Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển du lịch tàu biển: Thiếu dịch vụ “siêu” sang

Du lịch tàu biển là loại hình du lịch hạng sang, du khách sẵn sàng chi khoản tiền lớn cho mỗi chuyến đi. Để thu hút lượng khách tàu biển, không chỉ có danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn đòi hỏi các dịch vụ cao cấp, “siêu” sang đi kèm. Việt Nam đang có lợi thế lớn trong thu hút khách tàu biển đến tham quan, du lịch. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn thiếu các dịch vụ cao cấp để du khách có thể… xài tiền.

Du thuyền quốc tế chở khách châu Âu cập cảng tham quan TPHCM. Ảnh: M.HẠNH

Tiềm năng lớn

Theo các công ty du lịch, khách tàu biển đến Việt Nam đã có từ cuối những năm 1990. Tuy nhiên, loại hình du lịch dành cho khách hạng sang chủ yếu từ các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha… đi trên những du thuyền 5 sao đến Việt Nam lại bắt đầu nổi lên từ năm 2000 và liên tục tăng lên trong những năm sau đó.

Theo số liệu của Cục Thống kê, năm 2007, có hơn 224.000 khách tàu biển đến Việt Nam. Sang năm 2008, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lượng khách tàu biển giảm xuống còn khoảng 157.000 khách. Sang đến năm 2009, khách tàu biển đến Việt Nam chỉ còn khoảng 66.000 khách. Với những số liệu này, rõ ràng lượng khách tàu biển quốc tế đến Việt Nam đã giảm mạnh.

Saigontourist cho biết, trong năm 2010 đơn vị đã có ký kết hợp tác với một số hãng tàu mới để đưa khách đến Việt Nam. Đến nay, Saigontourist đã hợp tác với khoảng 40 hãng tàu du lịch trên thế giới và trong 10 tháng năm 2010, đã đón 45.000 khách tàu biển. Dự kiến lượng khách tàu biển mà Saigontourist phục vụ trong năm nay cao hơn năm 2009.

Với bờ biển dài hơn 3.200km, sở hữu nhiều vịnh, bãi biển đẹp của thế giới, cùng với nhiều thắng cảnh du lịch nổi tiếng trải khắp 3 miền, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch biển. Có thể nói, du lịch biển đang đóng góp phần quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch.

Xác định lợi thế này, trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2010-2020, ngành du lịch Việt Nam đã chọn du lịch biển là du lịch mũi nhọn.

Thực tế hiện nay, nếu phát triển tốt các dịch vụ để đáp ứng được yêu cầu cao cấp cho phân khúc khách hạng sang này, chắc chắn giá trị gia tăng của ngành du lịch Việt Nam sẽ tăng cao hơn. Vì với chi phí khoảng 1.000 - 1.500 USD/ngày khách tàu biển bỏ ra cho một chuyến đi trên hành trình dài 15 ngày, 1 tháng hoặc 3 tháng quả là một số tiền rất lớn.

Thiếu dịch vụ

Theo đánh giá của các công ty du lịch chuyên khai thác lượng khách tàu biển tại Việt Nam, khả năng tăng trưởng lượng khách này còn rất lớn. Lợi thế rõ nhất là Việt Nam nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có sự tăng trưởng, phát triển du lịch năng động và là điểm đến hấp dẫn của du lịch thế giới.

Tuy nhiên, với những du thuyền lớn chứa 2.500 - 3.000 khách, việc cung ứng dịch vụ, phục vụ cùng một lúc một lượng khách lớn như thế không phải doanh nghiệp du lịch nào cũng có thể cáng đáng nổi. Đó là một trong những điều kiện và lý do vì sao hiện nay chỉ có một số đơn vị du lịch lớn tại Việt Nam đón tiếp, phục vụ khách tàu biển.

Ông Vũ Duy Vũ, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist nhận xét, chưa kể đến các dịch vụ cao cấp khác, chỉ riêng việc huy động lực lượng hướng dẫn viên để phục vụ cho lượng khách này đã là vấn đề lớn. Du khách lại thuộc nhiều quốc tịch khác nhau nên đòi hỏi phải cần nhiều hướng dẫn viên biết ngoại ngữ của khách.

Hướng dẫn viên nói tiếng Anh, Pháp hiện nay tương đối nhiều nhưng với những ngoại ngữ hiếm như Đức, Tây Ban Nha, đúng là rất… hiếm. Nguồn nhân lực đang là thách thức lớn của ngành du lịch Việt Nam hiện nay.

Để phục vụ cho khách hạng sang trên những du thuyền 5 sao cũng đòi hỏi dịch vụ cao cấp, thậm chí có thể nói là “siêu” sang. Nhiều đoàn khách tàu biển không di chuyển bằng xe lớn 45 - 50 chỗ ngồi, mà thay vào đó là xe 4 - 7 chỗ thuộc các dòng xe cao cấp, đắt tiền.

Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du Ngoạn Việt cho biết, với khách tàu biển, vấn đề tiền bạc đối với họ không quan trọng bằng việc chúng ta có thể đáp ứng được yêu cầu của họ hay không. Có những người giàu, họ đưa ra đề nghị muốn đi trực thăng để ăn tối và yêu cầu đi trên những loại xe siêu sang, dù chỉ chạy từ khách sạn ra sân bay.

Tại Việt Nam hiện nay, xe hơi doanh nghiệp có thể xoay xở được, còn máy bay thì quá khó. Nếu thuê được máy bay nhưng không có bãi đỗ trên các tòa nhà cũng như không. Có nhiều khách không đi theo hành trình tour của tàu, khi đến TPHCM, khách “nổi hứng” muốn đi Campuchia hoặc một vài điểm đến khác, doanh nghiệp phải cố gắng hết sức để thỏa mãn yêu cầu của khách.

Việc thiếu hoặc chưa có cầu cảng chuyên dành cho tàu du lịch tại TPHCM và Việt Nam cũng là một trong những hạn chế để phát triển du lịch tàu biển. Hiện nay, khách tàu biển cập cảng TPHCM đều phải đi nhờ các cảng hàng hóa và tất nhiên sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn về bến bãi, vệ sinh cho khách.

UBND TPHCM vừa chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu Công viên vui chơi nghỉ dưỡng và Bến tàu khách du lịch với diện tích 10,2 ha tại khu Bờ Băng, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè. Đây sẽ là điều kiện để thúc đẩy phát triển du lịch tàu biển trong thời gian tới.

(Theo Mỹ Hạnh/sggp)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com