Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hàng không tăng tải, phòng 'cháy' vé máy bay Tết

Chưa đến Tết, một số chặng bay ngắn đã hết vé. Trên các đường bay trục, Vietnam Airlines dự báo lượng khách đi lại trong dịp Tết tăng 20% nên hãng vừa quyết định tăng thêm 850 chuyến. Jetstar Pacific cũng theo sát thị trường để có kế hoạch bay hợp lý.

Duy nhất một hãng tăng tải

Mặc dù suy thoái kinh tế song nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp Tết Canh Dần 2010, theo dự báo của Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), vẫn tăng khoảng 20% so với Tết Kỷ Sửu 2009. Đến thời điểm này, duy nhất chỉ có Vietnam Airlines thông báo tăng tải phục vụ khách.

Cụ thể, trên đường bay giữa Hà Nội - TP.HCM, tải cung ứng dự kiến tăng 45% so với thường lệ và lên tới 85% vào ngày cao điểm nhất (tương ứng 6.500-7.500 ghế/ngày/chiều).

Trong khi đó, đường bay giữa TP.HCM và Đà Nẵng, tải cung ứng dự kiến từ 1.600-3.900 ghế/ngày/chiều, tăng 65% so với thường lệ và tăng tới 120% vào ngày cao điểm nhất.

Chính vì vậy, Vietnam Airlines quyết định tăng thêm 850 chuyến bay trên các đường bay giữa Hà Nội - TP.HCM và TP.HCM - Đà Nẵng trong giai đoạn từ ngày 1/2/2010 đến 28/2/2010 (tức 18/12-18/1 âm lịch).

Trong đó, riêng trục Hà Nội - TP.HCM - Hà Nội, hãng sẽ bố trí tăng cường thêm 562 chuyến. Thời gian bay cũng nới rộng hơn khi chuyến bay sớm nhất khởi hành lúc 5h30 và muộn nhất lúc 23h30 từ Hà Nội. Riêng đường bay TP.HCM - Đà Nẵng và ngược lại sẽ tăng thêm 288 chuyến. Chuyến sớm nhất khởi hành lúc 05h40 và muộn nhất lúc 22h00 từ TP.HCM.

Đối với một số đường bay địa phương sớm hết vé Tết, từ TP.HCM đi Huế, Ban Mê Thuột, Pleiku, Quy Nhơn, Vietnam Airlines cũng chuẩn bị tăng chuyến vào giai đoạn cao điểm Tết.

Đến nay, vé Tết trên các chặng bay ngắn gần như đã hết. Với hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (JPA), tình trạng căng thẳng vé trên các chặng này diễn ra từ tháng 7/2009.

Trên đường bay trục Hà Nội - TP.HCM, JPA đang khai thác 11 chuyến/ngày. Với đội bay hiện tại (5 chiếc B 737 và 1 chiếc A320), hãng chưa thể nâng công suất khai thác hơn nữa, trừ phi đột xuất có thêm máy bay mới.

Vì thế hãng chưa có kế hoạch gì về tăng tải dịp Tết âm lịch, song cũng thông báo sẽ theo dõi sát diễn biến lượng khách đi lại để có sự điều chỉnh hợp lý.

Còn Indochina Airlines đến thời điểm này vẫn dùng dằng chưa bay nổi. ICA tiếp tục xin lùi tới ngày 25/12, với lịch bay đề nghị là 5 chuyến (khứ hồi) Hà Nội - TP.HCM và 1 chuyến (khứ hồi) TP.HCM - Đà Nẵng, bằng 2 máy bay Boeing 737-800 (165 chỗ ngồi). 

Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam gia hạn hãng phải giải trình các vấn đề liên quan đến tài chính, việc thuê máy bay hay trả hết nợ nần. Văn bản này gửi không muộn hơn 18/12, tức trong tuần này. Mốc 25/12 có thể coi là hạn chót cho hoạt động của Indochina Airlines.

Nếu gần đến ngày bay, hãng vẫn không có báo cáo cụ thể, Cục buộc phải rút thương quyền trước thời hạn và ICA sẽ không thể cất cánh được nữa.

Thông tư 103 có hiệu lực trên giấy

Nguyên Tổng giám đốc điều hành JPA Lương Hoài Nam cho rằng, nguyên nhân khiến các hãng hàng không, trong đó có JPA, không nỗ lực tăng chuyến bay để thỏa mãn nhu cầu thị trường vào thời điểm cao điểm (như Tết âm lịch) là do không có động lực kinh tế.

Ông phân tích, thực tế cho thấy tính cao điểm của đường bay thường chỉ trên một chiều, chiều ngược lại thường có nhu cầu đi lại thấp. Trước Tết âm lịch, chiều từ Nam ra Bắc có nhu cầu cao, trong khi chiều ngược lại có nhu cầu thấp, thậm chí rất thấp.
Tương tự, trước những ngày nghỉ lễ chiều từ Bắc vào Nam có nhu cầu đi lại tăng mạnh, trong khi chiều kia lại giảm mạnh. Sau Tết, sau lễ, nhu cầu thị trường lại đổi chiều.

"Điều đó làm cho hệ số ghế chuyến bay khứ hồi trong giai đoạn cao điểm lệch đầu còn thấp hơn so với giai đoạn bình thường. Vì vậy, việc tăng chuyến bay trong các giai đoạn cao điểm thường mang tính chính trị - xã hội hơn là mục tiêu kinh doanh, bay càng nhiều càng lỗ nhiều.

Và, vì vậy, thường được Vietnam Airlines thực hiện, các hãng nhỏ và có vốn tư nhân, vốn nước ngoài có tăng chuyến bay thì cũng chỉ ở mức độ hạn chế", ông nói.

Chính vì vậy, tình trạng "cháy" vé lệch đầu thường diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán.

Giải quyết tình trạng này, theo ông Nam, vẫn là để Thông tư 103 về bỏ giá trần vé máy bay, thực sự đi vào cuộc sống.

Khi giá trần được bỏ, giá vé phổ biến từ TP.HCM ra Hà Nội trong một tháng trước Tết có thể là 2,5 triệu đồng, trong 10 ngày trước Tết có thể bán 3-3,5 triệu đồng, đồng thời, giá vé phổ biến từ Hà Nội vào TP.HCM trong một tháng trước Tết chỉ trên dưới 1 triệu đồng hay còn một nửa trong 10 ngày trước Tết.

Tổng giá vé phổ biến hai chiều trong cùng một thời điểm có thể vẫn chỉ là 3,4-3,5 triệu đồng nhưng tác động đến thị trường sẽ khác hẳn nhau: thay vì ra Bắc về quê ăn Tết, một số người sẽ đưa gia đình vào Nam ăn Tết kết hợp đi du lịch (để khỏi phải trả giá vé bay ra đắt, tận dụng giá vé bay vào rẻ).

Hơn nữa, sức ép tăng chuyến bay gấp nhiều lần so với ngày thường và số lượng chuyến bay rỗng chuyển sân giữa các sân bay phía Bắc và các sân bay phía Nam sẽ giảm xuống.

Khi bỏ giá trần, việc bay tăng chuyến không còn là gánh nặng kinh doanh đối với các hãng hàng không mà trở thành cơ hội kinh doanh. Các hãng sẽ năng động tìm cách tăng chuyến bằng nội lực, thuê ngắn hạn máy bay từ nước ngoài để khai thác triệt để các cơ hội thị trường.

Điều đáng tiếc là Thông tư 103 tuy đã được liên Bộ GTVT - Tài chính ban hành cách đây 1 năm, song vẫn chỉ có hiệu lực trên... giấy. Vietnam Airlines cho biết vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể từ phía Cục Hàng không Việt Nam để triển khai. Còn JPA đã từng trình phương án vé theo 103 nhưng câu trả lời chìm trong im lặng.

Chúng tôi cũng đã gửi câu hỏi về hiệu lực của văn bản này tới Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cách đây cả tháng, nay cũng chưa có hồi âm.

Jetstar Pacific bán vé chỉ từ 250.000 đồng

Bắt đầu bán từ 6h sáng ngày 15/12 và kết thúc vào 23h59’ ngày 17/12/2009, Hàng không giá rẻ Jetstar Pacific tung ra chương trình khuyến mại đặc biệt nhân dịp mùa Giáng sinh 2009 trên các đường bay nội địa với mức giá chỉ từ 250.000 đồng/chặng.

Chương trình áp dụng cho các chuyến bay giữa TP.HCM - Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Hải Phòng; giữa Hà Nội - Đà Nẵng.

Vé máy bay do hệ thống máy tính tự động phân phối trên các chuyến bay có ngày khởi hành trong giai đoạn từ 1/4/2010 đến 21/4/2010, và giai đoạn từ 6/5/2009 đến 25/5/2009.

Cụ thể, tuyến bay giữa TP.HCM - Đà Nẵng, TP.HCM - Huế, Hà Nội - Đà Nẵng chỉ từ 250.000 đồng/chặng; tuyến bay từ TP.HCM - Hà Nội từ 500.000 đồng/chặng và TP.HCM - Hải Phòng, TP.HCM - Vinh là từ 600.000 đồng/chặng.

(VietNamNet)

  • Đảm bảo an toàn cho du khách ở đảo Phú Quốc
  • Saigontourist khuyến khích người miền Tây đi du lịch
  • Khách sạn 'phá' cam kết giảm giá theo Ấn tượng Việt Nam
  • Ẩm thực cho khách dã ngoại
  • Đà Lạt hút khách dịp cuối năm
  • Du lịch đón năm mới 2010: Khách đông, nhưng giá tour không tăng
  • Vietnam Airlines đẩy mạnh việc kinh doanh ở Đức
  • Ninh Bình thu hút 2 triệu du khách trong 11 tháng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com