Một hội nghị cấp bách của ngành du lịch vừa được tổ chức hồi cuối tuần qua. Các doanh nghiệp trong ngành được khuyến cáo nên thắt lưng buộc bụng và chăm chút những bạn hàng truyền thống.
Có thể tăng trưởng âm!
Theo số liệu cập nhật nhất, 11 tháng đầu năm 2008 Việt Nam đón hơn 3,87 triệu lượt khách quốc tế. Theo dự báo, trong tháng còn lại của năm, lượng khách tới Việt Nam sẽ còn tiếp tục giảm thêm 2-3% so với mức bình quân tháng xác lập được trong 11 tháng trước đó. Các thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam đều sụt giảm mạnh: Nhật Bản giảm 5,9%, Hàn Quốc giảm 3,5%, Đài Loan giảm 3,1%... Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định, mục tiêu đón 4,8 - 5 triệu khách quốc tế trong năm nay rõ ràng không thể thực hiện được.
Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist cho biết, khách nước ngoài vào du lịch tại Việt Nam qua đơn vị này đã giảm tới 50% so với năm trước. Nhiều đơn vị lữ hành tên tuổi khác cũng điêu đứng không kém: Vietran Tour giảm 30%, Vietravel giảm 10%... Còn nghiên cứu của Công ty TNHH CB Richard Ellis Việt Nam thì cho thấy, các khách sạn 5 sao trong quý 3 có hiệu suất sử dụng chỉ đạt 59%. Melia - khách sạn 5 sao ở Thủ đô Hà Nội luôn có hiệu suất buồng phòng “ngất ngưởng” trên 90% - năm nay cũng phải hài lòng với tỷ lệ xấp xỉ 80% trong mùa cao điểm. Không chỉ dừng ở những dự báo mà thực tế khó khăn của năm tới đã hiển hiện. Lượng khách đặt trước trong năm 2009 giảm trung bình 20% so với năm nay, số lượng tour từ châu Âu, Mỹ bị hủy rất lớn, có thị trường tỷ lệ này lên tới 63%.
Chính Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng không giấu nổi sự lo lắng: “Dự kiến, du lịch trong 6 tháng đầu năm 2009 chỉ giữ được như cùng kỳ 2008, thậm chí còn có thể giảm”.
Mua láng giềng gần
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn có cơ hội tăng trưởng, nếu chấp nhận giảm lợi nhuận, chăm chút những thị trường truyền thống - những “láng giềng gần” ở châu Á và ASEAN. Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhận định, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, một số thị trường du lịch thuộc loại hút khách nhất như Thái Lan cũng bất ổn chính trị, khách du lịch sẽ có tâm lý chọn điểm đến an toàn, giá cả hợp lý. Việt Nam cần tranh thủ cơ hội này để thu hút khách. “Hàng không - khách sạn - lữ hành cần hợp tác xây dựng các gói sản phẩm hấp dẫn, có giá cạnh tranh”. Và có cá, dù bé, vẫn hơn không!
Một việc cần làm khác là “hâm nóng” lại mối quan hệ với những bạn hàng truyền thống. Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM đặc biệt lưu ý đến Nhật Bản, một trong những thị trường lớn nhất của Việt Nam. Chia sẻ quan điểm này, ông Vũ Thế Bình (Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch) cho rằng, nếu nỗ lực, Việt Nam có thể nâng lượng khách đến từ khu vực ASEAN từ 17% hiện nay lên 30-40%. Các tỉnh ven biển Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam cũng được coi là những thị trường không nên bỏ qua.
Dẫu sao, theo Hiệp hội Du lịch Thế giới, du lịch là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất sau khủng hoảng. Giá dầu thế giới giảm mạnh cũng là một lợi thế cho phép giảm đáng kể chi phí đi lại. Cộng với những ưu đãi từ Nhà nước về thuế, viễn thông…, nới lỏng chính sách visa, các doanh nghiệp du lịch vẫn có thể “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Một minh chứng khá thuyết phục là trong khi những khách sạn 5 sao có công suất sử dụng buồng phòng giảm mạnh thì các khách sạn 3 sao vẫn đông khách!
(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com