Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Tăng tốc đầu tư để làm chủ thị phần tại TPHCM, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ của TPHCM không giấu giếm tham vọng sẽ mở rộng hệ thống phân phối đến các tỉnh, đồng thời đưa thương hiệu của mình ra ngoài biên giới. Đây là tín hiệu đáng mừng trong thời điểm đầu năm 2010.
“Đánh” nhanh để “lớn” nhanh!
Dẫn đầu trong việc đầu tư ra các tỉnh của các DN bán lẻ tại TPHCM tính đến thời điểm hiện nay vẫn là Saigon Co.op - nhà bán lẻ hàng đầu tại VN, lần thứ 6 liên tiếp lọt vào tốp 300/500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khởi sự bằng việc đầu tư xây dựng siêu thị Co.opMart đầu tiên tại TP Quy Nhơn – Bình Định từ năm 2003, đến nay Saigon Co.op đã có mặt tại hơn 20 tỉnh thành của cả nước với khoảng 20 siêu thị chủ yếu đặt tại các tỉnh miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên. Nếu tính cả hệ thống siêu thị trên địa bàn TPHCM, Saigon Co.op hiện có 43 siêu thị Co.opMart, 90 cửa hàng Co.op và 7 cửa hàng Co.op Food.
Thị trường phía Bắc vốn được xem là rất khó thâm nhập vì nhiều lý do nhưng Saigon Co.op cũng đã bắt đầu đặt cơ sở kinh doanh của mình, thông qua việc khởi công dự án siêu thị Co.opMart tại Hà Nội (đường Nguyễn Trãi, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội). Theo dự kiến, trong năm 2010, Saigon Co.op sẽ đưa vào hoạt động dự án “bàn đạp” để Saigon Co.op chinh phục thị trường miền Bắc được đánh giá là vô cùng hấp dẫn vì chưa có nhiều mô hình mua sắm hiện đại.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, chiến lược phát triển từ nay đến năm 2015 của Saigon Co.op là phải phủ kín hệ thống siêu thị Co.opMart tại 24 quận, huyện của TPHCM, ít nhất mỗi địa bàn phải có 1 siêu thị. Tại mỗi tỉnh trên địa bàn cả nước cũng sẽ có ít nhất 1 Co.opMart. Phấn đấu để đến năm 2015, Saigon Co.op sẽ xây dựng và đưa hoạt động 100 siêu thị Co.opMart cùng với chuỗi cửa hàng Co.op và Co.op Food.
Theo phân tích của bà Hạnh, để mở rộng thị phần bán lẻ, không còn cách nào khác là DN phải tăng tốc phát triển hạ tầng, số lượng siêu thị. Làm được điều này, DN mới có thể tăng trưởng nhanh và lớn mạnh.
Để chuẩn bị tốt cho chiến lược này, Saigon Co.op đã đầu tư mạnh mẽ về mọi mặt, tích cực nghiên cứu học tập các mô hình phân phối và bán lẻ hiện đại trên thế giới, xây dựng Saigon Co.op trở thành tập đoàn phân phối mạnh, có tính chuyên nghiệp cao. Điều này sẽ rất có lợi cho DN trong cạnh tranh, xây dựng được chính sách giá tốt hơn theo hướng ngày càng có lợi cho người tiêu dùng.
Mua hàng tại chợ đường biên cửa khẩu Mộc Bài do Công ty TNHH một thành viên Satra Tây Nam đầu tư để giới thiệu và đưa hàng Việt Nam sang thị trường Campuchia. Ảnh: ĐỨC TRÍ |
Mặc dù chưa có nhiều siêu thị đặt tại các tỉnh, song ngày 5-1 vừa qua, Công ty cổ phần đầu tư An Phong - chủ hệ thống siêu thị Maximark đã đưa vào hoạt động trung tâm thương mại Maximark tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với tổng vốn lên tới 100 tỷ đồng. Kinh doanh trong lĩnh vực khá đặc biệt là bán phở, thế nhưng Công ty Phở 24 vẫn tự tin khi mở rộng hệ thống của mình ngay trên những địa bàn tưởng khi khó tính nhất như Hà Nội. Trong một thời gian không dài, Phở 24 đã kịp khuyếch trương thương hiệu của mình với hơn 70 cửa hàng trải dài trên nhiều tỉnh thành, thông qua hình thức nhượng quyền.
Và vươn ra nước ngoài
Không chỉ thành công ở trong nước, nhiều DN của TPHCM đã từng bước xây dựng hệ thống bán lẻ của mình tại nhiều nước. Phở 24 là một điển hình khi đưa ẩm thực, hình ảnh của Việt Nam ra nước ngoài. Từ cửa hàng đầu tiên ở khu vực ngoại ô thủ đô Jakarta (Indonesia) và cũng là điểm đầu tiên Phở 24 thực hiện cuộc chinh phục khẩu vị người nước ngoài, đến nay Phở 24 đã tiến vào nội đô Jakarta và các nước như Australia, Campuchia, Philippines, Hàn Quốc… Vào cuối năm 2009 vừa qua, Phở 24 tiếp tục khai trương cửa hàng tại Hồng Công (Trung Quốc) và London (Anh). Nếu thành công tại các thị trường này, nhiều khả năng Phở 24 sẽ có cơ hội mở rộng mạng lưới tại nhiều nước khác.
Kinh nghiệm từ Phở 24 cho thấy, việc tìm hiểu thị hiếu người dân bản địa luôn là yếu tố tiên quyết để chinh phục thị trường. Chẳng hạn, khi mở cửa hàng tại Jakarta, Phở 24 đã phải điều tra thật kỹ về gu ẩm thực của thực khách như độ mặn, nhạt, béo hay không béo, từ đó chế biến cho phù hợp. Còn khẩu vị của người Australia không thích ăn đồ béo nên Phở 24 chuyển sang chế biến món phở ăn kiêng…
Ngoài món phở truyền thống, thực khách tại các nước sẽ được thưởng thức thêm các món ăn đặc trưng của người Việt như các món cuốn, gỏi, cánh gà chiên và thực đơn sẽ được thay đổi liên tục. Việc trang trí các cửa hàng theo hướng thuần Việt, đồng bộ từ bàn ghế, bát đũa đến đồng phục của nhân viên, hình ảnh những địa danh nổi tiếng vừa giới thiệu đất nước, con người Việt Nam vừa tạo không khí ấm cúng, gần gũi cho thực khách khi đến thưởng thức ẩm thực.
Saigon Co.op cũng không “giấu giếm” tham vọng sẽ vươn dài “cánh tay” bán lẻ của mình đến các nước trong khu vực. Trước mắt, Saigon Co.op đang tiến hành khảo sát mặt bằng tại Campuchia để sớm xây dựng siêu thị đầu tiên tại nước này.
Tương tự, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn cũng đã làm việc với các đối tác tại Campuchia để xây dựng siêu thị quy mô lớn ngay tại thủ đô Phnôm Pênh, đồng thời xây dựng các kho ngoại quan dọc biên giới, tạo điều kiện hàng Việt tiếp cận thị trường này một cách tốt nhất.
Để hỗ trợ các DN, UBND TPHCM đã lập kế hoạch và khảo sát mặt bằng để xây dựng trung tâm thương mại TPHCM tại Máxtcơva (Nga). Đây sẽ địa điểm để giới thiệu hàng Việt đến đông đảo người tiêu dùng khu vực Đông Âu, là cầu nối để đưa các DN tiếp cận và mở rộng mạng lưới kinh doanh ra các nước. Tương tự, sắp tới tại thị trường Campuchia sẽ có một trung tâm hàng Việt. Đây là trung tâm do chính các DN của TPHCM cùng góp vốn để xây dựng.
(Theo THÚY HẢI // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com