Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Du lịch đường bộ: Cần cơ chế thông thoáng hơn



Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, thường xuyên
đón khách du lịch đường bộ trên tuyến
đường Hành lang kinh tế Đông Tây.
 – Những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông, mở rộng các cửa khẩu quốc tế đường bộ để thu hút nguồn khách du lịch tiềm năng này. Phát triển du lịch đường bộ vào Việt Nam vẫn còn hạn chế do cơ chế, chính sách; thủ tục còn rườm rà, chưa thực sự “rộng cửa”, chưa tạo được điều kiện thuận lợi.

Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài hơn 4.500 km và khoảng 100 cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và phụ. Đây là lợi thế để phát triển du lịch đường bộ, tạo điều kiện hội nhập và phát triển du lịch cùng với khu vực ASEAN và thế giới.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch đường hàng không, biển... thì thời gian gần đây, du lịch đường bộ đang dần sôi động, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, cuộc diễu hành ô-tô “Carrally India-ASEAN” cuối năm 2004 với hơn 60 xe ô-tô cùng 250 thành viên của 11 quốc gia đi chặng đường 10 nghìn ki-lô-mét qua chín nước đã tác động cho sự bùng nổ của loại hình du lịch bằng xe ô-tô tự lái. Nhờ vậy, chỉ trong vòng ba năm (2006, 2007, 2008) các doanh nghiệp lữ hành đã tổ chức gần 200 đoàn ca-ra-van hơn 3.500 xe các loại với khoảng 11 nghìn lượt khách. Hoạt động du lịch ca-ra-van đã thúc đẩy các loại hình du lịch đường bộ khác, thu hút mỗi năm từ 60 nghìn đến 90 nghìn lượt khách qua các cửa khẩu miền trung.

Theo thống kê, năm 2007, các Công ty lữ hành khu vực miền trung đón hơn 100 nghìn lượt khách Thái lan, tuy nhiên năm 2008 và những tháng đầu năm nay, do suy giảm kinh tế, dịch cúm A/H1N1.., làm cho tình hình khách du lịch giảm đáng kể. Trong Hội thảo Quốc tế phát triển du lịch đường bộ Việt Nam vừa được Tổng cục Du lịch tổ chức tại TP Đà Nẵng, đại diện các nước, Công ty Lữ hành đã cùng nhau để tìm ra những giải pháp đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch đường bộ này.

Ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết: Hội nghị này đã bàn bạc rất nhiều nội dung thiết thực đẩy mạnh khả năng khai thác khách du lịch đến với miền Trung qua các tuyến du lịch đường bộ. Rất nhiều khó khăn đã được đưa ra bàn bạc và giải quyết, đó là xe Việt Nam phải được qua Lào đón khách, giải quyết các thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, giảm và tiến tới bỏ hẳn các loại phí cửa khẩu đối với khách du lịch. Bên cạnh đó, các công ty lữ hành cũng đã định hướng các sản phẩm du lịch của mình…

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường bộ chủ yếu qua 18 cửa khẩu quốc tế, rồi theo các quốc lộ đến các điểm du lịch. Các tuyến đường có lưu lượng lớn khách quốc tế qua lại là: Quốc lộ 1, QL 9, QL 12, QL 18, QL 22… Đặc biệt, tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây đã, đang đóng vai trò quan trọng phát triển du lịch đường bộ đi qua bốn nước Việt Nam-Lào-Thái lan và Myanmar. Hiện cầu Hữu Nghị III nối tỉnh Nakhon Phanom (Thái-lan) với tỉnh Khăm Muộn (Lào) đang được xây dựng, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng thì lượng khách vào Việt Nam bằng đường bộ sẽ tăng cao.

Cùng với Hành lang kinh tế Đông Tây, du lịch ca-ra-van... ngày càng thu hút khách du lịch các nước tiểu vùng sông Mê-Kông. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chất lượng hạ tầng các tuyến đường bộ còn hạn chế, hệ thống biển báo chưa được chỉ dẫn bằng ngôn ngữ hai nước. Đặc biệt là việc vẫn chưa có hệ thống trạm dừng nghỉ đường bộ ở Việt Nam. Năm 2006, Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) giúp Việt Nam nghiên cứu quy hoạch tổng thể trạm dừng nghỉ đường bộ, trong đó xây dựng ba điểm ở Bắc Giang, Ninh Bình (QL1) và Hoà Bình (QL6). Đến nay, dọc các tuyến quốc lộ chính của Việt Nam đã xuất hiện nhiều trạm dừng nghỉ, quán ăn… nhưng chủ yếu là tư nhân, làm tự phát, chất lượng không cao.


Xe chở khách du lịch Lào chờ làm thủ tục tại cửa khẩu Lao Bảo.
Về vấn đề trạm dừng, nghỉ, bà Phạm Thị Khu, Cục đường bộ Việt Nam đánh giá: Các cơ sở này đã cung cấp một số dịch vụ cần thiết như ăn uống, nghỉ ngơi hoặc mua sắm các sản phẩm, các cơ sở dịch vụ này cơ sở vật chất chưa đầy đủ, không hiện đại, cụ thể như diện tích đỗ xe nhỏ, nhà vệ sinh chưa sạch sẽ, không có dịch vụ vệ sinh cho người khuyết tật hoặc chưa có phòng cung cấp thông tin, chất lượng phục vụ chưa cao như an toàn vệ sinh thực phẩm, vẫn có sự thoả thuận giữa nhà hàng và lái xe...
Rõ ràng, để phát triển mạnh du lịch đường bộ qua bốn nước Việt Nam - Lào - Thái-lan và Myanmar thì Chính phủ các nước, lãnh đạo các địa phương cần nhìn nhận, đánh giá cũng như có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, chất lượng dịch vụ trên các tuyến quốc lộ cũng như tạo cơ chế thông thoáng, nhanh gọn về thủ tục xuất nhập cảnh.

Theo các chuyên gia du lịch, để khai thông du lịch bằng đường bộ qua bốn nước, trước hết vấn đề thủ tục tại cửa khẩu phải thông thoáng, nhanh gọn. Các hãng lữ hành cũng như ngành du lịch ở mỗi quốc gia cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hơn; xe nước này phải được đi lại, đón khách ở nước khác…

Hiện nay, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tiêu chuẩn hoá cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, sự gắn kết chặt chẽ giữa các quốc gia để thúc đẩy công tác xúc tiến, quảng bá tạo ra những sản phẩm du lịch đường bộ xuyên quốc gia.

Ông Pichai Raktashinha, Giám đốc văn phòng Cơ quan Du lịch Thái lan tại TP Hồ Chí Minh cho hay: Chúng ta nên hình thành lực lượng hành động chuyên biệt cho các hoạt động quảng bá để người dân và du khách các nước hiểu về nền văn hoá của nhau nhiều hơn. Các nước chúng ta nên tổ chức nhiều diễn đàn để trao đổi, bàn bạc tìm ra cách thức phối hợp hiệu quả, đặc biệt là điều tra những tuyến đường tiềm năm để hội nhập với các tuyến du lịch đường bộ sẵn có hiện nay. Về phía Thái lan, chúng tôi sẽ cố gắng để xây dựng nhiều sản phẩm du lịch trong đó có điểm đến là Việt Nam và các nước khác trong khu vực.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch nói: Để du lịch đường bộ Việt Nam phát triển cần tập trung mấy vấn đề sau: Một là phát triển đồng bộ và nâng cấp hạ tầng cơ sở, cũng như các điểm dừng chân; thứ hai là ban hành và thể chế hoá các chính sách thuận lợi, thu hút và tạo điều kiện phát triển du lịch đường bộ; thứ ba cần nâng cấp và phát triển sản phẩm du lịch phục vụ các tour du lịch đường bộ…

Trong những sản phẩm du lịch thì du lịch đường bộ luôn đóng vai trò quan trọng, là phần không thể thiếu đối với mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển du lịch. Vì vậy, để tuyến du lịch đường bộ qua các quốc gia như: Việt Nam - Thái-lan - Lào - Myanmar và Campuchia… cần có sự hợp tác chặt chẽ, cơ chế chính sách thông thoáng, cơ sở hạ tầng giao thông đảm bảo chất lượng. Để có được điều này cần phải có sự chung tay của lãnh đạo các quốc gia, ngành chức năng cũng như sự góp sức của các Công ty lữ hành để đẩy mạnh hoạt động liên kết, tạo ra những tour du lịch đường bộ xuyên quốc gia thực sự hấp dẫn, thu hút du khách

(Theo Nguyễn Long Thành // Báo Nhân dân điện tử)

  • Phần lớn du khách hài lòng khi tham quan phố cổ Hội An
  • Khách Trung Quốc tìm thông tin du lịch qua internet nhiều nhất
  • Thưởng ngoạn Thung Nai mùa nước cạn
  • Du lịch nước ngoài vẫn làm ăn được
  • Hội An: Phát triển dịch vụ may áo cho “Tây”
  • Du lịch cắm trại hấp dẫn ở xứ sương mù
  • Phát triển du lịch đường bộ: Lợi thế của miền Trung
  • Hai công ty Mỹ "đổ" hơn 4 tỷ vào du lịch Quảng Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com