Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường bán lẻ, cơ hội không chia đều

Với mức tăng trưởng 18,6% trong năm 2009, thị trường bán lẻ nước ta đang được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới. Nhưng vấn đề ở chỗ vì sao các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được cơ hội này?

Ngày 22.1 vừa qua, một siêu thị của liên doanh VDA đã được khai trương tại Đà Nẵng. Đây là liên doanh giữa tổng công ty Thương mại Sài Gòn, tổng công ty Thương mại Hà Nội, liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM và công ty TNHH Phú Thái. Bốn “đại gia” của ngành bán lẻ trong nước đã cùng chung tay xây dựng một công ty với tham vọng sẽ đưa nó trở thành tập đoàn hàng đầu của nước ta trong lĩnh vực phân phối và logistics (hậu cần). Trước áp lực mở cửa thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã tìm kiếm cho mình những cơ hội mới bằng cách liên kết lại để mạnh hơn.

Còn nhiều cơ hội…

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, tổng thư ký hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam rất nhiều lần nhắc đi nhắc lại quan điểm: thị trường vẫn còn nhiều khoảng trống cho các nhà đầu tư. Cụ thể, các kênh bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm 18 – 20%, còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Các kênh bán lẻ truyền thống vẫn phát huy tác dụng ở thị trường nông thôn rộng lớn. Các hình thức mua bán mới như bán hàng qua mạng, tivi shopping… cũng đã xuất hiện. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư vào bán lẻ có thể tăng doanh thu và lợi nhuận của mình.

Theo ông Hoàng Thọ Xuân, vụ trưởng vụ Thị trường trong nước, bộ Công thương, năm 2009 vừa qua thị trường bán lẻ nước ta đã tăng trưởng tới 18,6%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì mức tăng trưởng thực chất là 11% so với năm 2008. Dự báo trong năm năm tới mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ của nước ta vẫn sẽ còn tiếp tục tăng cao tới trên 20%/năm. Tốc độ tăng này đang khiến nước ta trở thành một điểm đến mới đối với các đại gia bán lẻ hàng đầu thế giới, vượt qua thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.

Thực tế cho thấy năm 2009 là một năm khá ảm đạm đối với thị trường bán lẻ thế giới, nhưng ngoài các tên tuổi đã quen thuộc như Bourbon, Diamond Plaza, Parkson… nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài đã xuất hiện ở nước ta như Naf Naf, Morgan de Toi, Mexx, Aldo, Hard Rock Café, Debenhams. Nhiều chuyên gia cho rằng năm nay sẽ có nhiều nhà bán lẻ cao cấp nước ngoài sẽ tham gia vào thị trường nước ta sau một thời gian “để ý”.

… nhưng không dễ nắm

Nhìn về tổng thể, thị trường bán lẻ nước ta đang hấp dẫn, nhưng vấn đề ở chỗ các doanh nghiệp làm cách nào để mình có được một phần trong miếng bánh đó. Ông Nguyễn Ngọc Hoà, chủ tịch HĐQT hệ thống siêu thị Co.opmart cho rằng doanh nghiệp bán lẻ trong nước không dễ để hiện thực hoá các cơ hội này, vì nhìn vào thực tế sẽ thấy ngay, hầu như cứ mặt bằng nào đẹp nằm ở trung tâm là thuộc về các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Hiện tại do chưa thống nhất được ENT (đánh giá nhu cầu kinh tế) giữa các vùng, địa phương và thậm chí quan điểm rõ ràng từ phía bộ Công thương là ENT giữa các tỉnh, thành phố rất khác nhau, phải tuỳ thuộc vào nhu cầu của từng địa phương nên các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang được các địa phương thoải mái cấp phép thành lập cơ sở bán lẻ thứ hai. Chính điều này đã khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh gấp rút tìm kiếm những mặt bằng đẹp, vị trí đắc địa, đẩy doanh nghiệp bán lẻ trong nước ra những vùng xa hơn.

Ông Hoàng Thọ Xuân cho biết, một quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2009 – 2015 và định hướng đến năm 2025 đang được bộ Công thương xây dựng, trong đó sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng xấp xỉ 20%/năm cho cả giai đoạn này, đồng thời phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng bán lẻ, cải thiện điều kiện kinh doanh… Bộ này cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố lập quy hoạch làm nền tảng xây dựng ENT để cấp phép thành lập cơ sở bán lẻ thứ hai cho doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, chiến lược này vẫn đang được xây dựng. Các đại gia bán lẻ nước ngoài thì đang tận dụng thời gian để đổ bộ vào thị trường nước ta. Trong khi chờ chiến lược được ban hành và đến lúc các cơ chế ra đời, doanh nghiệp bán lẻ nội địa phải tự cứu mình trước, rất có thể là cách liên kết nhau lại như mô hình VDA.

( Theo Lê Phượng // SGTT Online)

  • Thị trường Việt Nam sẽ bùng nổ kênh bán lẻ hiện đại
  • Thị trường bán lẻ, cơ hội không chia đều
  • Thị trường phân phối Việt Nam: Làm gì để tăng sức cạnh tranh?
  • Năm 2010: Thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng và phát triển
  • Kênh phân phối hiện đại sẽ tiến xa trong năm 2010?
  • 2010 sẽ là một năm thịnh vượng của mặt bằng bán lẻ
  • Doanh nghiệp bán lẻ TPHCM Khát vọng chinh phục thị trường trong và ngoài nước
  • Siêu thị, trung tâm thương mại: Kênh đầu tư hấp dẫn
  • Doanh nghiệp Việt đối mặt "đại gia" bán lẻ nước ngoài
  • Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với các tập đoàn bán lẻ toàn cầu
  • Mặt bằng trong thị trường bán lẻ: Lợi thế để cạnh tranh
  • Hà Nội: Các siêu thị điện máy cạnh tranh mở rộng mặt bằng
  • "Cạnh tranh sẽ giúp nhà bán lẻ trong nước mạnh hơn!"
  • Nghệ thuật sinh tồn của các nhà bán lẻ trong thời kỳ suy thoái
  • Đánh thức tiềm năng thị trường bán lẻ