Các điểm, tour tuyến du lịch mới được tung ra nhưng chưa đủ độ hấp dẫn kéo khách nội địa. Trong khi đó, nếu chọn điểm đến quen thuộc, du khách dễ bị chặt chém do tình trạng quá tải.
Khách không đông nhưng đã có hiện tượng giữ phòng, tạo khan hiếm ảo để đẩy giá lên cao tại một số điểm du lịch.
Con người với phong cách phục vụ chuyên nghiệp và thân thiện là yếu tố cần đầu tư để tránh việc khách đến một lần rồi đi không quay lại. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Điểm đến mới: chỉ hỏi, ít mua
Một số đơn vị lữ hành cho hay, họ đã giới thiệu các điểm đến mới khá hấp dẫn như Côn Đảo, Phú Yên… mà tránh được cảnh đông đúc, chen lấn khi đi du lịch dịp 30.4 – 1.5. Song, hầu hết khách chỉ nghe chứ ít mua.
Tại Côn Đảo, ngoại trừ một số ít công ty du lịch có khách đông, thì khách đăng ký vẫn rất hiếm hoi. Lý do, theo ông Phan Văn Vinh, trưởng phòng kinh doanh vé lẻ nội địa công ty du lịch Thanh niên xung phong (YTC), là do các chuyến bay ra Côn Đảo ít (một chuyến/ngày, với hơn 60 chỗ) trong khi Phú Quốc có tới năm chuyến/ngày. Đi tàu thì chậm trễ, 10 – 12 tiếng mới tới nơi, rất mất thời gian.
Ngay cả Fiditour, ông Nguyễn Ngọc An, trưởng phòng du lịch nội địa, cũng than phiền “năng lực tiếp nhận khách ở Côn Đảo hạn chế”. Toàn đảo chỉ có hai khách sạn lớn là Sài Gòn – Côn Đảo có chưa tới 100 phòng, Côn Đảo resort 50 – 60 phòng... còn đa số quy mô nhỏ, chỉ 5 – 7 – 10 phòng. Giá tour (3 ngày 2 đêm, gồm vé máy bay) năm nay cũng tăng, lên tới hơn 4,1 triệu đồng/khách (năm ngoái chỉ 3,6 triệu đồng) do hàng không, dịch vụ tăng giá.
Còn ở Phú Yên, ông Phan Văn Vinh nói rằng biển đẹp, nhiều điểm tham quan thú vị, khách nội địa cũng quan tâm nhưng do vị trí địa lý bất lợi (xa hơn Nha Trang), chi phí cao nên khách cũng thưa.
Sản phẩm mới của công ty du lịch Thế Hệ Trẻ trong dịp này là tour cao nguyên đá Đồng Văn – Bắc Mê – sông Gâm – Na Hang (Tuyên Quang ) – sông Năng – hồ Ba Bể (6 ngày/5 đêm) ở phía Bắc, khách hỏi thì nhiều nhưng đăng ký còn ít.
Tour mới đi nước ngoài cũng ít khách. Ông Trần Thành Công, phó giám đốc công ty du lịch Hanoitourist, cho biết ngay khi hàng không Việt Nam mở đường bay thẳng Hà Nội – Yangon (Myanmar), công ty đã thiết kế tour 4 ngày nhưng đến nay mới chỉ bán được cho một số khách đoàn.
Lễ 30.4 và 1.5: khan hiếm vé máy bay, vé tàu Trên website của hai hãng hàng không lớn bay từ Hà Nội tới TP.HCM hay Hà Nội/Sài Gòn đi Đà Nẵng, Nha Trang đều thông báo hết vé vào ngày 29 và 30.4 (ngày đi) và ngày 2 – 3.5 (ngày về). Nhiều công ty du lịch cũng đã tạm ngưng chào hàng tour đi miền Trung hoặc Phú Quốc vì không còn vé máy bay. Bà Phùng Thị Lý Hà, phó ga Hà Nội cho biết, hiện vé giường nằm trên một số tuyến du lịch từ Hà Nội đi Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng, Lào Cai… vào các ngày từ 28 đến 30.4 đã được bán hết. Hiện giờ khách lẻ chỉ có thể mua ghế ngồi mềm và ghế cứng. Để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương và 30.4, ga Sài Gòn sẽ tăng thêm 11 đoàn tàu trên tuyến Sài Gòn – Nha Trang và ngược lại. T.H |
Sửa sang tour cũ
Các điểm đến cũ, lên rừng hay xuống biển để trốn nóng vẫn được khách chuộng: Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết, Phú Quốc, Cát Bà, Đồ Sơn, Cửa Lò, Đà Lạt, Sa Pa... là các địa chỉ quen thuộc khách dễ dàng lựa chọn.
Các công ty du lịch cố gắng “làm mới” hành trình cũ tưởng như nhàm chán.
Chẳng hạn, thay vì bay thẳng TP.HCM – Phú Quốc, khách sẽ đi bằng đường bộ ghé qua Châu Đốc, leo núi Thiên Cấm Sơn, viếng tượng Phật Di Lặc cao 36 mét, nặng 600 tấn và chùa Vạn Linh nổi tiếng (tour Thế Hệ Trẻ); hay lênh đênh sông nước Cửu Long, thưởng thức đặc sản miền Tây (tour Saigontourist) trước khi đi tàu cao tốc ra biển ngọc Phú Quốc.
Khan hiếm ảo?
Hầu hết các đơn vị lữ hành khi được hỏi đều nhận xét, lượng khách du lịch năm nay cũng chỉ tương tự, thậm chí còn bớt căng thẳng so với năm ngoái do tuần trước đó, người dân sẽ tranh thủ đi chơi khi được nghỉ dịp Giỗ tổ 10.3 âm lịch. Thời gian nghỉ 30.4 – 1.5 cũng ngắn hơn.
Theo ông Phan Văn Vinh, khác với dịp tết Nguyên đán, du khách thường lên kế hoạch đi chơi từ rất sớm thì dịp này cũng chậm hơn, thường phải giữa tháng 4 mới rộ. Năm nay, kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục nên nhu cầu đi chơi không mạnh. Ngoài ra, tại TP.HCM năm nay có nhiều hoạt động kỷ niệm 35 ngày giải phóng đất nước, nhiều người cũng muốn ở lại tham gia lễ hội nên vẫn đang cân nhắc có đi du lịch hay không.
Do vậy, trước tình trạng một số khu du lịch nổi tiếng khi khách đặt đã hết phòng, hay còn phòng với giá cao gấp đôi, gấp ba so với ngày thường, đều là do đầu cơ thu mua trước, chờ giai đoạn cao điểm để bung hàng với giá “cắt cổ”.
Giám đốc một công ty lữ hành tại TP.HCM bức xúc, chưa bao giờ du lịch ở vào thế “bi kịch” như hiện nay. Hiện tượng “cò” mua lại một số phòng khách sạn để bán ngược lại cho các hãng lữ hành với giá cao những năm trước không phổ biến lắm, thì năm nay một số khách sạn vốn làm ăn rất đàng hoàng cũng bắt tay bán cho cò để đẩy giá phòng tăng vùn vụt.
Chẳng hạn, bình thường giá phòng khách sạn 3 sao bán cho lữ hành chỉ 220.000 đồng/đêm, vào các đợt lễ lên 280.000 đồng. Tuy nhiên, nếu bây giờ lữ hành đặt phòng không những không có, mà những người thu gom sẵn sàng chào trên mạng cũng phòng khách sạn đó với giá 550.000 đồng, tăng 100%.
(Theo Ngọc Hà // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com