Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Du lịch Việt Nam phải đạt chất lượng theo chuẩn quốc tế

Ngành Du lịch Việt Nam muốn hội nhập, phát triển vươn ra thế giới thì trước hết, chất lượng dịch vụ phải tiến tới chuẩn mực quốc tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, Du lịch Việt Nam muốn vươn ra thế giới thì chất lượng dịch vụ phải đạt chuẩn quốc tế. Ảnh: Chinhphu.vn

Tại Hội thảo “Phát triển Du lịch Việt Nam trong bối cảnh tích cực, chủ động hội nhập quốc tế” do Bộ VHTTDL phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức ngày 29/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, ngành Du lịch Việt Nam muốn hội nhập, phát triển vươn ra thế giới thì trước hết, chất lượng dịch vụ phải tiến tới chuẩn mực quốc tế.

Điểm qua các thế mạnh của du lịch Việt Nam với các danh lam thắng cảnh, hệ thống biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa phong phú…, ngay cả ẩm thực – một trong những nét văn hóa dân tộc đặc sắc ở nước ta vốn rất phong phú, theo Phó Thủ tướng, là tài sản đã có sẵn, chúng ta không phải đầu tư mà chỉ cần phát huy được thế mạnh đó trong phát triển ngành Du lịch. Bên cạnh đó, văn hóa gia đình là truyền thống, nền tảng, thế mạnh của Việt Nam, là cái nôi để trở về mỗi khi khó khăn. Vì vậy, nếu phát triển du lịch mà không giữ được truyền thống văn hóa gia đình thì đó là phát triển không bền vững.

Phó Thủ tướng cho biết, hiện Chính phủ và Bộ VHTTDL đang triển khai chương trình đào tạo giám đốc khách sạn và 1.000 hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Ngoài ra, Đề án công nhận điểm du lịch quốc gia, cải cách, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam cũng đang được Chính phủ đẩy mạnh triển khai.

Để ngành Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đã nêu một số giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành.

Cụ thể, chúng ta nên rà soát các điểm du lịch tầm quốc gia, xem lại các tiêu chuẩn về chuẩn hóa quốc gia, quốc tế  về du lịch, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các điểm du lịch này để có kế hoạch nâng cấp. Đồng thời, ngành Du lịch phải huy động người dân địa phương cùng vào cuộc, cùng tham gia xây dựng và bảo vệ các điểm du lịch.

Phó Thủ tướng cho rằng, trước mắt, cần thực hiện ngay một số giải pháp như cải tiến các thủ tục xuất nhập cảnh, cải thiện quy trình đón tiếp khách quốc tế.

Đồng thời để chấm dứt tình trạng “bê tông hóa” các đình, đền chùa miếu mạo, di tích, danh lam thắng cảnh, Phó Thủ tướng cũng gợi ý không nên để chính quyền cấp cơ sở không có đủ điều kiện đứng ra quản lý, tôn tạo, khai thác mà các tỉnh có danh thắng phải có cơ quan chuyên nghiệp quản lý, khai thác những di sản quý báu này nhằm  đẩy mạnh phát triển du lịch địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng rà soát lại tình hình gìn giữ các di  sản văn hóa gắn với quy hoạch đô thị hiện nay và nhắc nhở những người làm du lịch cần chuyên nghiệp hơn không chỉ trong công tác quy hoạch, quản lý mà ngay trong ứng xử, tổ chức hoạt động du lịch.

Hội thảo quốc gia phát triển Du lịch Việt Nam diễn ra trong bối cảnh đất nước đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế với mong muốn các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đóng góp ý kiến về những ưu thế và hạn chế của du lịch nước ta, từ đó đề xuất những giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển, nhanh chóng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong thời kỳ hội nhập.

(Theo Nguyệt Hà // Tin Chính phủ)

  • Lăng Hoàng Gia: Quần thể kiến trúc độc đáo ở Gò Công, Tiền Giang
  • Sắp trao giải thưởng du lịch Việt Nam
  • Cần lắm bản lĩnh “nhà tour”
  • Lần đầu tiên ở miền Trung: “Du lịch trách nhiệm”
  • Chuyện cái bảng giá
  • Khởi động Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè
  • Du lịch Thái Lan tăng đột biến
  • Thêm nhiều khách quốc tế đến bằng máy bay thuê bao
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com