Ngày 3 và 4/4/2010, tỉnh Thanh Hóa tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng Chiến thắng (ngày 3 và 4/4/1965-ngày 3 và 4/4/2010). Đây là sự kiện lịch sử quan trọng của quân và dân tỉnh Thanh Hóa, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, cũng là hoạt động hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Ban tổ chức lễ kỷ niệm.
- Xin ông cho biết ý nghĩa của chiến thắng Hàm Rồng và việc tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng?Ông Vương Văn Việt: Chiến thắng Hàm Rồng trong hai ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965 là cuộc đối đầu lịch sử của quân và dân ta với sức mạnh của “không lực
Hoa Kỳ” mà thắng lợi đã thuộc về nhân dân ta. Quân và dân Thanh Hóa nói chung, quân và dân Hàm Rồng nói riêng đã làm nên một kỳ tích.
Họ đã bắn rơi 47 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái, gây tiếng vang trong cả nước và tác động quan trọng đến cuộc chiến tranh phá hoại của địch.
Chiến thắng Hàm Rồng đã làm phá sản âm mưu của địch đánh sập cầu Hàm Rồng, giữ vững tuyến đường chiến lược Bắc-Nam nối liền hậu phương với tiền tuyến. Chưa có một cuộc chiến tranh nào trong lịch sử nước Mỹ, chỉ trong hai ngày mà chúng đã bị thiệt hại cả máy bay và người lái nhiều đến như vậy.
Không lực Hoa Kỳ đã bị hạ uy thế trước con mắt của nhân dân toàn thế giới, sự bịp bợm của không quân Mỹ đã bị vạch trần, sức mạnh về vũ khí và chiến thuật chiến tranh phi nghĩa bị đánh bại hoàn toàn.
Chiến thắng Hàm Rồng đã chứng tỏ đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta là đúng đắn.
Lần đầu tiên các binh chủng hợp thành của ta đã quán triệt một cách sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Đảng, sự nhạy bén trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Chỉ huy Hàm Rồng trong việc phòng thủ, bố trí trận địa, kết hợp giăng lưới lửa thành nhiều tầng, nhiều lớp, sẵn sàng đánh thắng kẻ thù.
Qua hai cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, suốt hơn 1.500 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 117 máy bay, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái Mỹ, bảo vệ cây cầu, đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm giao thông thông suốt.
Chiến thắng Hàm Rồng đã góp phần xứng đáng cùng quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong thành tích chung đó, quân và dân Hàm Rồng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý: 7 tập thể được phong tặng Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 1 cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 2 Anh hùng Lao động cùng hàng trăm bằng khen, huân huy chương các loại...
Hàm Rồng chiến thắng là một sự kiện lịch sử mang tầm thời đại, chiến công của quân và dân Hàm Rồng đã làm rung chuyển lầu Năm góc, chấn động khắp năm châu bốn biển.
Hàm Rồng đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ của dân tộc ta.
Chiến thắng Hàm Rồng đã trở thành niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Từ ý nghĩa và tầm cao của sự kiện Hàm Rồng chiến thắng, nhằm ôn lại truyền thống quý báu ấy, Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất chủ trương tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Hàm Rồng vào dịp mùng 3 và 4/4/2010.
Lễ kỷ niệm được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, trang trọng, hào hùng, hoành tráng và đúng tầm vóc lịch sử của Chiến thắng Hàm Rồng.
Qua đó, nhằm bày tỏ lòng biết ơn sự hy sinh anh dũng của quân và dân Hàm Rồng–Nam Ngạn-Yên Vực trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và khẳng định sự phát triển trên mảnh đất lịch sử Hàm Rồng.
Sự kiện này đồng thời giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng, văn hóa-lịch sử của quê hương Thanh Hóa anh hùng cho các thế hệ trẻ.
Lễ kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Hàm Rồng là sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2010, cũng là hoạt động hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
- Thưa ông, Thanh Hóa đã và đang làm gì để phát huy "giá trị Hàm Rồng" ?Ông Vương Văn Việt: Chính quyền địa phương xác định, khi thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị loại I, hướng phát triển của thành phố sẽ là phía Bắc và phía Đông, đưa sông Mã vào trong lòng thành phố và kết nối thành phố Thanh Hóa với thị xã du lịch Sầm Sơn. Nhiều dự án, kế hoạch đã đặt ra cho tương lai của mảnh đất Hàm Rồng.
Như các bạn đã biết, Hàm Rồng không chỉ lẫy lừng những chiến công, nơi đây còn là một vùng nước non kỳ thú. Danh sĩ Phan Huy Chú một lần đi qua Hàm Rồng đã phải thốt lên: “Một dòng sông, một quả núi, chỗ nào cũng đều là danh thắng.”
Do đó, từ năm 2000, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng với quy mô gần 600ha, tổng kinh phí đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Đến nay, một số hạng mục của công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Khu trung tâm thương mại, một phần hồ Kim Quy, Trung tâm dịch vụ nhà thuyền, động Tiên Sơn...
Theo quy hoạch đến năm 2020, khu văn hóa du lịch Hàm Rồng sẽ mở rộng với quy mô trên 1.000 ha và xây dựng thành trọng điểm du lịch quốc gia, được phát triển mạnh theo hướng gắn kết truyền thống và hiện đại.
Bên cạnh những địa danh mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử như làng cổ Đông Sơn, động Tiên Sơn, núi Ngọc, đồi C4, cầu Hàm Rồng, hang Mắt Rồng... nơi đây còn có khu sinh thái, khu tâm linh...
Khi giá trị to lớn của địa danh Hàm Rồng được nhận chân đầy đủ cũng là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư đến với khu vực Hàm Rồng.
Trong dịp kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng, nhiều công trình, hạng mục mới sẽ được khởi công xây dựng như: Đền thờ các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Thiền viện Trúc Lâm, Bia tưởng niệm những học sinh trường Trung cấp Y, trường Sư phạm 7+3 hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đắp đê Nam Ngạn, Hàm Rồng ngày 14/6/1972 ...
- Vậy Hàm Rồng sẽ có vị trí như thế nào trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa, thưa ông?Ông Vương Văn Việt: Trong tương lai gần, các công trình, hạng mục mới như khu di chỉ khảo cổ học Văn hóa Đông Sơn, quần thể công viên hữu ngạn đê Hàm Rồng–Nam Ngạn, đại lộ Nam sông Mã... cũng sẽ được đầu tư xây dựng.
Mặc dù mới bước đầu tổ chức khai thác, Khu văn hóa du lịch Hàm Rồng đã thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước tham quan, nghỉ dưỡng.
Theo tôi, Hàm Rồng sẽ đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thanh Hóa bởi nơi đây là điểm hẹn lịch sử, điểm hẹn văn hóa, tâm linh, điểm hẹn của tiềm năng và hội nhập.
Tôi tin rằng Hàm Rồng xưa vững vàng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thì Hàm Rồng nay cũng nhanh nhạy trong phát triển và hội nhập.
Trân trọng cảm ơn ông!