Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An là di sản thế giới (29/8/1999-29/8/2009) Quảng Nam - Sức hấp dẫn của di sản !

Không biết tự bao giờ, dân gian đã có câu: "Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm. Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say" để nói về sự hấp dẫn của xứ Quảng.Trước đây, người ta biết Quảng Nam có chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh - người con ưu tú trong phong trào chống Pháp đầu thế kỷ 20.

 

Quảng Nam - hai tiếng ấy lại nhóm lên lòng căm thù sục sôi của mọi người khi nghe tin Ngô Đình Diệm giết hại bao người yêu nước ở đập Vĩnh Trinh. Và năm 1958, lại hướng về Quảng Nam, nơi đã sinh ra người con gái anh hùng Trần Thị Lý vừa thoát khỏi nhà tù, được đưa ra Hà Nội chữa bệnh:

 

Cả nước bên em quanh giường nệm ấm

Hát cho em nghe như tiếng mẹ ngày xưa

Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa

(Người con gái Việt Nam - Tố Hữu)

 

Giữa Sài Gòn xưa - TP.Hồ Chí Minh nay có một món ăn chính hiệu của Quảng Nam - món mì Quảng hấp dẫn. Và Quảng Nam - hai tiếng ấy ngày càng được nhiều người biết, được nhắc nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và sức hấp dẫn của nó ngày càng lan tỏa tới mọi miền đất nước và cả thế giới. Hành trình của sự lan tỏa và hấp dẫn đó là gì vậy?

 

Xin thưa: Đó là việc Tổ chức văn hóa thế giới của LHQ - UNESCO đã ra quyết định công nhận di sản văn hóa thế giới cho Thánh địa Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An của Quảng Nam vào ngày 29-8-1999. Một ngày thế giới công nhận hai di sản văn hóa của một tỉnh! Sự việc có một không hai đấy! Vinh dự ấy thuộc về Việt Nam. Vinh dự ấy thuộc về tỉnh Quảng Nam!

 

Thung lũng Mỹ Sơn thuộc huyện Duy Xuyên, nằm ở trung lưu sông Thu Bồn, bề ngang 1.000 m, bề dài 1.800 m. Vào cuối thế kỷ thứ IV, vua Bhadesvara của nước Chămpa chọn nơi đây để xây dựng một Thánh đường thờ các vị thần Ấn Độ giáo. Từ đó đến thế kỷ XIII, các vị vua kế tiếp nhau xây dựng tại thung lũng Mỹ Sơn này 70 công trình. Đến nay còn 20 tháp và nhiều tác phẩm điêu khắc gần như nguyên vẹn.

 

Thánh địa Mỹ Sơn tưởng đã thành phế tích, bị thời gian và người đời quên lãng giữa hoang sơ. Mãi đến năm 1885, một toán người Pháp trong đội quân xâm lược đến đây và phát hiện ra khu di tích độc đáo này. Năm 1899, các nhà khảo cổ học Phi-nô, La-giông-kie, Hăngri Pac-măng-chiê của Pháp đã nghiên cứu, xác định niên đại của công trình. Thế nhưng, chiến tranh và chiến tranh gần một thế kỷ đã làm cho Mỹ Sơn vẫn nằm trong sự lãng quên!

 

Năm 1980, nghĩa là sau 15 năm đất nước hòa bình, thống nhất, kế hoạch bảo quản và trùng tu Mỹ Sơn lần thứ nhất mới được thực thi với sự hợp tác của các chuyên gia người Ba Lan, mà kiến trúc sư Kazimier Kwiat Kowski là người yêu say mê Mỹ Sơn đã có nhiều đóng góp đáng kể. Sau Ba Lan là sự giúp đỡ quý báu của chuyên gia các nước Nga, Tiệp Khắc, Thụy Sĩ, Đức, Anh, Úc và Indonexia. Hơi ấm của những người ngày đêm bảo quản, trùng tu và của khách tham quan đã làm cho Mỹ Sơn sống lại. Hình ảnh Thánh địa Mỹ Sơn cổ kính, thâm nghiêm, huyền bí làm mê đắm hàng vạn du khách đến đây mỗi năm. Và theo các du khách là porter hình ảnh Mỹ Sơn được mang đi ban phát khắp hành tinh, gợi sự tò mò, hấp dẫn cho biết bao người. Từ Mỹ Sơn xuôi về hạ lưu sông Thu Bồn 45 km, du khách không thể không dừng chân lại với Đô thị cổ Hội An.

 

Nếu Mỹ Sơn là sản phẩm tinh thần thuần túy của người Chăm, là giấc mơ hướng về Thượng Giới, về Vĩnh Cửu, thì Hội An là sản phẩm của nhiều dân tộc, nhiều cộng đồng, là giấc mơ trần thế của những con người bình thường làm ăn, buôn bán, mong được an cư lạc nghiệp trong hòa bình và hòa hợp, đúng như tên gọi của nó!

 

Đô thị cổ Hội An nằm bên sông Thu Bồn và có sông Hoài chảy qua nên còn gọi là phố Hoài. Trước thế kỷ XV, nơi đây là một cảng trọng yếu của Chămpa. Từ cuối thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, Hội An trở thành trung tâm giao thương quan trọng phát triển, phồn thịnh nhất của nước ta: “Phàm hóa vật phẩm sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang (Bình Thuận bây giờ) và dinh Nha Trang, đường thủy, đường bộ, đi thuyền, đi ngựa đều hội tập ở Hội An. Vì thế, khách phương Bắc đều tụ tập ở đấy để mua về nước. Hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được. Đó là 51 mặt hàng xuất khẩu qua cảng Hội An, trong đó có các đặc sản: trầm, kỳ nam, gỗ quý, quế, đường phổi, tơ lụa và cá khô” (Trích sách Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn).

 

Kiến trúc sư Ba Lan Kazimier - người mê đắm Mỹ Sơn, cũng là người đã reo lên khi đặt chân đến Hội An “Phố cổ Hội An là nơi độc nhất trên thế giới này mà con người vẫn sinh sống trong những di tích!”. Với lợi thế đó, Hội An hầu như còn nguyên vẹn những công trình kiến trúc lâu đời. Đến nay, ở Hội An còn thống kê được 1.310 di tích các loại.

 

Không những sống và tồn tại nguyên vẹn, mà Hội An ngày càng tấp nập khi hàng ngày trên các đường phố sầm uất nườm nượp người qua lại tham quan, mua sắm hàng lưu niệm được sản xuất tại chỗ, làm cho người dân phố cổ thêm giàu có.

 

Để giới thiệu Hội An, Mỹ Sơn, nhằm thu hút khách du lịch, bắt đầu từ năm 2003, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức “Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản”. Một sân khấu nổi mọc lên trên sông Hoài có sức chứa cả ngàn người đã quy tụ hàng ngàn diễn viên thay nhau biểu diễn liên tục. Trong 5 ngày hội hành trình di sản, nườm nượp dòng người nối nhau từ Hội An ngược lên Mỹ Sơn và từ Mỹ Sơn xuôi về Hội An. Hành trình giữa hai di sản này, du khách có thể dừng chân tham quan Bảo tàng Chăm cũng rất hoành tráng và hấp dẫn, bổ sung thêm kiến thức cho sự hiểu biết sâu sắc về cội nguồn, lịch sử phát triển và nền văn minh của người Chăm.

 

Trong tháng “Cảm xúc mùa hè 2004”, riêng Hội An đã đón 63.000 lượt khách du lịch, trong đó có 4.000 khách quốc tế... Hành trình di sản 2005, con số tăng lên nhiều lần. 100 khách sạn và các nhà trọ đều kín khách ở.

 

“Lễ hội Quảng Nam - Hội ngộ di sản Đông Dương” diễn ra từ tối 27 đến 30-6-2007 được tổ chức hoành tráng với những màn trình diễn độc đáo mang đậm màu sắc văn hóa các nước Đông Dương. Đặc biệt, năm 2007, Ban tổ chức lễ hội biến “Quảng Nam - Hành trình di sản lần thứ 3” thành nơi chứng kiến “cái bắt tay” thân thiện giữa 6 di sản văn hóa của 3 nước Đông Dương: Huế, Mỹ Sơn, Hội An (Việt Nam), Angkor Wat (Campuchia), Watphu và Luangphrabang (Lào).

 

“Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản lần thứ 4” diễn ra từ ngày 4 đến 6-6-2009, Ban tổ chức đã khai mạc nhiều lễ hội nhân kỷ niệm 10 năm Thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An được UNESCO công nhận di sản thế giới. Quy mô lễ hội và khách du lịch trong nước và thế giới đến Hội An càng đông hơn trước.

 

Tỉnh Quảng Nam có 9 lễ hội được tổ chức thường xuyên hàng năm như: lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội Long Chu, lễ hội Cầu Bông, lễ hội Bà Chúa tằm tơ, Đêm phố cổ Hội An... Có lẽ đây là tỉnh có nhiều lễ hội nhất nước ta!

(Theo Hậu Giang Online)

  • Saigontourist: 30 tour tiết kiệm mùa du lịch Thu - Đông 2009
  • Thông cáo báo chí về Festival hoa Đà Lạt 2010
  • Hợp tác phát triển du lịch Lào Cai và Vân Nam
  • Ngành hàng không thế giới thua lỗ hơn 6 tỉ USD
  • Du lịch miệt vườn Thới Sơn, vì sao đìu hiu?
  • Du lịch Việt Nam trong cơn bão khủng hoảng
  • Hà Nội: Dự báo giá phòng khách sạn còn giảm đến năm 2010
  • Xây dựng thành phố sinh thái Hội An
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com