Mặc cho tình hình kinh tế khó khăn, Furama Resort và đất khách |
Khủng hoảng kinh tế đang làm cho nhiều người phải thắt chặt hầu bao hơn, song điều này không đúng với tất cả mọi người! Các dịch vụ cao cấp vẫn tìm được khách hàng sộp!
Resort vẫn đất khách
Phải ở Resort để được hưởng các dịch vụ cao cấp. Đó là quan điểm nghỉ ngơi của anh B., Trưởng phòng Tài chính của một công ty truyền thông. Quan điểm đó vẫn không thay đổi trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Bằng chứng là anh đã chọn đi nghỉ 3 ngày tại khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở bãi biển Lăng Cô với mức giá 140 USD/ngày/phòng thay vì theo cơ quan vợ đi nghỉ tại Cửa Lò (Nghệ An) cho dịp lễ 30 - 4 tới. Không dừng ở đấy, anh đang tính sẽ đặt lịch đưa đại gia đình anh chị em đi nghỉ ở khu Resort Anna Mandora (Nha Trang) vào dịp lễ Quốc khánh 2 - 9. Dù rằng riêng chi phí tiền phòng cho chuyến đi đã lên tới gần 2.000 USD.
Cũng quan điểm đã nghỉ là phải... sướng, anh H. giám đốc một công ty kinh doanh ô tô đã lên kế hoạch nghỉ mát cho gia đình trước 3 tháng. Tính sớm như vậy là bởi anh sợ để sát ngày sẽ không còn phòng. Quả đúng như anh lo lắng, khu Resort Vạn Chài- Thanh Hóa chỉ còn phòng loại 2, phòng loại 1 đã được đặt hết từ đầu tháng 3. Khảo sát một vòng phía Nam, trái với mong đợi của anh, các khu nghỉ dưỡng cao cấp đều không mảy may giảm giá, thậm chí còn tăng.
Gia đình anh P. (Hà Nội) muốn đặt phòng tại Furama Resort (Đà Nẵng) vào cuối tháng 3, song nhân viên ở đây cho biết, giá phòng loại khá là 237 USD/đêm, không giảm, chỉ khuyến mại ô tô đưa đón sân bay. Lý giải việc không giảm giá, đại diện khu nghỉ dưỡng Furama tại Đà Nẵng cho rằng, mỗi khách sạn có một chính sách về giá. Nhiều khách sạn muốn giữ giá phòng cao để đảm bảo thương hiệu. Mặt khác, nhu cầu khách đi nghỉ cao cấp rất lớn, nên không có lý do để họ phải giảm giá.
Theo thông tin từ Công ty tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam, trong vài tháng qua, tỷ lệ chiếm chỗ trung binh của khách sạn 5 sao vẫn giữ ở mức cao là 75% trong khi giá phòng trung bình là 125 USD/đêm.
Chẳng thế mà đặt trước cả tháng, song một công ty liên doanh ô tô vẫn không kiếm nổi 20 phòng nghỉ cao cấp tại khách sạn 5 sao Victoria tại Sapa (Lào Cai) để tổ chức một sự kiện lớn. Chuyển sang khách sạn 4 sao cũng không đủ phòng. Rốt cuộc công ty này đành dời kế hoạch sang 2 tuần sau nữa. Giám đốc một công ty lữ hành tại Sapa cho biết, lượng khách du lịch nước ngoài đến Sapa giai đoạn này tuy có giảm, nhưng bù lại, khách nội địa lại tăng lên trông thấy. Sapa có rất nhiều khách sạn, tuy nhiên phần lớn chỉ là khách sạn, nhà nghỉ tư nhân, tiêu chuẩn thấp. Trong khi hiện nay xu hướng chọn khách sạn cao cấp với các dịch vụ tiêu chuẩn đi kèm ngày càng tăng, nên cuối tuần các khách sạn 4-5 sao hiếm khi còn phòng trống.
Cho xứng đẳng cấp
Một dịp lễ mới đây, Nguyên, nhân viên một công ty mỹ phẩm cao cấp của Nhật Bản đã bán được 9 bộ mỹ phẩm chăm sóc da cao cấp có giá 18 triệu đồng/bộ. Bộ sản phẩm này có giá cao bởi ngoài thương hiệu nổi tiếng còn kèm theo các dịch vụ chăm sóc khách hàng cho đến khi sử dụng hết sản phẩm. Nguyên “bật mí”, khách hàng của cô không chỉ là cánh nam giới mua tặng vợ, tặng người yêu mà khá nhiều chị em cũng mua để... tự chiều mình. Cô kể, “choáng” nhất là một nữ khách hàng làm ở một công ty luật đã mua luôn một lúc 3 bộ với lý do “cho đỡ buồn, cần thì làm quà tặng”.
Cũng với lý do để xả stress, X. Phó giám đốc một doanh nghiệp tư nhân trong lúc chờ đến giờ bay đã “lượn” ở Parkson 2 giờ đồng hồ. Kết quả là cô đã tiện tay xách tới 3 chiếc ví Louis Vuitton, mỗi chiếc có giá từ 3 - 4.000 USD, một bộ trang sức 1.600 USD, và một lô quần áo cho con. Tổng “thiệt hại” ước tính nhanh lên tới 200 triệu đồng. Điều đáng nói là cô thường xuyên có nhu cầu “đi shopping để giải tỏa stress”, những món đồ cô tiện tay xách về đôi lúc chẳng biết để làm gì dù giá của chúng đều tính bằng vài trăm đến cả nghìn USD.
Chẳng thế mà gói dịch vụ chăm sóc da cao cấp của Trung Tâm thẩm mỹ De Pari’s trên phố Tô Hiến Thành (Hà Nội) trị giá 2.500USD/năm mới xuất hiện lại đắt khách một cách bất ngờ, ngoài dự kiến. Lý giải điều này, chủ cửa hàng cho rằng, rất nhiều khách hàng quan niệm “dịch vụ cao (đắt tiền) khẳng định đẳng cấp người sử dụng”. Vậy nên cũng không lạ khi một doanh nhân đã bỏ ra 24.000 USD để tậu về chiếc đệm ngủ đi kèm với gối 1.000 USD đều có lớp bọc ngoài được làm từ chỉ bằng vàng. Hay mua tặng người phụ nữ của mình bộ trang sức gồm nhẫn 18.000 USD và vòng cổ 42.000 USD có gắn kim cương…
Vẫn có thể làm ăn tốt
Chẳng thế mà bất chấp suy thoái kinh tế, tin tưởng ở xu thế tiêu dùng gia tăng tại Việt Nam, tháng 3 vừa qua Tập đoàn ECC - đơn vị chuyên quản lý và phát triển trung tâm thương mại tại Hà Lan - đã công bố phát triển dự án trung tâm thương mại Promenada@Canary tại khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (Bình Dương). Dự án được liên doanh giữa Tập đoàn ECC và Guocoland Việt Nam đầu tư tới 33 triệu USD. Trung tâm này có diện tích khoảng 82.000m2 bao gồm siêu thị, khu vực ẩm thực, trung tâm thể thao nghỉ dưỡng... và được kỳ vọng sẽ khởi đầu cho kế hoạch mở rộng mạng lưới bán lẻ của tập đoàn tại thị trường Việt Nam.
Hiện cũng đang có nhiều tập đoàn đầu tư và quản lý quốc tế quan tâm đến thị trường du lịch, khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng, spa cao cấp tại Việt Nam, trong đó có Kingdom Hotels - tập đoàn đang sở hữu 4Seasons, Raffles và Movenpick, tập đoàn Banyan Tree, Colony Resorts và Intercontinental. Tỷ lệ cam kết đầu tư trong lĩnh vực bất động sản đang tăng trong tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Chính quyền nhiều địa phương cũng đang khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn vào xây dựng những khách sạn lớn tiêu chuẩn 4, 5 sao.
Xem ra các nhà kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cao cấp vẫn có đất tốt để phát triển tại thị trường Việt Nam.
( Theo Diễn đàn doanh nghiệp )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com