Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Học mãi chưa xong

Đoàn du khách MICE ở TPHCM.

Nhìn lại năm 2010, du lịch Việt Nam dù còn quá nhiều tồn tại vẫn vượt khó để tăng trưởng. Thẳng thắn đánh giá những yếu kém của mình là cách tốt nhất để phát triển tốt hơn.

Năm triệu khách đến từ đâu?

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, năm 2010 ngành du lịch Việt Nam đã đón 5 triệu khách quốc tế và 28 triệu khách nội địa.

Trong con số 5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, gần 2 triệu là khách “ít tiền”. Đó là khách Trung Quốc vào bằng đường bộ qua các cửa khẩu phía Bắc bằng giấy thông hành. Đó là khách Campuchia cũng theo đường bộ qua các cửa khẩu phía Nam, chỉ ở khách sạn một sao hoặc nhà nghỉ. Đây là thị trường tăng nhanh nhất.

Mỗi ngày, riêng cửa khẩu Mộc Bài, có 78 chuyến xe 45 chỗ liên vận Sài Gòn - Phnôm Pênh đi về, chưa kể xe của các công ty du lịch. Khách đông như vậy nhưng chưa có hướng dẫn viên quốc tế tiếng Khmer nào được cấp thẻ. Đó là khách Tây ba lô. Chẳng nước nào khuyến khích loại hình này vì vừa khó quản lý, vừa thất thu thuế. Trong khi Campuchia cấm công dân 10 nước nhập cảnh thì Việt Nam thả cửa. Hậu quả là 5.000 “khách Tây” trốn lại Việt Nam, không giấy tờ, không nghề nghiệp. Lợi đâu chưa thấy mà chỉ có hại. Nói vậy để biết, du lịch Việt Nam còn quá nhiều bất cập. Thử hỏi trong số 5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, bao nhiêu khách trở lại lần thứ hai, thứ ba? Chắc chắn đây sẽ là con số thấp nhất so với các nước.

Lại bỏ qua nhiều cơ hội

Năm qua, chúng ta đã bỏ qua nhiều cơ hội, chưa biết tận dụng thời cơ để tăng tốc. Cả mấy năm trước cũng vậy. Đó là sự ổn định chính trị, là an ninh quốc gia, là tiềm năng du lịch dồi dào, là thị trường hấp dẫn và mới mẻ của nhiều du khách, kể cả sự bất ổn của các nước trong khu vực. Từ Bangkok về TPHCM gần hơn TPHCM đi Đà Nẵng mà đường lại tốt hơn, không hạn chế tốc độ, có thể kết hợp tham quan Angkor và Phnôm Pênh. Mỗi năm có 2 triệu khách quốc tế đến Angkor, nếu có tổng lãnh sự tại Siem Reap để quảng bá thông tin và cấp visa tại chỗ, Việt Nam sẽ có thêm mỗi năm vài trăm ngàn khách. Năm 2010, danh sách di sản thế giới của Việt Nam có thêm Hoàng thành Thăng Long, Hội Gióng và 82 bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Biết vậy nhưng chưa thể tham quan Hoàng Thành, tài liệu cũng chưa có, khách hỏi cứ phải ậm ờ. Có thêm di sản thế giới trước hết phải nghĩ ngay đến việc phát triển du lịch chứ không phải để khoe của hay tự hào suông.

Các lễ hội tháng nào cũng có, tỉnh nào cũng làm mà đình đám hơn cả là lễ hội 1.000 năm Thăng Long. Hoành tráng thì có nhưng hiệu quả du lịch thì không. Việt Nam có được thiên thời, địa lợi, chỉ thiếu nhân hòa. Cái thiếu lớn nhất của du lịch Việt Nam là một nhạc trưởng quyết đoán, có tầm nhìn chiến lược, có bản lĩnh và uy tín để tập họp lực lượng. Bởi du lịch Việt Nam có rất nhiều thế mạnh mà thế mạnh nhất là... mạnh ai nấy làm. Ở Việt Nam hình như chẳng ai có quyền và trách nhiệm cụ thể, cứ tập thể chung chung nhưng quyền lợi thì ai cũng có phần. Văn bản nào cũng “đề nghị” và “yêu cầu” nghĩa là tùy “hảo tâm” của người thực hiện. Nếu ba ngành giáo dục, lao động và du lịch biết chủ động kết hợp lịch nghỉ hợp lý thì lượng khách nội địa sẽ tăng đáng kể. Các ngành khác cũng thiếu sự phối hợp với du lịch, cho nên chương trình khuyến mãi chỉ cục bộ từng phần. Giá tour đến Việt Nam hiện nay đắt nhất so với các nước trong khu vực. Các khách sạn chỉ quan tâm đến việc gắn sao là xong mà không lo nâng cấp, bởi chưa có khách sạn nào bị gỡ sao…

Có cảm giác ở Việt Nam, những người làm du lịch chưa đủ đam mê và nhiệt huyết. Các dự án du lịch đa phần là đầu cơ đất hợp pháp rồi sang tay và bán lại. Giỏi lắm mươi năm là đổi chủ. Giao thông cũng là vấn nạn lớn cản trở du lịch. Đường sá Việt Nam chỉ khá hơn Lào, Campuchia và Myanmar nhưng lại kẹt xe tự phát nhiều hơn và tài xế bị nhũng nhiễu thường xuyên. Muốn làm hổ, làm rồng thì không thể thiếu điện. Bộ ba chân vạc “đường - điện - con Người” đều xập xệ làm sao du lịch cất cánh? Tài nguyên du lịch phong phú nhưng chỉ dạng tiềm năng. Điều quan trọng là biết “chế biến” theo phong tục, văn hóa và “khẩu vị” của du khách. Du lịch Việt Nam vẫn chủ yếu là biển và một ít phố, một ít sông nước, một ít đồng quê. Gần như chưa có du lịch rừng, du lịch núi, du lịch mạo hiểm, du lịch huấn luyện…

Chẳng cần học đâu xa, chỉ cần qua Trung Quốc và Thái Lan là đủ. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) có văn phòng tại 24 quốc gia. Văn phòng TAT tại TPHCM có người Thái nói tiếng Việt và người Việt nói tiếng Thái, phụ trách luôn các nước Campuchia, Lào, Myanmar. Họ có bộ phận nghiên cứu thông tin thị trường và đối tác rất chuyên nghiệp. Người Thái làm du lịch kiểu gì cũng giỏi, giá tour của họ rẻ nhất thế giới. Ở Trung Quốc, các khách sạn chỉ bán hàng qua mạng cho các công ty có mã số thuế với giá ưu đãi. Khách hàng tự do phải mua với giá gần gấp đôi. Cách làm này vừa chống thất thu thuế, vừa triệt xóa các công ty ma. Các khách sạn và danh thắng đều được xếp loại và phân theo A, B, C để quy định giá bán thống nhất…

Nhìn lại năm 2010, du lịch Việt Nam dù còn quá nhiều tồn tại vẫn vượt khó để tăng trưởng. Thẳng thắn đánh giá đúng mức những yếu kém của mình là cách tốt nhất để phát triển tốt hơn.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • 2010: xúc tiến du lịch trưởng thành vượt bậc về chất
  • Khách du lịch quốc tế đến thăm TP.HCM tăng 20%
  • Khách quốc tế đến Hà Nội tăng hơn 18%
  • Điệp khúc… “yếu kém”
  • Nhãn hiệu "Bông sen xanh" biểu trưng cho du lịch
  • Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch tại Việt Nam
  • Bảo tồn những giá trị của cao nguyên đá Đồng Văn
  • Quy hoạch bảo tồn vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com