Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Du lịch vẫn hấp dẫn nhà đầu tư

Khách du lịch đang thư giãn tại Trung tâm bùn khoáng nóng Mũi Né, Phan Thiết - Ảnh: Đào Loan

Bất chấp những khó khăn về kinh tế, mảng đầu tư vào lĩnh vực du lịch vẫn sôi động. Tổng vốn đầu tư cho mảng du lịch vẫn chiếm đến 44,7% tổng số vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, tính đến tháng 11 năm 2009, đã có 31 dự án đầu tư vào lĩnh vực lưu trú và ăn uống được cấp phép với số vốn đăng ký gần 5 tỉ đô la Mỹ. Ngoài ra, 8 dự án khác cũng đăng ký tăng vốn với tổng số vốn đăng ký thêm là 3,8 tỉ đô la.

"Tổng số vốn mới đăng ký và vốn tăng thêm trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống là 8,8 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 44,7% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam", trích từ báo cáo của tổng cục.

Theo tổng cục, tính đến tháng 11-2009, cả nước có khoảng 10.900 cơ sở lưu trú với trên 215.000 phòng. Trong đó, các khách sạn, khu nghỉ từ 3 đến năm sao chiếm khoảng 315 khách sạn với khoảng trên 33.600 phòng.

Năm 2009 là năm có khá nhiều biến cố tác động đến sự phát triển của ngành du lịch, tuy nhiên các địa phương đều tăng trưởng với mức doanh thu cả nước đạt gần 70.000 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2008. Nhận định này được đưa ra tại hội nghị tổng kết năm 2009 và triển khai công tác năm 2010 do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tổ chức vào sáng ngày 28-12 tại thành phố Đà Nẵng.       

Theo báo cáo tổng kết, mặc dù khách quốc tế trong năm 2009 chỉ đạt 3,8 triệu lượt khách, giảm 11,5% so với 2008, nhưng khách nội địa tăng 19%, đạt 25 triệu lượt khách.

Về Văn hóa, năm 2009, Việt Nam có thêm hai di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản thế giới; có 51 di tích được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch quyết định xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa quốc gia; 10 di tích hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Vấn đề mà ngành này đang đặt nhiều quan tâm đó là nguồn nhân lực. Theo nhận xét của lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch thì đội ngũ cán bộ quản lý ngành cấp cơ sở vẫn vừa thiếu, vừa biến động nhiều; mức đầu tư ngân sách còn thấp, chưa được bố trí vốn kịp thời…

Ngoài ra, vấn đề xuống cấp của các di tích văn hóa lịch sử cũng là mối quan tâm lớn của ngành. Nhiều nơi di tích, danh lam vẫn bị xâm hại; kinh phí chương trình bảo tồn chống xuống cấp các di tích quốc gia vẫn còn rất thấp so với nhu cầu thực tế, nhiều nơi phải đầu tư dàn trải, thời gian kéo dài nhiều năm như phố cổ Hội An, di tích Cố đô Huế, khu di tích Lam Kinh...

(Theo Đào Loan - Thanh Hải // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Thành lập Liên minh du lịch Tàu biển châu Á
  • Việt Nam mất 450.000 lượt khách quốc tế năm 2009
  • Ngành du lịch xa xỉ hồi phục nhờ tour "độc"
  • Du lịch Thái Lan: "Mỗi làng một sản phẩm"
  • Thanh Hóa đón 2,5 triệu lượt khách trong năm 2009
  • Dịch vụ du lịch tự do: Xu hướng của tương lai
  • Hướng tới Festival Huế 2010 đậm sắc màu
  • “Kéo” khách bằng du lịch văn hóa
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com