Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhiều hãng hàng không giảm giá vé

Đợt khuyến mãi vé máy bay trùng với thời điểm diễn ra chương trình kích cầu du lịch và trần giá vé nên người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn

Trên mạng bay nội địa, Vietnam Airlines (VNA) vẫn áp dụng các mức giá 950.000 đồng/chiều trên đường bay Hà Nội – TPHCM, đồng thời duy trì chính sách giảm giá 100% vé trên các chuyến bay đêm.



Hành khách tham khảo chương trình khuyến mãi vé siêu rẻ của Vietnam Airlines

Vé siêu rẻ

Tương tự, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific đang áp dụng mức giảm 15%-35% so với giá trần. Giá vé cho các đường bay từ TPHCM và Hà Nội đi Đà Nẵng thấp nhất chỉ còn 315.000 đồng/vé/chiều; từ TPHCM đi Hà Nội thấp nhất chỉ còn 600.000 đồng/vé/chiều...

Trên đường bay quốc tế, VNA đang tung ra loạt giá vé siêu rẻ đi châu Á và châu Âu. Hành khách có thể mua với các mức giá khác nhau từ 950.000 đồng đến 11,44 triệu đồng/vé/chiều (tùy hành trình). Trong đó, thấp nhất là vé khứ hồi Hà Nội - Yangoon chỉ còn 950.000 đồng/vé và hành khách có thể đặt chỗ mua từ hôm nay, 15-3. Mức giá siêu rẻ này được áp dụng đối với vé xuất từ ngày 15 đến 25-3, hành trình khởi hành trong giai đoạn từ ngày 1-4 đến 10-6 trên các đường bay từ Hà Nội và TPHCM đi Đài Bắc, Cao Hùng, Fukuoka, Tokyo, Osaka, Nagoya, Seoul, Busan, Sydney, Melbourne, Paris, Moscow.

Nhiều hãng hàng không quốc tế có đường bay đến VN cũng đang triển khai đợt khuyến mãi quy mô lớn. VivaMacau bán vé từ 35 USD/chiều trên đường bay thẳng Hà Nội - Macau, Korean Air cũng đang khuyến mãi vé khứ hồi từ VN đi Mỹ từ 750 USD/vé (đến bờ Tây) và từ 1.000 USD/vé (đến bờ Đông). Vé khứ hồi đến châu Âu của Korean Air cũng có mức thấp nhất 740 USD/vé.

Sẽ có cuộc đua mới?

Cục Hàng không VN nhận định những năm gần đây, thị trường hàng không VN có tốc độ tăng trưởng rất nóng, đến 20%, song hiện chỉ có hai hãng khai thác chủ yếu là VNA và Jetstar Pacific. Vào các đợt cao điểm Tết, kỳ nghỉ lễ dài ngày và mùa hè luôn diễn ra tình trạng sốt vé. Nếu tăng thêm hãng vận chuyển, nguồn cung sẽ tăng và đem lại nhiều cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng. Thị trường có càng nhiều hãng tham gia càng có lợi, tránh tình trạng độc quyền.

Tuy nhiên, theo lộ trình, từ nay đến năm 2012, Cục Hàng không VN mới tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập hãng hàng không mới và đến năm 2015, tối đa chỉ có thêm 2 hãng được cấp phép. Kinh doanh hàng không có rất nhiều thách thức, đối với hãng hàng không mới, chỉ dựa vào tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong nước thì chưa đủ. VN đã có 6 hãng hàng không nhưng chỉ có 4 hãng đi vào hoạt động. Indochina Airlines “nửa đường đứt gánh”, VietJet Air (VJA) được cấp phép hơn một năm vẫn chưa đủ sức bay. Ngay cả Pacific Airlines trước đây cũng phải mất hơn 10 năm mới được cấp chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) - một trong những điều kiện cần để hoạt động hàng không.

Dù kinh doanh hàng không phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng mới đây, sau khi đạt được thỏa thuận bán 30% cổ phần cho hãng hàng không giá rẻ hàng đầu châu Á là Air Asia (AA), hãng hàng không tư nhân của VN VJA đang khẩn trương lên kế hoạch để thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên trong năm nay. Dự kiến các chuyến bay sẽ sử dụng thương hiệu VietJet AirAsia (VJAA). Tuy còn nhiều quan điểm khác nhau về việc AA đầu tư vào VJA nhưng dự kiến thị trường hàng không nội địa sẽ có sự cạnh tranh mới khi VJAA đi vào hoạt động.

VNA phản ứng AA mua cổ phần VJA

Ngay khi AA có thông cáo mua lại 30% cổ phần của VJA để thành lập hãng hàng không giá rẻ VJAA, VNA đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị không thông qua thương vụ này. Vì thị trường hàng không nội địa được coi là tài sản quốc gia nên theo thông lệ, các nước trên thế giới thường hạn chế mức đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hàng không. Nắm 30% cổ phần, AA được tham gia HĐQT của VJA và có thể chi phối hoạt động của hãng theo ý đồ của mình.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tâm, Tổng Giám đốc VJA, khẳng định với việc tham gia góp vốn theo tỉ lệ 30%, AA chỉ giữ vai trò của một cổ đông và VJA là công ty cổ phẩn có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, không phải hãng hàng không nước ngoài hay liên doanh nên không có hiện tượng quyền kiểm soát rơi vào tay đối tác nước ngoài.

Theo Cục Hàng không VN, đây không phải lần đầu tiên AA đặt vấn đề góp vốn vào một hãng hàng không nội địa của VN và lần nào cũng có những ý kiến phản đối. Tuy nhiên, thương vụ góp vốn vào VJA của AA lần này là không trái luật nên đã được Bộ GTVT thông qua. Hiện Chính phủ đang yêu cầu Bộ GTVT báo cáo về việc đầu tư của AA vào VJA.

 

(Bài và ảnh: Tô Hà // Nguoilaodong Online)

  • Triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2010
  • Năm 2010, kích cầu du lịch bằng bán hàng giảm giá
  • Lễ hội ẩm thực trên bãi biển dài 3 km
  • Tìm kiếm giải pháp phát triển cho ngành du lịch
  • Festival thuyền buồm quốc tế tại Mũi Né Phan Thiết 2010
  • Khách du lịch đến TP.HCM tăng đột biến
  • Châu Á - thị trường du lịch hàng không lớn nhất thế giới
  • Chấn chỉnh hoạt động đưa khách Việt đi du lịch nước ngoài
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com