Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Du lịch Việt Nam: "Đuổi" mãi không kịp Thái Lan

Chưa đầy chục ngày sau khi Thái Lan chấm dứt hỗn loạn, du khách quốc tế ngỡ ngàng trước một chương trình lôi kéo khách quay trở lại đất nước này. Trong khi đó, Tổng cục Du lịch, các DN ở Việt Nam vẫn loay hoay họp bàn, và phải chờ ít nhất đến tháng 1/2009, các gói sản phẩm du lịch giá rẻ mới được tung ra.
Còn mang nét tiểu nông, khôn vặt

Sẵn sàng bố trí không thu cước 100.000 chỗ trên máy bay để đón khách tới Miền đất của những nụ cười, giảm mạnh giá tour, phòng khách sạn, cùng với khẩu hiệu "Thailand sorry" khiến cho Thái Lan nổi bật, hấp dẫn khách hơn bao giờ hết. Khách du lịch dường như quên hẳn mối lo về sự bất ổn chính trị, mà trước đó chưa đầy chục ngày, đã làm xáo trộn nước này.

Với chính sách bay miễn phí, trên tất cả các đường bay quốc tế của Hãng hàng không giá rẻ AirAsia, xuất phát từ Bangkok tới Việt Nam (Hà Nội, TP.HCM), Campuchia, Myanma, Malaysia, Singapore, Trung Quốc... , ít nhất, đã mang đến cho Thái Lan hàng trăm nghìn khách du lịch trên các chuyến bay từ 6/1-31/3/2009.

Hơn thế, khách còn được ở nhà nghỉ, khách sạn với mức giá rẻ bất ngờ, thậm chí còn giảm đến 50-80% như tại Phukhet, Pattaya...

Tại Việt Nam, không ít khách hàng đã đặt vé qua mạng để tham gia chuyến du ngoạn hấp dẫn này. Ông Bùi Đức Hạnh, Trưởng Văn phòng Đại diện AirAsia tại Hà Nội, cho biết, mặc dù đến 23h59’ ngày 19/12 chiến dịch này mới kết thúc, song, lượng vé đặt từ Việt Nam rất cao; đặc biệt, đối với hành khách đi Thái tránh vào dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ. Khách chỉ phải trả tiền thuế sân bay, phí bảo hiểm và phí hành chính.

"Ghen tỵ" với những gì Thái Lan đã làm được, ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), thừa nhận, du lịch Việt Nam thua hẳn Thái Lan ở tính chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp này khiến họ không hề bị động trước khủng hoảng chính trị, không chỉ đợt biểu tình vừa qua, mà còn có ngay sáng kiến để lôi kéo du khách quay trở lại.

Ngoài những dịch vụ du lịch nổi trội, Thái Lan có dịch vụ vận chuyển quốc tế liên tục và ổn định. Giá tour rẻ với dịch vụ khá hoàn hảo và khép kín. Mỗi năm, nước này chi 0,5 triệu USD để các văn phòng xúc tiến du lịch, cùng với sự tham gia chặt chẽ của các hãng hàng không, cơ quan ngoại giao. Mỗi vùng, miền lại có sản phẩm du lịch chuyên biệt.

Sự thành công về mặt hình ảnh của ngành du lịch Thái Lan khiến quốc gia này không chỉ là một vương quốc năng động, hiện đại, vui vẻ, giải trí đúng chất du lịch, mà ý thức bảo tồn và phát triển du lịch của người dân Thái rất cao.

Trong khi đó, ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VH-TT và Du lịch TP.HCM, nhận xét, ngoài sự thiếu chuyên nghiệp trong quảng bá, xúc tiến đã đành, ở Việt Nam, các DN lữ hành, khách sạn, một số địa phương còn không hợp tác, liên kết để cùng nhau phát triển.

"Tâm lý tiểu nông, không tin nhau, sự khôn vặt, vẫn thể hiện rõ ở các DN lữ hành Việt Nam", ông Khánh nhận xét.

Gấp rút bàn cách giảm giá tour

Hai ngày qua, rất nhiều lãnh đạo, chuyên viên của Tổng cục Du lịch Việt Nam đang có mặt tại TP.HCM để cùng tham dự buổi họp với hơn 60 công ty du lịch, lữ hành, khách sạn hàng đầu tại đây nhằm lên kế hoạch thu hút du khách quốc tế, trong bối cảnh khách đến Việt Nam sụt giảm mạnh. Tuần tới, hai cuộc họp tương tự sẽ diễn ra tại Hà Nội và Đà Nẵng. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch, cương quyết, chậm nhất là 30/12 phải có gói sản phẩm.

Trao đổi với PV.VietNamNet qua điện thoai, ông Lã Quốc Khánh cho biết, trong kế hoạch giảm giá, đã chọn ra những đối tác chiến lược cho từng thị trường, còn gọi là chương trình 6 trong 1 (DN, khách sạn, giá vé máy bay, vận chuyển... để phục vụ một thị trường).

Các nhóm chuyên trách cho từng thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam được thành lập, cùng ngồi bàn các biện pháp khuyến mãi, hạ giá thành tour ở mức hấp dẫn nhất; đồng thời, lập cơ chế kiểm soát việc thực hiện các cam kết đưa ra.
Khi có gói sản phẩm với giá thành hợp lý, các DN sẽ đăng ký với Tổng cục Du lịch, Sở VH-TT và Du lịch để được xác nhận, cùng với đó là kiến nghị cơ quan Nhà nước hỗ trợ giảm thuế. Sau đó, tập hợp tài chính để quảng bá gói sản phẩm du lịch đến các đối tác nước ngoài.

Theo ông Khánh, trước mắt, TP.HCM sẽ tập trung quảng bá tại thị trường Nhật Bản, Australia và Malaysia; riêng thị trường Pháp, Tây Âu và Trung Quốc... cần sự hỗ trợ từ phía Tổng cục Du lịch. Thị trường Nhật sẽ là xuất phát điểm đầu tiên với một chương trình quảng bá lớn, tổ chức roadshow, họp báo công bố các gói sản phẩm du lịch với mức giá giảm 30%...

Cùng với đó, TP.HCM cũng gấp rút triển khai việc bình chọn "Sài Gòn, 100 điều thú vị", như 10 điểm tham quan hấp dẫn nhất, 10 món ăn ngon nhất, 10 ngôi chợ độc đáo nhất, 10 khách sạn tốt nhất... để giới thiệu trong dịp này.   

Việc Tổng cục Du lịch đưa ra thông tin về 100 tour điển hình ba miền, giảm giá dịch vụ tới 30-50% cho khách mua các tour này, ông Khánh cho rằng, không nên giới hạn các tour bằng con số cứng nhắc như vậy bởi nhu cầu của du khách là đa dạng và sản phẩm du lịch luôn phải đổi mới, sáng tạo.

Do vậy, việc giảm giá phải dựa trên từng thị trường và phụ thuộc vào cam kết của các đối tác chiến lược. Tuy nhiên, tránh tình trạng giá giảm mà không đảm bảo chất lượng thì cũng không giữ được du khách.

Ông Vũ Thế Bình nói thêm, các gói sản phẩm cần hoàn thiện sớm để đến tháng 1/2009 Tổng cục Du lịch tổng hợp, quảng bá trực tiếp đến 500 hãng lữ hành và báo giới nước ngoài tại Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF 2009) và Hội chợ Du lịch.

Bối cảnh hiện nay là cơ hội để Việt Nam thu hút khách quốc tế, song, cũng là dịp để xốc lại ngành du lịch Việt Nam. Cùng với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, theo ông Bình, có 3 việc mà ngành luôn phải hướng đến là xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam hấp dẫn, khác biệt so với các nước khu vực; nâng cao chất lượng phục vụ của khách sạn, nhà hàng, của nguồn nhân lực và quảng bá xúc tiến mạnh mẽ".

 

 

( theo vietnamnet )

  • Du lịch Đà Nẵng: Những tín hiệu vượt khó đầu tiên
  • Thu hút 4,8- 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế: Khó đạt mục tiêu
  • Giá phòng khách sạn đã giảm mạnh
  • Hà Nội kích cầu thu hút khách du lịch
  • Phục hồi tăng trưởng ngành du lịch: Không thể “mạnh ai, nấy làm”
  • Du lịch lâm vào khủng hoảng: Cấp bách giảm giá...
  • Triển khai các biện pháp thu hút khách du lịch
  • Khách sạn "chạy đua" phục vụ đại tiệc dịp Noel
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com