Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Du lịch ĐBSCL: Tâm lý tiểu nông!

Du khách Nhật trong một tour bắt cá đồng ở ĐBSCL. - tinkinhte.com
Du khách Nhật trong một tour bắt cá đồng ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Toàn.

Tại Hội thảo “Phát triển du lịch bền vững vùng ĐBSCL” tổ chức hồi cuối tuần rồi tại Cần Thơ, khi nhận xét về thực trạng kinh doanh du lịch ở ĐBSCL, một cán bộ thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã nói, các địa phương đang khai thác du lịch với tư duy tiểu nông. Từ nhiều năm qua, dù có không ít ý kiến đóng góp, nhưng các tỉnh, thành vẫn khai thác du lịch theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Sản phẩm du lịch của các địa phương ở ĐBSCL hiện nay không khác nhau là mấy, ở đâu du khách cũng được đưa đi tham quan vườn trái cây, chèo xuồng, nghe đờn ca tài tử, thưởng thức ẩm thực đồng quê…

Còn nhớ, hồi năm 2004, Công ty Du lịch tỉnh Tiền Giang đưa ra loại hình du lịch tát mương bắt cá thì  chỉ chưa đầy một tuần lễ sau, hầu như các công ty khác cũng đều đồng loạt bổ sung tour này vào chương trình. Do đó, nhiều công ty kinh doanh du lịch đã tỏ ra chán nản, không muốn đầu tư sáng tạo bởi khó tránh tình trạng sao chép.

Chính sự trùng lặp cũng là nguyên nhân dẫn đến những hình thức cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp như phá giá, giảm chất lượng dịch vụ... Chẳng hạn, giá tour “Du thuyền trên sông Mêkông” của Công ty Du lịch Hàm Luông (Bến Tre) cho thấy trong 4 giờ ngồi ghe và ghé tham quan nhiều điểm du lịch ở Bến Tre, du khách chỉ phải trả 179.000 đồng cho hai người, và 67.000 đồng nếu đi chung đoàn trên 11 người!

“Giá cả như vậy thì quá thiệt và hạ thấp giá trị nguồn tài nguyên du lịch. Tuy vậy, du khách cũng không muốn trở lại vì chỉ đi một lần là đã “khám phá” được hết Mêkông”, Tiến sĩ Đinh Văn Hạnh, cán bộ Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại TPHCM, nhận định.

Đó là điều dễ hiểu, khi đọc những số liệu tổng hợp từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: năm 2008, tỷ trọng khách đến vùng ĐBSCL chỉ chiếm 8% cả nước, thấp nhất so với các vùng, miền. Bình quân, một du khách quốc tế đến ĐBSCL chỉ lưu trú một ngày, còn khách trong nước lưu trú lâu hơn cũng chỉ… một hay hai ngày. Do đó, thu nhập từ du lịch của vùng này chỉ chiếm 2,75% thu nhập từ du lịch của cả nước.

Theo thống kê sơ bộ, chỉ gần một nửa trong số khoảng 250.000 lao động trong ngành du lịch vùng ĐBSCL được đào tạo sơ bộ, và phần lớn chỉ qua các khóa học cấp tốc khoảng một tháng. Số nhân lực có trình độ đại học và trên đại học chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số lao động đã qua đào tạo, nhưng chủ yếu lại chuyên về ngoại ngữ, khoa học xã hội và tự nhiên!

Tổng cục Du lịch không thể đứng ngoài cuộc trong vấn đề phát triển du lịch ĐBSCL. Cần phải có một quy hoạch và quản lý tốt, cộng thêm những chính sách ưu đãi, sao cho mỗi tỉnh, thành phải xác định thế mạnh của riêng mình để đầu tư và tránh trùng lắp.

Tuy nhiên, không thể vì thế mà “đổ” cho nguyên nhân nguồn nhân lực du lịch của ĐBSCL chưa đáp ứng được nhu cầu, nên thiếu những ý tưởng đột phá.

Bởi như Năm du lịch Quốc gia Mêkông - Cần Thơ năm 2008, đã từng có ý tưởng về một con đường lữ hành kết nối các lễ hội tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Theo đó, du khách từ TPHCM sẽ ghé Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp rồi An Giang. Sau đó, từ An Giang du khách tiếp tục qua Cần Thơ, Sóc Trăng… với những dịch vụ, chương trình tham quan khác nhau.

Chỉ riêng với lượng 4 triệu du khách hàng năm đến An Giang tham dự các lễ hội đã có thể giúp hình thành các dịch vụ suốt tuyến và các địa phương cùng được hưởng lợi. Thế nhưng, theo đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang, trong khi các đơn vị lữ hành ở TPHCM đã vào cuộc, bắt đầu tổ chức tour, thì các tỉnh ĐBSCL, kể cả An Giang lại đứng ngoài. Đã có ý kiến cho rằng đây là ý tưởng hay, nhưng do phải đầu tư tốn kém, lợi nhuận thì chia năm, xẻ bảy nên không ai muốn hợp tác.

“Cái yếu nhất ở đây là tầm vĩ mô, hoạch định chính sách, quy hoạch phát triển du lịch”, một đại biểu tham dự hội thảo nói trên nhận xét. “Ngoài ra, còn do sự thiếu quyết tâm và “ghen ăn tức ở” giữa các địa phương với nhau”.

Theo một số đại biểu, Tổng cục Du lịch không thể đứng ngoài cuộc trong vấn đề phát triển du lịch ĐBSCL. Cần phải có một quy hoạch và quản lý tốt, cộng thêm những chính sách ưu đãi, sao cho mỗi tỉnh, thành phải xác định thế mạnh của riêng mình để đầu tư và tránh trùng lắp.

Chẳng hạn các tỉnh ở phía tả ngạn sông Tiền (gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp) chỉ nên chú tâm khai thác các tour tham quan di tích văn hóa - lịch sử, cuộc sống đời thường của người dân trên các cù lao, làng nghề, các vùng đất ngập nước… Còn các tỉnh ở hữu ngạn sông Tiền và sông Hậu (gồm Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) thì nên khai thác các tour tham quan, mua sắm, ẩm thực, chợ nổi… Trong khi đó, cụm An Giang, Kiên Giang sẽ khi thác thế mạnh biển, đảo, đồi núi và khai thác du lịch liên tuyến Campuchia, Thái Lan…

(Theo Hồ Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Giao lưu, quảng bá du lịch Việt Nam tại Pháp
  • 'Siêu' máy bay thương mại Dreamliner cất cánh
  • Khách quốc tế đến TPHCM giảm 200.000 lượt năm 2009
  • Khai thác thế mạnh du lịch sông nước Cần Thơ
  • Đón Noel và năm mới - Tour “ngoại” ăn hớt
  • Du lịch Cù Lao Chàm: Chưa mừng đã lo
  • Nhìn lại du lịch Đà Nẵng...
  • Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, tại sao không?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com