Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Du lịch biển Việt Nam: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Vịnh Hạ Long - một trong những cảnh đẹp của Việt Nam.

Liên hoan du lịch biển Việt Nam 2009 tại Pháp vừa khép lại. Dù lần đầu tiên tổ chức nhưng liên hoan đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các công ty du lịch và người dân Pháp đến với những bãi biển đẹp của nước ta. Nhưng đáng tiếc, tiềm năng du lịch biển Việt Nam đang phải đối mặt với không ít rào cản.

 

Bờ biển dài trên 3.200km với 125 bãi biển đáng chú ý cùng hàng ngàn đảo lớn nhỏ là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch biển ở nước ta. Mặt khác, Việt Nam có nhiều vịnh biển được thế giới biết đến như Đà Nẵng được tạp chí Forbes (Mỹ) bầu chọn là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Một tin vui nữa: hôm qua, 15-5, ông Nguyễn Quốc Thành - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Thừa Thiên Huế thông báo, vịnh biển Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) đã chính thức lọt vào danh sách các vịnh biển đẹp nhất thế giới. Đây là vịnh biển thứ 3 của Việt Nam sau vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và biển Nha Trang (Khánh Hòa) được CLB các vịnh đẹp nhất thế giới (Worldbays) vinh danh. Tuy nhiên, nhiều du khách nước ngoài cho rằng, Việt Nam có tiềm năng để xây dựng thương hiệu quốc tế cho những bãi biển của mình, nhưng chúng ta chưa biết cách biến điều đó thành hiện thực.

 

Vấn đề cản trở sức hấp dẫn của du lịch biển Việt Nam, theo một chuyên gia của Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) chính là ở chỗ dịch vụ vui chơi giải trí ở các khu du lịch biển còn quá ít ỏi và nghèo nàn. Các loại hình dịch vụ tại các điểm du lịch biển thường tăng giá vào giai đoạn cao điểm của mùa du lịch. Du lịch biển Việt Nam đang phát triển theo hướng manh mún, mạnh ai nấy làm, đúng hơn là chưa có "nhạc trưởng" để xây dựng chiến lược dài hơi.

 

Một trong số yếu tố gây cản trở sự phát triển du lịch biển Việt Nam là vấn đề ô nhiễm môi trường. Bức tranh du lịch biển trong những năm qua đã khởi sắc, tuy nhiên, "điểm mặt" các bãi tắm, thắng cảnh biển nổi tiếng ở nước ta như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đồ Sơn (Hải Phòng), Bãi Cháy (Quảng Ninh), Cửa Lò (Nghệ An)… thì công tác vệ sinh môi trường dường như bị bỏ quên. Sự thiếu ý thức của một số khách du lịch và việc xử lý nước thải, rác thải tại các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn trên bờ biển đã gây ảnh hưởng tệ hại đến môi trường.

 

Giá cả dịch vụ cũng là điều khiến du khách phiền lòng. Anh Nguyễn Huy Hoàng, nhân viên Công ty Điện tử Stanley nhận xét rằng, giá dịch vụ du lịch, đặc biệt với du lịch biển như hiện nay là quá cao. Giá phòng ngủ, ăn uống, chụp ảnh, hàng lưu niệm… tại các khu du lịch biển vào dịp nghỉ lễ 30-4 vừa qua đều tăng từ 30 đến 40% so với bình thường. Hiện tượng chèo kéo khách, ăn xin, móc túi vẫn diễn ra tại nhiều bãi tắm.

 

Các công ty du lịch dường như chỉ chú trọng lợi nhuận, không mấy quan tâm đến việc giữ gìn và quảng bá hình ảnh du lịch nước nhà. Đây là khiếm khuyết trong chiến dịch quảng bá du lịch của Việt Nam. Trong tương lai, nếu không đưa ra chiến lược phát triển du lịch biển bền vững thì vẻ đẹp thiên phú của biển Việt Nam sẽ bị lãng phí và chưa thể đủ sức thu hút du khách.

(Theo Thu Trang // Hanoimoi Online)

  • 38 hãng lữ hành Thái Lan khảo sát du lịch VN
  • Giải bài toán môi trường trong ngành du lịch: Xây dựng “khách sạn xanh”
  • Đà Nẵng: Có thể “cháy” khách sạn ven biển
  • Ngành du lịch Thái Lan “lâm nguy”
  • Thông qua quy hoạch chi tiết 1/2000 khu lễ hội danh thắng Ngũ Hành Sơn
  • Điều chỉnh quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu hành chính
  • Saigontourist tăng khách tàu biển từ châu Âu
  • Từ 15-5 đến 30-9: Khách quốc tế vào Việt Nam được miễn phí thị thực
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com