Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dọn rác.... cho vịnh Nha Trang

Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) có nhiều giá trị về đa dạng sinh học, kinh tế, văn hoá, cảnh quan, môi trường... Theo các nhà khoa học đánh giá, mỗi km2 vùng nước và đáy của vịnh, mỗi năm tạo ra một giá trị 110.000 USD và được xếp vào bậc nhất về đa dạng sinh học của Việt Nam.

Những năm gần đây, vịnh Nha Trang được nhà nước công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, đồng thời là thành viên của Câu lạc bộ Các vịnh đẹp nhất thế giới. Nhờ các giá trị này mà vịnh Nha Trang có sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước, trở thành “địa chỉ đỏ” về tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu... cho nhiều người. Hàng năm, vịnh Nha Trang đón tiếp hơn 90% lượng du khách khi đặt chân đến tỉnh Khánh Hòa.


Tuy nhiên, thành phố Nha Trang với số dân gần 400 nghìn người, nằm bên bờ vịnh, cùng với lượng du khách không nhỏ có mặt thường xuyên tại đây, nên vịnh đang chịu nhiều tác động tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan. Các hoạt động du lịch, nuôi trồng thuỷ sản, rác thải sinh hoạt từ các khu dân cư trên bờ, ở các đảo... đã và đang tạo nhiều áp lực gay gắt về lượng rác thải hàng ngày đổ trực tiếp xuống vịnh. Chỉ riêng 5.700 chiếc lồng nuôi hải sản thuộc các khu vực: Vũng Ngán, Hòn Một, Bích Đầm và Đầm Bấy với khoảng 600 người trực tiếp trông coi, đã vứt thẳng xuống nước vịnh các loại rác thải, chất thải sinh hoạt, chất thải từ nguồn thức ăn thừa của tôm.... khoảng 9 tấn rác/ ngày. Bên cạnh đó, với khoảng 2.000 dân sinh sống biệt lập trên các đảo, tính sơ sơ mỗi ngày vịnh phải “nạp” thêm một tấn rác. Ngoài ra, vịnh Nha Trang là nơi phải tiếp nhận nước từ hai con sông: sông Cái và sông Tắc, nhất là vào mùa mưa, vô số rác theo sông đổ vào vịnh, trôi nổi khắp nơi. Hàng trăm chiếc tàu, thuyền chở du khách mà hàng ngày rong ruổi trên vịnh, do hầu hết đều không trang bị hệ thống xử lý vệ sinh, nên lượng rác thải từ hoạt động này cũng không phải nhỏ.... Chính vì vậy, nguồn nước trong vịnh đã bị ô nhiễm thấy rõ, rác trôi nổi khắp nơi. Thực tế này đã được Ban quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang (BQL KBTBVNT) trăn trở nhiều năm, để cuối cùng đưa ra giải pháp tạm thời là phải thu gom rác và chuyển vào bờ xử lý. Trước mắt, thu gom rác từ các lồng bè nuôi hải sản và các khu dân cư.


Từ tháng 2/ 2008, được sự đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước, BQL KBTBVNT đã thực hiện thí điểm nhiệm vụ này, bắt đầu từ việc đầu tư trang bị các thiết bị thu gom, vận chuyển rác; tổ chức thuê lực lượng thu gom rác trên các đảo, thuê phương tiện (tàu) vận chuyển rác từ các điểm nói trên vào đất liền để xử lý... Tại mỗi đảo, đều đặt các thùng chứa rác, xây các hầm chứa xử lý rác; trang bị xe đẩy vận chuyển rác và xây dựng các đường dẫn cho xe đẩy lưu thông; thuê hơn 10 lao động có nhiệm vụ thu gom, bốc xếp rác từ đảo và các khu nuôi trồng thuỷ sản ra tàu chuyên chở rác... Chỉ từng ấy việc, nhưng sau một năm triển khai thí điểm phương án này, chi phí thực hiện đã lên đến gần 700 triệu đồng. Tuy nhiên “cái giá” trên đã được cho là quá rẻ khi nó đã gom về tổng số trên 1.200 tấn rác và chuyển vào bờ xử lý. Bình quân mỗi ngày có khoảng 5 tấn rác được thu gom, nhưng đã giảm áp lực ô nhiễm đáng kể trên vùng biển vịnh Nha Trang. Điều quan trọng là ý thức của người dân được nâng cao một bước, khi họ nhận thức ra rằng việc gây ra ô nhiễm nguồn nước bởi chất thải trực tiếp của họ đã ảnh hưởng xấu đến môi trường nuôi trồng thuỷ sản của chính họ.

Còn tại các đảo, trước kia khi chưa thực hiện phương án này, mỗi đảo có khác nào một bãi rác, thì nay các điểm công cộng trên đảo, trước các bãi biển, bến thuyền, lối đi chung đã không còn tình trạng rác bị vứt bừa bãi. Đảo đã sạch và đẹp hơn, khiến không ít du khách có “nhã ý” lên trên đảo mục sở thị cảnh đẹp và cuộc sống của dân cư bản địa. Từ đó, thói quen tự đưa rác thải từ gia đình ra các điểm tập kết rác của người dân đã hình thành.


Từ hiệu quả nói trên, cuối tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định phê duyệt phương án thu gom, vận chuyển rác trên vịnh Nha Trang, dựa trên cách làm thí điểm trong một năm qua. Theo BQL KBTBVNT, việc thu gom rác trên vịnh Nha Trang vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Đó là vẫn chưa có được phương tiện chuyên dùng để thu gom lượng rác trôi nổi trên vịnh; số tàu thuyền chở du khách vẫn “hồn nhiên” thải rác sinh hoạt trực tiếp xuống nước, vì vẫn chưa có chế tài bắt buộc chủ tàu phải trang bị công trình vệ sinh xử lý bằng công nghệ vi sinh trên mỗi tàu để xử lý chất thải từ người. Thời gian gần đây, khi tàu chở rác cập bến để đưa rác lên bờ, từ cảng du lịch Cầu Đá, đến cảng cá Hòn Rớ, đã lần lượt “từ chối” vì người ta ngại mùi xú uế của rác thải ảnh hưởng đến môi trường hoạt động của họ, trong khi đó chưa có cảng riêng biệt để bốc dỡ số rác thải này...


Để Nha Trang trở nên luôn xanh- sạch- đẹp trong lòng mỗi du khách khi đến đây, việc thu gom rác thải trên vịnh không nên xem là “chuyện nhỏ”, cần duy trì hàng ngày và mở rộng thêm bằng nhiều biện pháp. Việc này giống như chuyện quét nhà, dọn ngõ ở mỗi gia đình vậy./.

(Theo báo xây dựng)

  • Ngành du lịch Hải Phòng: DN đơn độc
  • Hội thi pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng: Cơ hội cho DN lữ hành “vượt khó”
  • “Ấn tượng với tầm nhìn của VNA !”
  • Shanghai airlines khai trương đường bay trực tiếp Hà Nội – Thượng Hải
  • Ra mắt tuyến phà biển Tuần Châu - Cát Bà
  • Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2009: Ấn tượng và hoành tráng
  • Việt Nam có cơ hội hút khách du lịch Australia
  • PHỤC VỤ CUỘC THI BẮN PHÁO HOA QUỐC TẾ ĐÀ NẴNG 2009, CÔNG TY LỮ HÀNH VITOURS Nỗ lực mời gọi du khách
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com