Khi nói tới làng quê Việt Nam, trong tâm trí mỗi người chúng ta chợt hiện lên những điều bình dị, vô cùng gắn bó, thân thương. Làng vừa là những gì cụ thể, gắn với cây đa, bến nước, sân đình, vừa rất lớn lao, thiêng liêng.
Có nhà thơ viết: "Làng là bờ duối, rặng tre / Cánh đồng nước nổi đêm hè buồn tênh". Quả là khung cảnh rất đỗi êm ả, thanh bình, của một thời đời sống người nông dân còn nhiều gian khó.
Vì sao làng trở nên thân thiết, gắn bó với mỗi người đến thế? Sâu xa trong truyền thống, lịch sử đất nước chúng ta, cái làm nên sức sống lâu bền, làm nên dáng vóc của làng, chính là văn hóa. Văn hóa làng được thể hiện ở mấy đặc điểm chính: Ý thức cố kết cộng đồng rất cao, từ ý thức đó mà hình thành nên những phong tục, tập quán, nếp sống dân chủ.
Thông qua các hương ước, lệ làng, thể hiện rõ nét ý thức tự cai quản, tôn ti trật tự trong các dòng họ và trong từng lũy tre xanh. Ngoài những đặc điểm chung, mỗi làng còn có những nét riêng, làm nên sự độc đáo, sự ràng buộc tự nhiên, theo kiểu "đất lề quê thói". Văn hóa làng còn thể hiện ở sự đa thần giáo trong đời sống tín ngưỡng của làng.
Cùng với truyền thống tốt đẹp, những mặt tích cực, văn hóa làng cũng có những mặt tiêu cực, trong đó có không ít hủ tục lạc hậu. Ðó là khuynh hướng tự cung, tự cấp trong sản xuất, tiêu dùng; đó là nếp sống đóng kín, "đèn nhà ai nhà nấy rạng". Ðó là tàn dư phong kiến còn tồn tại dai dẳng trong đời sống, "phép vua thua lệ làng", "dại bầy hơn khôn độc"...
Về đời sống văn hóa, tinh thần, trong những năm qua nông thôn ta đã được hưởng thụ những thành quả to lớn do đời sống được nâng cao, khoa học- công nghệ phát triển. Giao thông nông thôn thuận lợi, đường đi tới đâu, ánh sáng tới đó. Các điểm văn hóa xã, nhà văn hóa, bưu điện văn hóa được quan tâm xây dựng.
Tuy nhiên, nhìn chung mức hưởng thụ văn hóa ở làng, xã còn thấp. Theo một điều tra xã hội học, chi tiêu của người dân ở TP Hồ Chí Minh dành cho vui chơi, giải trí chiếm 30% thu nhập trong gia đình. Ở Hà Nội, Huế, tỷ lệ đó là 20%. Còn ở nông thôn, mức chi tiêu đó vô cùng nhỏ bé. Hình thức giải trí chủ yếu là xem truyền hình, nghe đài. Báo chí cho bạn đọc nông thôn cũng rất thiếu.
Mấy năm nay các địa phương đã quan tâm xây dựng nhà văn hóa thôn. Nhưng hầu hết các nhà văn hóa này mới chỉ là nơi để hội họp, sinh hoạt tập thể. Sách báo, nhạc cụ, và các trang bị, thiết bị phục vụ biểu diễn văn nghệ hầu như không có. Ðiều đáng chú ý là, các đội văn nghệ ở làng, xã, các chiếu chèo ở khu vực đồng bằng sông Hồng, vốn một thời hoạt động rất sôi nổi, nhưng nay thì ít nơi nào duy trì được. Ở miền núi, vùng cao đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc còn khó khăn hơn nhiều.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, cần quan tâm xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần ở nông thôn. Trong đó, văn hóa làng là nét đặc trưng của văn hóa nông thôn, phải được kế thừa, phát huy. Ðể làm cho văn hóa làng mang những giá trị và sức sống mới, một mặt tiếp tục kế thừa những tinh hoa, thuần phong mỹ tục, mặt khác, loại bỏ những tàn dư phong kiến, những tiêu cực, mặt trái của văn hóa làng xã.
Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, luôn luôn gắn với xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn có nhiều nội dung, nhưng nổi bật là : nếp sống văn hóa, hành vi đạo đức, bắt đầu từ mỗi gia đình; đáp ứng các nhu cầu hưởng thụ văn hóa, các hoạt động vui chơi giải trí, như xem phim, biểu diễn nghệ thuật, đọc sách báo, xây dựng phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng; củng cố, nâng cao chất lượng các nhà văn hóa thôn, làng; xây dựng hương ước làng với những chuẩn mực phù hợp trong thời kỳ mới, v.v.
Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn chính là góp phần tích cực vào công cuộc bảo tồn và chấn hưng văn hóa nước nhà, vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
( theo dulichvn )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com