Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xây dựng thương hiệu du lịch chung cho miền Trung

Lợi thế về biển kết hợp hội tụ bốn di sản văn hoá thế giới, miền Trung đang hướng tới xây dựng một chương trình liên kết để nâng cao hiệu quả dịch vụ du lịch.
 
Để tăng cường công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của du lịch miền Trung nói chung, đại diện ngành du lịch ba địa phương Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng đã ký biên bản hợp tác liên kết phát triển du lịch.

Mở đầu là việc ba địa phương đã có những hành động hưởng ứng chuỗi sự kiện: “Đà Nẵng biển gọi”, “Hành trình Di sản” - Quảng Nam, “Lăng cô huyền thoại biển”- Thừa Thiên Huế; đồng thời ngành du lịch ba địa phương đã phối hợp tổ chức Roadshow tại Bangkok (Thái Lan), Paris (Pháp) và nhiều quốc gia châu Âu và Đông Bắc Á khác. Thông qua các hoạt động chung của ngành du lịch ba địa phương và sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ qua các chương trình lễ hội, xây dựng sản phẩm du lịch;... Du lịch Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đang nâng dần tính chuyên nghiệp của sự liên kết, hướng tới việc phát triển du lịch một cách bền vững.

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đang  xây dựng môi trường du lịch, đa dạng hoá sản phẩm, xác định thế mạnh của du lịch Đà Nẵng trong mối liên hệ với Huế, Quảng Nam. Đà Nẵng có sự mệnh to lớn trong việc tiếp tục duy trì con đường di sản miền Trung và nối dài tới không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên. Hơn nữa, chủ động kết nối du lịch miền Trung - Tây Nguyên với những điểm đến nổi tiếng của ba nước Đông Dương và tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây sẽ mở ra những vận hội mới cho du lịch trong vùng. Hội nhập và liên kết đang là xu thế tất yếu và du lịch Đà Nẵng quyết không đứng ngoài mà sẽ đóng góp sinh động vào tiến trình này.

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho rằng, ngành du lịch Quảng Nam luôn quan tâm đến sự liên kết vùng, xem đó là một trong những giải pháp phát  triển của chính mình. Vấn đề đặt ra là phối hợp như thế nào để đạt hiệu quả và tiếp cận thị trường tốt hơn. Phối hợp đón các đoàn Famtrip và kết hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến tại các thị trường nước ngoài (Hàn Quốc, Nga) đang là định hướng chung của ba địa phương. Trong các hoạt động này, ba sở du lịch sẽ cùng phát hành một số ấn phẩm chung về du lịch như sách hướng dẫn, bản đồ, brochure... Đồng thời, các sở sẽ tăng cường phối hợp trong việc tổ chức các sự kiện du lịch để tránh trùng lặp về thời gian, hỗ trợ nhau trong công tác tổ chức và quảng bá các sự kiện du lịch ở mỗi địa phương một cách thiết thực; tạo điều kiện cho các công ty lữ hành trong việc đặt văn phòng, chi nhánh, vận chuyển khách trên địa bàn của mình. 

Cũng Theo ông Hài, với tốc độ đầu tư các khu du lịch hiện nay ở Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế, vấn đề hạ tầng là rất bức thiết. Do đó, du lịch miền Trung luôn quan tâm đến việc nâng cấp sân bay và mở nhiều tuyến đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông đường thủy phục vụ du lịch của ba địa phương. Cần có nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tổng thế của 3 địa phương nói riêng, của miền Trung và cả nước nói chung tại các thị trường trọng điểm.  

Về phía tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Quốc Thành, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết, Thừa Thiên - Huế từ lâu đã là một điểm dừng chân quan trọng trong các chương trình du lịch đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Đặc biệt, khai thông con đường Xuyên Á trên tuyến hành lang Đông Tây, các chương trình du lịch “Ba quốc gia - Một điểm đến”; “Một ngày ăn cơm ba nước”... là những minh chứng cho thành quả của việc liên kết, hợp tác xây dựng sản phẩm và xúc tiến quảng bá cho ngành du lịch ba địa phương. 

Điểm đích khác mà hầu như những người làm du lịch tại ba địa phương này đều hướng đến chính là xây dựng thương hiệu du lịch chung cho cả Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Chương trình hợp tác “Ba địa phương - Một điểm đến” đang được triển khai được xem là mục tiêu quy tụ nhất, mở ra cơ hội lớn trong nhiều lĩnh vực, như quy hoạch phát triển du lịch, thu hút đầu tư, quảng bá du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng… Trên cơ sở đó, ba địa phương hướng đến xây dựng thương hiệu du lịch biển cho cả khu vực, với nền tảng dải biển kéo dài từ Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) đến Cửa Đại (Hội An).

 

(Theo Sơn Thắng // Báo đầu tư)

  • "Xuất khẩu tại chỗ" chưa được quan tâm đúng mức?
  • Thưởng thức “Món ngon Tứ Xuyên” tại Đồng Khánh
  • Hà Nội xuất hiện ôtô mang biển số 'khủng'...40X
  • Đón thu châu Âu cùng VYC
  • Qua sự cố 115 khách ngộ độc tại Phan Thiết: Cần lắm bản lĩnh “nhà tour”
  • Nhật Bản phát triển dịch vụ du lịch để chữa bệnh
  • Ngành du lịch Nam Phi "trúng lớn" nhờ World Cup
  • Hợp tác du lịch giữa ba tỉnh của Việt-Lào-Thái Lan
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com