Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Du lịch-Hàng không song hành phát triển

Theo thống kê của Tổng Cục du lịch, 80% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa hàng không và du lịch vẫn thiếu nhịp nhàng.

Phối hợp chặt chẽ du lịch- hàng không để đưa khách đến Việt Nam

Những vướng mắc đầu tiên phải  kể tới đó là cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin mặc dù Tổng Cục Du lịch và Cục Hàng không dân dụng đã kỹ thỏa thuận hợp tác phát triển từ năm 1999.  

Chưa tìm được tiếng nói chung

Hiện tại, cả hàng không và du lịch đều không có sự phối hợp thông tin kịp thời trong hoạt động. Nếu các hãng lữ hành không có thông tin gì về khả năng cung ứng của hàng không, nên không dám chủ động chương trình dài hơi với khách thì các hãng hàng không lại hầu như không biết gì về các chương trình khuyến mãi lớn thu hút khách du lịch từ các hãng lữ hành.

Do vậy hai bên chưa có được sự phối hợp ăn ý để tạo ra một sản phẩm du lịch thống nhất để thực hiện các chương trình xúc tiến du lịch, các tour du lịch hấp dẫn để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Còn phố biến tình trạng các hãng hàng không thì cho rằng các sản phẩm du lịch của Viẹt Nam hiện nay không phong phú, kém hấp dẫn ,và thiếu chuyên nghiệp. Phía doanh nghiệp lữ hành thì phàn nàn về thái độ “không hào hứng” của Việt Nam Airlines, giá vé còn quá cao, điều kiện đặt chỗ khó khăn...

Và cả hai phía đều viện dẫn lý do cho sự phối hợp không ăn ý này.

Về phía hãng hàng không thì luôn đưa ra lý do quá tải. Như vậy, chừng nào cung vẫn thấp hơn cầu thì doanh nghiệp lữ hành vẫn phải xếp hàng để các hãng hàng không xét chọn theo tiêu chí của họ.

Còn phía du lịch thì cho biết có rất ít trong hơn 800 doanh nghiệp lữ hành nhận được sự ưu đãi, giảm giá từ Vietnam Airlines. Những doanh nghiệp nhỏ khó mà chen chân được vào thị trường du lịch hàng không ưu đãi. Ngay một doanh nghiệp lữ hành lớn của miền Trung như Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam Victour cũng phải than phiền “ngành Hàng không chưa thực sự coi khách du lịch là nguồn khách quan trọng để có chính sách ưu đãi phù hợp” do quá khó khăn trong khâu đặt vé bay trong mùa cao điểm.

Cần tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn 

Hiện nay các điểm du lịch nổi tiếng như Bình Thuận, Ninh Thuận được khách quốc tế đánh giá rất cao nhưng khoảng cách từ các nơi này đến các sân bay quốc tế quá xa làm giảm đáng kể khả năng thu hút khách.Có ý kiến cho rằng nên mở các đường bay thẳng đưa du khách đến các điểm du lịch.

Tuy nhiên việc mở một đường bay thẳng lại là điều không đơn giản. Ngoài những khó khăn về vật chất, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật, thì vấn đề tiên quyết nhất quyết định sự sống còn của đường bay đó chính là lượng khách.

Thực tế cho thấy, một số tuyến đường bay đã được mở nhưng do không đủ khách để duy trì nên đã phải đóng cửa hoặc tạm ngưng như đường bay Ma Cao-Hải Phòng.

Cần nhận rõ tồn tại lớn của du lịch Việt Nam đó là các sản phẩm du lịch như các tour, dịch vụ ăn, nghỉ, đồ lưu niệm, chương trình vui chơi giải trí còn quá nghèo nàn, mang tính "ăn xổi ở thì". Các doanh nghiệp chưa biết liên kết với nhau để tạo ra một thị trường du lịch hấp dẫn và bền vững. Kinh doanh theo kiểu mạnh ai nấy làm, chủ yếu dùng chiêu thức giảm giá thay vì nâng cao chất lượng dịch vụ làm yếu tố cạnh tranh.

Theo Hiệp hội du lịch Việt Nam, ngành du lịch cần tạo ra các sản phẩm du lịch thật hấp dẫn. Chất lượng dịch vụ tốt cũng như giá cả hợp lý sẽ là điểm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Lúc ấy chính các hãng hàng không sẽ phải  tìm đến các doanh nghiệp lữ hành chứ không còn chuyện các hãng lữ hành chầu chực chờ sự "ưu đãi" của các hãng hàng không nữa.

Ở đây cũng cần nhắc đến vai trò của Tổng cục du lịch trong việc kết nối giữa hai ngành hàng không và du lịch. Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist cho rằng Tổng cục và Cục hàng không dân dụng cần thành lập một nhóm công tác thúc đẩy hợp tác hai ngành đồng thời giải quyết các thắc mắc, mâu thuẫn, khó khăn phát sinh, trao đổi thông tin và tham mưu cho các doanh nghiệp du lịch và vận tải hàng không. Có như vậy mới tìm thấy tiếng nói chung về quyền lợi cũng như trách nhiệm của hai bên trong sự nghiệp xúc tiến quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

 “Hợp tác du lịch-hàng không là con đường tất yếu để đưa cả hai ngành cùng phát triển trở thành hai ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước” là lời khẳng định của Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng.

(Theo Nguyệt Hà // Tin Chính phủ)

  • Sang Israel, nhớ bỏ iPad ở nhà
  • Hai sự kiện quốc tế của ngành du lịch sắp diễn ra tại Việt Nam
  • Tiền Giang: Khách sạn tăng giá hơn 100% dù lễ hội trái cây chưa đến
  • Du lịch Tây Nguyên- Nam Trung bộ: Khi rừng “gặp” biển
  • Du lịch Bình Thuận- Tầm nhìn đến năm 2015
  • TransViet Training - nơi đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp
  • Ninh Thuận thu hút 179.000 lượt khách du lịch
  • Du lịch Việt Nam sẽ có logo và slogan mới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com