Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kéo du khách nội địa không chỉ nhờ giảm giá

Khách du lịch Việt Nam tại khu nghỉ dưỡng Sea Lion ở thành phố Phan Thiết-Ảnh: Đào Loan

Một buổi sáng cuối tháng chín, nhà hàng phục vụ ăn sáng của một khu nghỉ bốn sao ở Phan Thiết chật cứng khách nội địa. Hàng trăm công nhân, nhân viên của một công ty may mặc tại TPHCM không chỉ làm cho nhà hàng mà cả khu nghỉ gần như kín khách. Khách quốc tế sụt giảm, ngành du lịch đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi đã tạo cơ hội cho du khách trong nước có thể ở những khu nghỉ cao cấp với giá cả vừa phải.

Khách nội chiếm ưu thế

Hơn một năm nay, trong khi khách quốc tế liên tục sụt giảm, ngay cả lúc đã bước vào mùa đông khách cuối năm thì khách du lịch nội địa liên tục tăng. Khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh là chuyện đau đầu của các nhà điều hành tour quốc tế nhưng chính điều này lại tác động tích cực đến thị trường du lịch nội địa.

Trong khủng hoảng, tầm quan trong của mảng du lịch nội địa được xem trọng hơn. Hàng loạt chương trình khuyến mãi được đưa ra, các khu nghỉ, nhà hàng, hàng không... giảm giá, đặc biệt là chương trình khuyến mãi Ấn tượng Việt Nam đã thu hút người Việt đi du lịch ngày càng nhiều.

"Đây là thời điểm đầu tiên mà giá nhiều tour trong nước có thể cạnh tranh với một số tour của các nước lân cận", ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ nói.

Ông Dũng là Phó trưởng nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa. Ông cho rằng, khuyến mãi lớn của ngành hàng không đã góp phần quan trọng trong việc thu hút khách nội. Chẳng hạn, với khuyến mãi của Vietnam Airlines cho các doanh nghiệp trong nhóm từ tháng chín đến tháng 12 năm nay, giá vé máy bay trọn tuyến từ TPHCM- Đồng Hới-Hà Nội-TPHCM chỉ còn 1,65 triệu đồng/vé so với giá bình thường vào khoảng 3,5 triệu đồng.

"Với khuyến mãi của hàng không thì giá tour cho khách nội trong mùa cuối năm có thể giảm từ 36% đến 40%", ông nói.

Những doanh nghiệp khác, không thuộc nhóm trên, không được hưởng khuyến mãi của hàng không thì cũng hưởng lợi từ việc giảm giá của các dịch vụ khác. Vì thế, rất nhiều công ty du lịch cho biết khách Việt đang tăng cao trong thời gian gần đây.

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM cũng cho thấy chỉ riêng trong tháng 7-2009, lượng khách nội địa mua tour đi bằng đường hàng không đã tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm trước.

Trên cả nước, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ước tính khách nội địa có thể đạt 25 triệu lượt trong năm nay, tăng hơn năm triệu so với năm 2008. "Khách nội đang tăng trưởng rất mạnh và góp phần khá lớn trong việc giảm bớt khó khăn cho ngành du lịch trong thời buổi khó khăn hiện tại", ông nói.

Cần thay đổi cách làm

Trước sự tăng trưởng nhanh của mảng du lịch nội địa do giá thấp hơn, người ta bắt đầu lo ngại liệu sau khuyến mãi thì mảng nội địa có còn duy trì được sự hấp dẫn. Ngoài yếu tố về giá, ngoài việc doanh nghiệp coi trọng mảng nội địa hơn nên thực hiện thêm những hoạt động tiếp thị đến với khách hàng tiềm năng, thì khâu quan trọng là phát triển chất lượng sản phẩm, cung cấp dịch vụ tại điểm đến, hầu như không có nhiều khác biệt so với trước. Ngoài ra, những biện pháp dài hơi để phát triển khách nội cũng chưa được đưa ra.

Đầu tuần này, ông Dũng thay mặt nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa đã đề nghị Vụ lữ hành kéo dài chương trình Ấn tượng Việt Nam đến giữa năm tới. Theo nhóm này, nếu chấm dứt như kế hoạch, tức là vào cuối năm nay thì giá tour đi bằng máy bay sẽ tăng 40%, tour đường bộ tăng khoảng 15%, thậm chí tăng cao hơn do giá một số dịch vụ khác cũng tăng. Việc này sẽ làm cho khách khó chấp nhận trong điều kiện thu nhập chưa thật sự ổn định.

Đề xuất trên lại càng cho thấy sự tăng trưởng không bền vững của du lịch nội địa: khi giá giảm - khách đi nhiều, giá bình thường trở lại - khách giảm, chưa có sự hấp dẫn thực sự để kéo chân du khách.

Ngay cả ở đơn vị quản lý ngành, Vụ lữ hành cũng cho rằng trước khủng hoảng, ngành chưa quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa. Hầu hết những nghiên cứu để tạo sản phẩm, khảo sát điểm đến, tiếp thị... đều nhắm đến khách quốc tế vì đây là lượng khách đóng góp phần lớn vào doanh thu của ngành. Du lịch nội địa được giao cho địa phương quản lý, cả về doanh nghiệp lẫn sản phẩm... 

"Chúng tôi phải thay đổi, không thể để mảng nội địa chỉ là mảng cứu khó cho ngành trong giai đoạn khủng hoảng. Chúng tôi sẽ xây dựng những chương trình phát triển sản phẩm, tiếp thị cũng như có những biện pháp để phát triển mảng tiềm năng này trong dài hạn", ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ lữ hành nói.

 

(Theo Đào Loan // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Du lịch An Giang : Những bước đi đột phá
  • Nhà nghỉ dưỡng miền sơn cước: Điểm ngắm của “đại gia” Hà Nội
  • Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn-Phú Quốc giảm giá 5-10%
  • TPHCM lấy ý kiến góp ý cho sản phẩm du lịch
  • Khách quốc tế vẫn giảm trong mùa đông khách
  • Du lịch biển vì sao chưa hút khách?
  • Khai trương đường bay Hà Nội – Hải Khẩu (Trung Quốc)
  • Khởi công khu khách sạn và biệt thự cao cấp Raffles
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com