Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hoà): Cơ chế thoáng hết cỡ vẫn... chậm!

Năm 2004, chỉ ít tháng sau khi được Bộ Quốc phòng bàn giao một phần diện tích bắc bán đảo Cam Ranh để phục vụ định hướng phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phân chia hơn 2,15 triệu mét vuông đất ven biển ở khu vực Bãi Dài cho khoảng 30 nhà đầu tư.

Từ đó đến nay, UBND tỉnh Khánh Hoà đã ban hành cơ chế riêng thoáng hết cỡ dành cho các nhà đầu tư tại khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh, đồng thời đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng dự án và liên tục gia hạn vì chậm triển khai.

Chậm và rất chậm!

Tất nhiên, có rất nhiều lý do khách quan và chủ quan khiến dự án trọng điểm này triển khai chậm và rất... chậm. Trong thực tế, công đoạn cắm mốc, chia đất cho các nhà đầu tư tại khu vực quy hoạch định hướng “sẽ làm du lịch” đã hoàn tất từ giữa năm 2004; tuy nhiên mãi đến năm 2007, UBND tỉnh Khánh Hòa mới hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 toàn khu du lịch - tháng 6.2007 quy hoạch ở phía đông được phê duyệt và tháng 6.2009 phê duyệt quy hoạch ở phía tây.

Năm 2009-2010, sau nhiều lần “gặp gỡ, lắng nghe” các nhà đầu tư, UBND tỉnh Khánh Hòa đã kiên quyết thu hồi một số “dự án bất động” mà chủ đầu tư không chứng minh được năng lực tài chính; đồng thời chỉ đạo các ban, ngành liên quan cùng Ban quản lý khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh (DLBBĐCR) khẩn trương tháo gỡ mọi vướng mắc và gấp rút triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng dự án. Mặc dù những “chuyển động tích cực” trong 2 năm gần đây đã mở ra “không gian mới” ở phía đông bãi Dài, nhưng toàn cảnh KDLBBĐCR vẫn là những đồi cát trắng trập trùng hoang vắng.

Theo báo cáo của Sở KHĐT tỉnh Khánh Hòa, tính đến giữa tháng 5.2011, tại KDLBBĐCR có 30 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 27 dự án ở phía đông, 3 dự án ở phía tây. Tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư, triển khai đầu tư của các dự án rất chậm, mới có 7 dự án được cấp phép xây dựng, 6 dự án hoàn thành thủ tục đền bù giải tỏa và có quyết định cho thuê đất, nhưng chưa có giấy phép xây dựng, còn lại 17 dự án đang thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư.

“Cấp phép nhanh, thu hồi cũng rất nhanh!”

Đó là kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng trong hội nghị thường niên dành riêng cho các nhà đầu tư tại KDLBBĐCR vào sáng ngày 18.5.2011. Ông Nguyễn Chiến Thắng nói: “Đến thời điểm này không thể gia hạn thêm được nữa, vì thế UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép các nhà đầu tư liên doanh, liên kết với các đối tác trong nước để huy động thêm nguồn vốn nhàn rỗi của dân; mặt khác nhà đầu tư có thể phân kỳ dự án để xin cấp phép xây dựng từng phần và cũng có thể được phép gia hạn thời gian sử dụng đất.

Tới đây, UBND tỉnh sẽ trình HĐND xem xét kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất kinh doanh thành đất ở tại một số phân khu chức năng của KDLBBĐCR, theo đó nhà đầu tư được quyền lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm, thuê đất trả tiền 1 lần và thuê đất lâu dài. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ cấp 3 loại giấy chứng nhận sử dụng đất cho từng đối tượng khác nhau”.

Rõ ràng, hơn lúc nào hết lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đang quyết tâm khởi động lại những “dự án bất động” trên địa bàn. Xét về mặt lý thuyết, “cơ chế” của UBND Khánh Hòa đã mở hết cỡ, nhưng e rằng khó lay chuyển được thói quen trây ỳ và cả những thách thức rất thực tế. TGĐ Cty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang (chủ đầu tư khu du lịch Đỉnh Vàng) tỏ ra lo lắng: “Chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, ngay sau khi được cấp phép xây dựng, Công ty Đỉnh Vàng sẽ triển khai thi công và chắc chắn sẽ hoàn thành dự án đúng cam kết, nhưng rất lo, nếu chỉ có 1 dự án của chúng tôi giữa bãi cát hoang vu thì sẽ không ai đến”.

Theo phân tích của GĐ Sở TNMT tỉnh Khánh Hòa Lê Mộng Điệp, có 3 nhóm nhà đầu tư tại KDLBBĐCR: “Nhóm thứ nhất là những chủ dự án có năng lực tài chính và thực sự mong muốn triển khai, nhưng do dự vì hệ thống dịch vụ vệ tinh ở bán đảo Cam Ranh chưa hình thành, sẽ không thu hút được du khách; nhóm thứ hai là những nhà đầu tư đang tìm kiếm “đối tác” để sang nhượng dự án (thực chất là bán đất và tôi có danh sách này); nhóm thứ ba là những người mong muốn thực hiện, nhưng “lực bất tòng tâm” vì không có vốn”.

(Báo Lao Động)

  • Thừa Thiên - Huế trong phát triển du lịch bắc miền trung
  • UN WTO: Du lịch toàn cầu vẫn tiếp tục tăng mạnh
  • Du lịch Mỹ thiệt hại lớn do quy định về thị thực
  • Macau mở khách sạn-casino trị giá gần 2 tỷ USD
  • Tỉnh Thanh Hóa phát huy du lịch nghỉ dưỡng biển
  • Phát triển du lịch biển từ cát và muối
  • Festival Biển 2011 hướng về quần đảo Trường Sa
  • Đến Festival biển Nha Trang, không lo bị “chặt chém!”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com