Bộ VH-TT&DL; Tổng cục Du lịch Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo quốc tế Phát triển du lịch đường bộ Việt Nam (ngày 7-8 tại Đà Nẵng) nhằm đánh giá tiềm năng, thực trạng của du lịch đường bộ; tìm kiếm giải pháp để phát triển loại hình này. Từ hội thảo, lợi thế và những khó khăn trong phát triển du lịch đường bộ Việt Nam nói chung, của miền Trung nói riêng được phác họa khá rõ nét…
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch đường bộ. Hệ thống hạ tầng đã được cải thiện một bước và kết nối giữa các địa phương, các tuyến điểm du lịch và với các nước láng giềng trong khu vực. Đến nay, Việt Nam có hơn 200 nghìn km đường bộ, trong đó quốc lộ chiếm 5,74%. Giai đoạn 2004-2008, lượng khách qua đường bộ luôn chiếm hơn 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2008, có hơn 813 nghìn lượt. Gần đây, lượng khách du lịch đường bộ đến Việt Nam từ các nước ASEAN qua các cửa khẩu đường bộ nối với Lào và Campuchia tăng trưởng cao.
Đại diện các cơ quan du lịch quốc gia của Thái Lan, Lào, Campuchia và các bộ, ngành tham gia hội thảo đều cho rằng nhận thức, quan điểm của Việt Nam và các nước láng giềng về hợp tác phát triển du lịch đường bộ đã đạt được sự đồng thuận, từng bước tháo gỡ những rào cản. Xu hướng liên kết phát triển du lịch đường bộ ngày càng được coi trọng và mở rộng. Hệ thống sản phẩm du lịch và điểm đến tại Việt Nam trong 10 năm gần đây đã được đầu tư và đang được quảng bá rộng rãi hơn.
Lợi thế của miền Trung
Đối với loại hình caravan, các công ty lữ hành Việt Nam đã xây dựng chương trình du lịch cho khách từ Nghệ An đến Lâm Đồng, Nha Trang, trong đó các tour con đường di sản miền Trung, con đường xanh Tây Nguyên, đường mòn Hồ Chí Minh và các tour nghỉ dưỡng ven biển miền Trung đang được khách du lịch đường bộ đặc biệt ưa chuộng.
Trong 6 tháng đầu năm 2009, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã đón 7.850.969 lượt khách. Trong đó, số lượng khách du lịch, doanh thu du lịch của một số tỉnh, thành miền Trung đã đạt được những kết quả khả quan như: Quảng Nam đón gần 1,1 triệu lượt khách, đạt 106% so với năm 2008, trong đó gần 50% là khách nội địa, doanh thu du lịch đạt 420 tỷ đồng. Nghệ An đón 994.595 lượt khách, trong đó chiếm phần lớn là khách nội địa. Đà Nẵng đón 603.214 lượt khách, doanh thu 345,3 tỷ đồng... |
Các địa phương cụm miền Trung đã tích cực áp dụng nhiều biện pháp để thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách nội địa, khách đường bộ, khách từ các thị trường gần. Những “điểm đến” du lịch của miền Trung như Quảng Bình; Huế - Đà Nẵng -Quảng Nam; Nha Trang - Ninh Chữ - Phan Thiết - Đà Lạt là những địa bàn diễn ra các hoạt động du lịch sôi nổi.
Các tỉnh miền Trung cũng quan tâm nhiều đến công tác tuyên truyền, quảng bá. Điển hình như Quảng Nam đã thành lập trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu các di sản văn hóa phi vật thể và trung tâm thông tin du khách tại Hội An. TP Đà Nẵng tập trung khai thác và xúc tiến quảng bá thị trường nội địa, thị trường gần như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản… Thừa Thiên -Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam -Nghệ An đã có sáng kiến liên kết trong quảng bá điểm đến. Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế,… chủ động phối hợp với Vietnam Airline triển khai các hoạt động xúc tiến nhằm mở đường bay thẳng Hồng Kông-Đà Nẵng,… Cùng với các biện pháp kích cầu du lịch thông qua chương trình “Ấn tượng Việt Nam”, các hoạt động trên đã đem lại hình ảnh năng động cho du lịch miền Trung.
Đoàn caravan Hồng Kông đến Hội An vào dịp Tết 2009. |
Rõ ràng, miền Trung có rất nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch đường bộ, nhờ nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Hành lang này có vai trò quan trọng để giao lưu phát triển kinh tế và du lịch đường bộ dọc tuyến EWEC giữa 4 quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam.
Khó khăn, thách thức
Bất cập về cơ sở hạ tầng, thiếu hụt cơ sở dịch vụ đạt chuẩn là những vấn đề chính khiến du lịch đường bộ chưa phát triển xứng tầm.
Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, thì cơ sở hạ tầng giao thông qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ còn tồn tại một số vấn đề nổi cộm như: chưa có đường cao tốc trên toàn bộ các tuyến quốc lộ dẫn đến các cửa khẩu quốc tế, đường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao chiếm tỷ lệ thấp. Ở một số vùng còn nhiều tuyến chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Các dịch vụ trên tuyến như trạm nghỉ, cung cấp xăng, bảo dưỡng sửa chữa chưa đồng bộ. Hành lang bảo vệ an toàn giao thông chưa đảm bảo đúng quy định, bị lấn chiếm,…
Thiếu trầm trọng các trạm dừng nghỉ đạt chuẩn cũng là một trong những hạn chế lớn để phát triển du lịch đường bộ. Theo bà Phạm Thị Khu, Cục Đường bộ Việt Nam, thì cả nước chỉ mới có 3 trạm dừng nghỉ đường bộ thí điểm tại Bắc Giang, Ninh Bình và Hòa Bình của dự án quy hoạch các trạm dừng nghỉ trên một số quốc lộ chính. Ngoài ra còn một số trạm nghỉ do các nhà hàng, trạm xăng xây dựng. Tuy nhiên các cơ sở này chủ yếu do tư nhân tự phát xây dựng, không có quy hoạch, chất lượng dịch vụ chưa cao. Theo bà Khu, điều làm du khách đường bộ “sợ” nhất khi đến Việt Nam là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và thiếu các trạm dừng nghỉ.
Đoàn caravan trên đường về Đà Nẵng. |
Sự liên kết quốc tế và những giải pháp, chính sách giữa các quốc gia trong khu vực còn chưa tương thích, chưa thực sự thông thoáng. Ông Nguyễn Thành Vượng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường, cho rằng: Chúng ta vẫn nói nhiều về sự hợp tác giữa các quốc gia, có đầy đủ chính sách thông thoáng để phát triển du lịch đường bộ, nhưng về cơ bản vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm. Ngay cả ở những cửa khẩu, một vấn đề nhỏ như không thống nhất về giờ giấc làm việc cũng dễ gây phiền hà, trở ngại cho du khách.
Đồng giám đốc dự án Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, ông Jozef Van Doorn, cho rằng những cán bộ ở các cửa khẩu, các hướng dẫn viên du lịch, nhân viên lễ tân,… sẽ là những người tiếp xúc và trả lời những câu hỏi của du khách đến Việt Nam chứ không phải là những quan chức đầu ngành cao cấp. Chính vì thế, việc quan tâm đào tạo năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách du lịch ở các địa phương để tạo nguồn nhân lực về giảng dạy, đào tạo lại cho nhân lực làm du lịch làyêu cầu rất quan trọng. Hiện nay, hệ thống giáo dục nhân lực du lịch ở Việt Nam vẫn còn hạn chế về con người, phương tiện và nặng về lý thuyết.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Để du lịch đường bộ Việt Nam phát triển tương xứng với điều kiện, cần tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản sau: - Sớm hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định quy định việc người nước ngoài mang phương tiện đường bộ Việt Nam du lịch. Làm việc với các ngành chức năng để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch làm các thủ tục xuất nhập cảnh và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp visa tại cửa khẩu đường bộ... - Ủng hộ sáng kiến của các địa phương trong việc hợp tác với các tỉnh bạn. Tăng cường liên kết với Lào, Thái Lan, Campuchia để xây dựng chương trình “4 nước 1 điểm đến” cho du lịch caravan, tiến tới mở rộng liên kết du lịch đường bộ sang Malaysia, Singapore, Myanmar. Xây dựng kế hoạch hợp tác với cơ quan du lịch quốc gia Thái Lan với nội dung mỗi năm trao đổi 1 triệu lượt khách giữa hai nước. - Tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị và nghiên cứu thị trường khách quốc tế đường bộ; Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch. |
Sự liên kết phát triển du lịch đường bộ giữa các quốc gia Việt Nam - Lào - Thái Lan hiện đứng trước một số khó khăn cơ bản như: Chưa có khung pháp lý cụ thể thể hiện sự hợp tác giữa các nước về phát triển du lịch đường bộ khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ở các cửa khẩu còn hạn chế. Năng lực quản lý và nghiệp vụ đội ngũ tham gia phát triển du lịch đường bộ còn yếu kém.
Ở cấp độ vĩ mô, còn thiếu chính sách, văn bản quy phạm pháp luật. Cần điều chỉnh những vấn đề đặt ra như: quản lý phương tiện cơ giới của khách du lịch quốc tế vào Việt Nam; thủ tục cho phương tiện và khách du lịch qua cửa khẩu cần được cải tiến để thuận lợi, thông thoáng hơn.
Liên kết để phát triển
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Cục Du lịch quốc gia Lào, ông Khom Douangchantha, cho rằng một trong những biện pháp để phát triển du lịch đường bộ trong thời gian đến là phải có sự liên kết, phối hợp giữa các chính phủ, ngành hữu quan để thủ tục qua lại dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan du lịch, doanh nghiệp cũng nên liên kết, hỗ trợ cùng nhau xây dựng, quảng bá và phát triển các sản phẩm du lịch đường bộ kết nối các quốc gia.
Ông Piachai Raktashinha, Giám đốc văn phòng Ủy ban Du lịch Thái Lan TAT tại TP. Hồ Chí Minh, đưa ra những đề xuất quan trọng để đẩy xa hơn nữa khung hợp tác giữa hai quốc gia. Chẳng hạn như khuyến khích các bên tham gia vào các tổ chức như Tổ chức Du lịch quốc gia, quốc tế; Hội Liên hiệp Kinh tế và xã hội châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP); PATA; JICA,…
“Vai trò của sự liên kết rất quan trọng trong phát triển du lịch đường bộ” - ông Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, nhấn mạnh. Cần quan tâm đến sự liên kết về mặt quốc tế trong khu vực ASEAN để thúc đẩy du lịch giữa các nước. Liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, các cụm. Liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau. Lợi thế của sự liên kết này là sẽ thúc đẩy giao lưu trong nội bộ doanh nghiệp. Xây dựng những sản phẩm, những tuyến du lịch chung và quảng bá chung đến du khách về những sản phẩm du lịch đường bộ.
(Theo KHÁNH THỦY // Báo Quảng Nam )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com