Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thời cơ bùng nổ các hãng hàng không giá rẻ

 
Một hãng hàng không giá rẻ của Malaysia.

 Trái ngược với tình cảnh nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới phải cắt giảm chi phí và tần suất bay để đối phó với khủng hoảng kinh tế thế giới, các hãng hàng không giá rẻ lại đang đẩy mạnh hoạt động và mua máy bay mới, với tham vọng gia tăng thị phần trong "miếng bánh" ngành hàng không toàn cầu.

 
Ông Derek Sadubin, thuộc Trung tâm Hàng không châu Á-Thái Bình Dương nhận xét: "Các hãng hàng không cung cấp dịch vụ trọn gói đang đứng trước bài toán hóc búa, khi các đối thủ cạnh tranh giá rẻ vươn ra thế giới". 
 
Trong khi doanh thu của các hãng hàng không lớn tụt dốc thê thảm do lượng hành khách đi vé máy bay hạng nhất sụt giảm, thì các hãng nhỏ hơn lại ứng phó với suy thoái rất tốt, với các hình thức kinh doanh chi phí thấp như lựa chọn những vị trí đỗ giá rẻ trong sân bay, hay tăng cường dịch vụ khách hàng để gia tăng lợi nhuận.
 
Theo ông Sadubin, các hãng hàng không giá rẻ tại châu Á đã tăng trưởng mạnh kể từ đầu năm 2000 đến nay và hiện chiếm 16% thị phần khu vực. Dự kiến, con số này sẽ vượt ngưỡng 20% trong một hoặc hai năm tới, khi các hãng mở thêm nhiều tuyến bay mới trên toàn khu vực và cho phép hành khách lựa chọn hình thức bay có chi phí rẻ hơn nhiều các hãng hàng không cung cấp dịch vụ bay trọn gói.
 
Hãng hàng không giá rẻ AirAsia (có trụ sở tại Malaysia) lớn nhất châu Á, mới đây thông báo đạt lợi nhuận ròng 56,4 triệu USD trong quý I/09, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời lượng hành khách đi máy bay của hãng tăng kỷ lục 21%, đạt 3,15 triệu. AirAsia cũng đang đặt hàng các máy bay mới và có kế hoạch mở rộng thị trường sang Mỹ và châu Âu.
 
Thành công của AirAsia đã thúc đẩy sự ra đời của nhiều hãng hàng không giá rẻ khác, trong đó đáng chú ý là Tiger Airways và Jetstar. Tiger (49% cổ phần thuộc về Singapore Airlines) hiện đang tích cực mở rộng hoạt động và đặt hàng 56 máy bay mới tới năm 2016.
 
Tại châu Âu, hãng hàng không giá rẻ Ryanair của Ireland hy vọng đạt lời nhuận ròng tới 250 triệu euro (350 triệu USD) trong tài khóa 2010, đồng thời dự kiến đặt mua thêm 300 máy bay mới, một động thái nâng tầm quy mô của hãng tăng gấp đôi so với hãng hàng không khổng lồ British Airways của Anh.
 
Sự cạnh tranh gay gắt của các hãng hàng không giá rẻ buộc nhiều hãng lớn hơn thay đổi "cuộc chơi", khi phải hạ giá vé theo nhằm bảo vệ thị phần đang lung lay của mình. British Airways thông báo ngừng mua máy bay mới, trong khi Qantas tạm thời hủy bỏ các dịch vụ hạng sang và một số chuyến bay đường dài. 
 
Tuy nhiên, người phát ngôn của Singapore Airlines, một trong những hãng hàng không lớn nhất châu Á, vẫn tự tin về sự phục hồi khi khẳng định rằng: "Đây chỉ là một chu kỳ kinh doanh thường thấy và tiềm năng tăng trưởng tích cực sẽ sớm trở lại. Chúng tôi sẽ không thay đổi mục tiêu kinh doanh chỉ vì suy thoái kinh tế"./.

(TTXVN/Vietnam+)

 

  • Ngồi trên... diều, ngắm cảnh đẹp vịnh Hạ Long
  • Sáng tác biểu trưng ngành văn hóa, thể thao, du lịch
  • Nỗi buồn chợ đêm phố cổ
  • Vietnam Airlines đa dạng hóa giá vé trên đường bay mới
  • Phát hiện 11 ngôi mộ cổ trong khu vực Thủy điện Sơn La
  • "TPHCM- trăm điều thú vị" sẽ thay đổi hàng năm
  • Có thể thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn xúc tiến du lịch
  • Sân bay Singapore phục vụ khách tốt nhất thế giới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com