Năm du lịch quốc gia 2010 hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. (Ảnh: Đình Na/TTXVN) |
Ngành du lịch Việt Nam - sau một thời gian dài đối mặt với khó khăn do sự sụt giảm lượng khách quốc tế và cơ sở hạ tầng xuống cấp, đang bắt đầu có những bước chuyển mình.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp không khói thì năm 2010, với hàng loạt các sự kiện lớn được tổ chức trong nước, mà tiêu điểm là năm du lịch quốc gia 2010 hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, được coi là một "cơ hội vàng” đối với ngành du lịch Việt Nam.
Cơ hội vàng để bứt phá
Theo thông lệ những năm trước, việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia được ưu tiên cho các địa phương có tiềm năng nhưng chưa khai thác, phát huy được thế mạnh vốn có.
Song năm nay, sự ưu ái này đã được dành cho Hà Nội, một trong hai địa phương đứng đầu trong việc thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đại lễ 1000 năm Thăng Long và Năm Du lịch Quốc gia là cơ hội ngàn vàng để quảng bá và xúc tiến du lịch Hà Nội nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, thì năm 2010 sẽ là năm “điểm nhấn” của du lịch Việt Nam, là cơ hội để du lịch Việt Nam tạo ấn tượng và có một vị thế tốt trên bản đồ du lịch thế giới.
Toàn ngành đang dốc sức cho mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chia sẻ về vấn đề này, ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, vốn là một thành phố có bề dày lịch sử ngàn năm, đặc biệt lại là một Thủ đô, với tâm điểm là Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao lớn sẽ được tổ chức ngay từ đầu năm 2010 như lễ hội Phố Hoa, triển lãm “Nghề gốm Bát Tràng - cổ truyền và hiện đại”, liên hoan thả diều 3 miền...
Đặc biệt, các địa phương trên cả nước cũng nhân cơ hội này tổ chức nhiều chương trình du lịch gắn với dấu ấn 1000 năm. Nổi bật trong số đó là tour du lịch quốc tế leo núi cắm cờ “Thăng Long-Hà Nội 1000 năm tuổi” trên đỉnh Fansipan; Festival Hoa Đà Lạt 2010; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng-Phú Thọ; lễ hội Lam Kinh-Thanh Hóa; Festival Huế 2010.
Với các đơn vị kinh doanh du lịch thì năm 2010 cũng đã được coi là thời điểm tạo sức bật, tạo đà phát triển cho ngành du lịch Việt Nam. Vì thế, ngay từ khoảng giữa năm 2009, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng và chào bán các tour du lịch tìm hiểu các di tích gắn với lịch sử Thăng Long ngàn năm.
Hanoitourist tung ra chùm tour phục vụ du khách tham dự Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội với 10 tuyến tham quan Hà Nội, Hoàng Thành Thăng Long, làng nghề, phố nghề, làng cổ-phố cổ, di tích Đền Đô-Chùa Phật Tích, Việt Phủ Thành Chương, tham quan Ninh Bình, Vịnh Hạ Long, du lịch trên sông Hồng-các làng ngoại thành Hà Nội ven sông Hồng.
Công ty Vietnam MICE Services, thuộc Vietran Tour, cũng giới thiệu sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ khách quốc tế mang tên "Truy tìm bí kíp Lý triều" nhằm khám phá những di tích lịch sử nghìn năm của đất Rồng bay.
“Vàng” không dễ cầm tay?
Để đón đầu cơ hội vàng này, du lịch Việt Nam cần chuẩn bị sẵn các phương án như nhanh chóng chuẩn hóa, quốc tế hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch ở Việt Nam, đồng thời cần được sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các bộ ngành khác.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch hệ thống cảng du lịch tách khỏi cảng hàng hóa để tiến tới xây dựng hệ thống nhà ga hành khách tại các cảng du lịch có khả năng tiếp nhận khách du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục mở các đường bay trực tiếp đến các thị trường trọng điểm và tiềm năng của du lịch Việt Nam; kiến nghị triển khai chính thức loại hình cấp visa ngay ở cửa khẩu, trước mắt ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Cần có chế độ linh hoạt về visa, cho phép miễn lệ phí đối với các chiến dịch khuyến mại của ngành du lịch (kéo dài visa cho khách quốc tế theo Chương trình “Ấn tượng Việt Nam” đến hết tháng 3/2010), đồng thời miễn lệ phí visa cho khách du lịch đến Việt Nam bằng đường biển.
Năm 2010, ngành du lịch sẽ có đà bật mạnh khi năm 2009 được đánh giá là năm khó khăn nhất từ trước tới nay đối với ngành này nhưng vẫn tăng trưởng 8%. Đặc biệt, khách quốc tế đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Và theo nhiều chuyên gia thì tình hình sẽ có nhiều dấu hiệu sáng sủa hơn trong năm tới.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia về du lịch, nếu ngay từ thời điểm này mà các doanh nghiệp chưa đưa ra được những chính sách hợp lý thì thời cơ trôi qua cũng rất nhanh./.
Bài thuộc chuyên đề: Dự báo kinh tế Việt Nam 2010
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com