Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xúc tiến du lịch: 10 năm vẫn ở vạch xuất phát

Một lần nữa, các đại biểu tiếp tục thẳng thắn mổ xẻ những khiếm khuyết lâu nay của hoạt động xúc tiến du lịch tại hội thảo do Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) tổ chức ngày 29/1.

Xúc tiến: bỏ ra 1 thu 6, thu 10

Ông Poll Stoll, Tổng Giám đốc tập đoàn Celadon International (TP.HCM), nhận xét, khoảng một nửa tỷ du khách trên thế giới hiện là dạng allocentric (ít quan tâm đến giá, có học vấn, thích điểm đến mới, quan tâm đến văn hoá và con người...). 1/3 trong số này thích đến châu Á, tương đương khoảng 160 triệu người.

Trong khi các nước như Thái Lan thu hút 15 triệu khách, Malaysia 22 triệu, Indonesia 6,3 triệu và Trung Quốc 126 triệu thì Việt Nam chỉ vẻn vẹn 4 triệu lượt. Họ chi tiêu khoảng 180 tỷ USD (1.430 USD/khách) khi đi du lịch, nhưng Việt Nam chỉ thu được 3,7 tỷ USD (974 USD/khách)

Từ kinh nghiệm nhiều năm làm xúc tiến, ông Gael de la Porte du Thei - Chủ tịch tập đoàn Interface Tourism (Pháp), cho hay, khách Pháp đến Việt Nam 10 ngày, đi từ Bắc vào Nam rồi về và kể đã đến Việt Nam, sau không quay lại nữa.

Nhìn sang láng giềng, Thái Lan đón được lượng khách gấp đôi (400.000 người), trong khi Thái không có mối liên hệ nào về lịch sử như Việt Nam. Khi được hỏi, trong số 400.000 khách này thì 1/3 là đến lần đầu, 1/3 đến lần thứ hai và 1/3 đã đến Thái Lan nhiều lần.

Còn Việt Nam, theo ông, có lẽ 85% khách Pháp chỉ đến một lần.

Vị chuyên gia đưa ra con số trên để thấy rằng, việc quảng bá xúc tiến của Việt Nam lâu nay chưa thực sự hiệu quả.

Chẳng hạn, với du lịch nghỉ dưỡng biển, Việt Nam không chỉ có Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang... mà cần quảng bá để thế giới biết đất nước này có hơn 3.000km bờ biển, với nhiều danh thắng nổi tiếng khác, ngoài nghỉ dưỡng có thể đi bộ, du lịch sinh thái, khám phá...

Ông Gael de la Porte du Thei thừa nhận, quảng bá xúc tiến hay PR (quan hệ với khách hàng) đúng là đòi hỏi kinh phí lớn, nhưng hiệu quả rất lớn. Trung bình cứ bỏ ra một thì thu 6, thậm chí theo ông là thu 10.

Có điều, Việt Nam cần cải thiện tình trạng cấp visa tại cửa khẩu (ông nhấn mạnh đến 3 lần) và bồi dưỡng kiến thức cho các DN, báo chí - đối tượng quảng bá, xúc tiến trung gian rất hiệu quả.

Vẫn ở vạch xuất phát

Phát biểu thẳng thắn của ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM tại hội thảo giúp nhiều người hình dung ra bức tranh lủng củng, không bố cục, màu sắc mờ nhạt của công tác xúc tiến hiện nay.

Ông Khánh nhìn nhận, 10 năm trước, các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia... đều giống Việt Nam ở vạch xuất phát ban đầu về xúc tiến, quảng bá du lịch chưa chuyên nghiệp. Giờ này so lại, các nước làm hết sức quy mô, bài bản trong khi Việt Nam vẫn chưa hoạch định nổi một kế hoạch cụ thể, một chuyên đề riêng cho xúc tiến.

Hơn nữa, ngành du lịch luôn đề nghị và mong muốn các cơ quan khác ủng hộ như tài chính, hàng không, song lại cứ ngồi chờ nhau để phối hợp mà thiếu nhạy bén và chủ động.

Vì thế mà sau 10 năm, sự hợp tác vẫn là cảm tính, trong khi du lịch và hàng không được ví như hai cánh của máy bay. Trong khi hàng không có 26 văn phòng ở các nước, ngành du lịch chưa biết tranh thủ xin đặt ké bàn thông tin - chỉ cần ở 10 thị trường trọng điểm - để quảng bá điểm đến.

Hơn nữa, các chiến dịch quảng bá, xúc tiến của Việt Nam lâu nay không có cảm hứng, thiếu chủ đề, thiếu hình ảnh, chất lượng chứng tỏ PR kém, đòi hỏi một tổ chức chuyên nghiệp đứng ra làm, nhất là ở các nước chúng ta định quảng bá.

Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourrist, ông Lưu Đức Kế, kể rằng, ở tất cả hội chợ nước ngoài, gian hàng của các nước đều chung một mái nhà quốc gia và các sản phẩm rất tương đồng. Ngay Trung Quốc rộng lớn vậy cũng chỉ có một gian hàng, đặt tại đó là danh sách các công ty, khách sạn.

Còn Việt Nam lại chia nhiều thành các sạp (mẹt), tức 2-3 DN đều đưa card, đều giới thiệu sản phẩm. Do họ phải tự túc chi phí và phải đóng 1.000 USD, 2.000 USD... nên quyền lợi đòi hỏi cũng khác nhau, làm hình ảnh du lịch Việt Nam tại hội chợ chưa thống nhất, nếu không nói là nhếch nhác.

Liên quan đến vấn đề này, ông Khánh bức xúc, nếu cứ ngồi chờ ngân sách cấp rồi mới làm thì rất oải. Khi cơ chế chưa cho phép, cũng nên trình quyết liệt để Bộ Tài chính xem xét.

Chẳng hạn, TP.HCM năm 2009 xin ngân sách 11 tỷ đồng để xúc tiến, nhưng trước khi làm việc gì lại phải xin. Rút kinh nghiệm từ năm 2010, ngành đã được cấp trước 7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm (dự kiến cả năm 15 tỷ) rồi tự làm tự chịu trách nhiệm, Sở Tài chính sẽ giám sát. 

Thống nhất và phân cấp

Có nhiều nguyên nhân khiến cho công tác xúc tiến của ta lâu nay hoạch định tốt nhưng kết quả thực hiện ngược lại. Nguyên nhân cơ bản, theo ông Khánh, chính là do cơ chế, trong khi người làm công tác quản lý thiếu nhạy bén và chủ động. 

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Phú Đức đúc kết, hiện có sự rối loạn trong công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác xúc tiến, cần phải giao cho một cơ quan chính có trách nhiệm thực hiện (ý kiến của ông là Tổng cục Du lịch).

Do 10 năm chưa thống nhất trong chỉ đạo nên công tác này 10 năm qua vẫn thiếu chuyên nghiệp.

Thậm chí, do không có một đầu mối đảm nhiệm công tác xúc tiến, quảng bá nên trách nhiệm các bên liên quan là tù mù, không rõ ràng, chẳng khác gì "cha chung không ai khóc".

Trong khi đó, các Vụ, Cục của Bộ VH-TT&DL và Tổng cục Du lịch nơi nào lo việc nơi ấy. Tất yếu, chúng ta thua trong cách làm, trong sự phối hợp.

Ông Lưu Đức Kế cho rằng, xúc tiến quảng bá nếu không có cơ quan quốc gia cầm trịch thì hoạt động sẽ thiếu bài bản, không nhất quán. Cần phải phân rõ nhiệm vụ cho cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia, các DN và địa phương.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trần Chiến Thắng nhấn mạnh, thời gian tới, ngoài việc thuê các tổ chức chuyên nghiệp nước ngoài làm xúc tiến, Tổng cục Du lịch sẽ đảm trách việc tư vấn, đề xuất cơ chế, các chính sách cho Bộ VH-TT&DL trong việc này, hạn chế tham gia xúc tiến trực tiếp.

Từ đó, Bộ sẽ phân cấp mạnh công tác xúc tiến xuống các địa phương và DN.

Thứ trưởng cho biết sắp tới sẽ đẩy mạnh việc này vì Bộ không thể "ôm" hết được và cũng không có đủ sức, kinh nghiệm, trình độ để làm. Thậm chí, sẽ giao cho cả DN xúc tiến một mảng thị trường.

Nói về sự phân cấp, ông Lã Quốc Khánh góp ý, đây không phải sự ban phát mà là giao nhiệm vụ. Song, cơ quan quản lý khi đã phân cấp cũng phải hỗ trợ để địa phương, DN làm tốt, đặc biệt là khi tiếp xúc, giao lưu quốc tế phải là bộ mặt của cơ quan Nhà nước.

 

(vietnamnet)

  • Đà Nẵng có resort kèm casino lớn nhất Việt Nam
  • Du khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 94%
  • Khẳng định thương hiệu Festival Huế
  • Furama resort Đà Nẵng: Hút khách bằng nhiều dịch vụ đậm đà hương vị Tết
  • UNWTO: Ngành du lịch châu Á sẽ phục hồi mạnh
  • Bay thẳng Hà Nội-Macau chỉ với 25 USD một chiều
  • Vinpearl Land: Thành công nhờ chính sách kích cầu
  • Lung linh Lễ hội Băng đăng quốc tế lần 26 tại Trung Quốc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com