụ cười, lời chào lạ lẫm, sự đẩy đưa khéo léo (hệ quả của khai thác du lịch) vào những ngôi nhà cổ. Người dân xứ Quảng bộc tuệch hay cãi sẽ không thể trình diễn những nụ cười duyên dáng, yểu điệu trong nhà họ. Giữ được chất thô ráp ấy, Hội An mới là Hội An. Tương tự như thế, chén chè đậu xanh Huế bị đổi qua ly cối, hay “bữa ăn cung đình” mà bày toàn cơm hến, bún hến, thì du khách sẽ nhìn nhận rất sai lạc về văn hóa ẩm thực Cố đô.

Chưa hết. Xi măng đi vào các tháp Chăm, những vũ điệu từ châu Mỹ chen vào Lễ hội văn hóa biển Đà Nẵng… là những hạt sạn khiến nhiều du khách cau mày. Theo tổng giám đốc một công ty du lịch lớn tại Đà Nẵng, những bất cập đó xuất phát từ quan điểm cứng nhắc, hành chính hóa của nhiều cơ quan quản lý du lịch địa phương. Nhiều địa phương có di sản văn hóa đang khăng khăng giữ nguyên xi mọi giá trị “gia bảo” với các dự án duy tu, trùng tu đã được các cấp phê duyệt. Họ ít quan tâm đến những phản hồi từ những cư dân đang sống cùng di sản, khiến cho nhiều công trình giá trị bị biến tướng lúc nào không hay.

Một thực tế buồn khác là hệ thống tour tuyến nào đã được địa phương ủng hộ thì cứ ra sức mời chào du khách mà không quan tâm đến chất lượng. Điều này dẫn đến những cảnh tréo ngoe như chủ nhân các nhà cổ ở Huế đóng cửa khi du khách đến thăm, vì công ty du lịch hợp tác với họ đã “quên trả tiền”; hay nhiều du khách than phiền vì những chuyến xe tour phải phóng nhanh vượt ẩu cho “kịp giờ trả khách” tại điểm tham quan nào đó. Nhiều đơn vị lữ hành đang vận dụng các cơ hội khai thác để kiếm lợi nhuận mà không nghĩ du khách đến miền Trung đang bị “ép tour” với những lịch trình đầy kín, không còn thời gian để chiêm ngưỡng, cảm nhận ấn tượng kiến trúc công trình nhà cổ này hay vẻ đẹp kỳ diệu của vùng danh thắng nọ.

Lễ hội “khát” kịch bản

Một điển hình của du lịch miền Trung được đề cập nhiều suốt thời gian qua là các lễ hội văn hóa. Trong dịp Tết càng thấy rõ điều này. Nối tiếp từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, 10 năm nay các hoạt động du lịch đều khoác chiếc áo lễ hội. Bất cứ động thái mời gọi du khách hay quảng bá du lịch nào cũng được các địa phương gắn với lễ hội, dẫn đến sự nhàm chán. Nhiều du khách đã ngán ngẩm khi không nhìn thấy được sự khác biệt nào giữa lễ hội văn hóa biển Đà Nẵng và Quảng Ngãi, Quảng Nam; những sự kiện nền ở Festival Huế hay ở lễ hội Tây Sơn Bình Định…

Hơn nữa, ngay từ việc định hình các lễ hội, những tỉnh thành miền Trung đang làm theo kiểu “vừa làm vừa phát kiến”. Đơn cử như kiến nghị tổ chức lễ hội văn hóa biển Quảng Ngãi hàng năm trong khi chỉ dựa vào một lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (một lễ hội tri ân những người lính bảo vệ Hoàng Sa được nhân dân huyện đảo Lý Sơn duy trì hàng trăm năm nay) mà thiếu đi khâu đầu tư cơ sở cứ liệu văn hóa dân gian đầy đủ. Vậy nên, các lễ hội càng làm càng đuối. Những tuần lễ văn hóa Hội An mỗi năm tổ chức lại rút ngắn một chút và du khách cũng giảm một phần, từ 1 tuần lễ cách đây 6 năm giờ chỉ còn 3 ngày; hay Festival Huế buổi đầu tiên vào năm 2000 dài 12 ngày đêm có hàng chục đoàn nghệ thuật tham dự, đến năm 2010 chỉ còn 9 ngày với vài đoàn nghệ thuật.

Tìm lại bản sắc?

Năm 2003, khi đưa ra lộ trình phát triển du lịch miền Trung hướng đến năm 2020, bà Võ Thị Thắng, lúc đó là Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã bày tỏ nỗi lo âu trước nguy cơ tài nguyên du lịch miền Trung bị khai thác bừa bãi. Làm sao để bản sắc du lịch miền Trung không bị mai một và pha loãng là câu hỏi lớn với ngành du lịch. Giờ đây, nỗi lo ấy đã thành hiện thực. Trong suy nghĩ của nhiều người, việc vận dụng tư duy “chuyên nghiệp” một cách không chọn lọc vào môi trường du lịch miền Trung chỉ dẫn đến hệ lụy làm văn hóa du lịch miền Trung bị phai nhạt. Điều này tương tự cảm giác ăn bát mì Quảng “nhà làm” trên đường đi Mỹ Sơn (Quảng Nam) khác rất xa với việc ngồi ở “phố mì Quảng” tại Đà Nẵng hay Sài Gòn. Phát huy bản sắc du lịch miền Trung dĩ nhiên không có nghĩa là người làm mì Quảng phải xay bột bằng tay, đun nước bằng than củi…; song sẽ là sai lầm khi áp dụng một dây chuyền công nghiệp để tạo ra những bữa cơm cung đình sực mùi dầu ăn hay các đoàn nhạc công cử nhã nhạc theo giờ trên thuyền rồng sông Hương.

Du lịch miền Trung đang dần bị mai một bản sắc chính từ những cách hiểu và làm như thế. Và nếu không thay đổi cách thức kinh doanh du lịch, sẽ là xót xa lắm khi nghe câu hát da diết: “Đã bao lâu rồi không về miền Trung…”.

(Theo Nguyên Đức // Báo Doanh nhân)

  • Ngành du lịch chưa bị tác động của tỷ giá?
  • Miền Trung - Lãng phí tài nguyên du lịch
  • Mùa du lịch MICE đến sớm
  • Khách quốc tế đến Việt Nam thăm người thân tăng mạnh
  • Phát triển du lịch tàu biển định tuyến tại Việt Nam
  • Thảo luận cách xây dựng thương hiệu du lịch Huế
  • Thừa Thiên-Huế sẽ xã hội hóa tổ chức Lễ tế Xã Tắc
  • Xây dựng thương hiệu quốc gia cho "Biển Việt Nam"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com