Truyền thông Trung Quốc liên tục đưa tin sau đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần này, số thành viên của Ban thường vụ Bộ chính trị (PSC) sẽ được rút từ 9 người xuống còn 7 người. Tin tức cho rằng số lượng bị giảm xuống vì các quan chức cấp cao muốn hạn chế quyền lực nằm trong tay 2 vị trí Bộ trưởng bộ công an Chu Vĩnh Khang và Trưởng ban tuyên giáo Lưu Vân Sơn. Đây là 2 người có mối quan hệ thân thiết với Bạc Hy Lai.
Ai sẽ là thành viên của PSC luôn là điều nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là đối với đại hội Đảng năm nay. Từ đầu năm, chính trường Trung Quốc đã nổ ra rất nhiều vụ scandal gây rúng động. “Phát súng” đầu tiên chính là scandal khiến Bạc Hy Lai – cựu bí thư Trùng Khánh – ngã ngựa trong khi trước đó ông Bạc vốn là người chắc chắn sẽ nắm 1 ghế trong Bộ chính trị.
Sau đó, Hồ Xuân Hoa, đồng minh thân cận của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, được bổ nhiệm vào vị trí Bí thư Trùng Khánh thay cho Bạc Hy Lai. Tuy nhiên, theo nhận định của hãng tin Reuters, đây không phải là 1 bước “thăng quan tiến chức” đối với Hồ Xuân Hoa. Thêm vào đó, Reuters cũng cho hay có nhiều khả năng Hồ Xuân Hoa sẽ không được bầu vào PSC.
Cho tới nay, mới chỉ có 2 người chắc chắn sẽ được chọn. Trong khi Tập Cận Bình được cho là sẽ kế thừa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thì Lý Khắc Cường được cho là sẽ trúng cử chức Thủ tướng. Như vậy, 5 vị trí còn lại vẫn là những dấu hỏi lớn.
Các thành viên của Bộ chính trị sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến đường lối kinh tế và đối ngoại của Trung Quốc. Do 2 nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc là Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo sẽ rời khỏi chính trường vào kỳ đại hội này, Bộ chính trị sẽ có 1 bộ mặt mới và cả thế giới đang quan tâm đến điều này.
Dưới đây, tờ Business Insider đưa ra danh sách 12 người được cho là những ứng cử viên “nặng ký” có nhiều khả năng lọt vào thế hệ lãnh đạo mới nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Vị trí hiện tại: Ủy viên PSC, phó Chủ tịch Ủy ban quân sự trung ương Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước.
Ưu tiên về chính sách: Tập Cận Bình đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của khu vực tư nhân. Ông cũng muốn đẩy mạnh tự do hóa thị trường đối với mảng đầu tư nước ngoài đồng thời muốn phát triển Thượng Hải thành 1 trung tâm tài chính và thương mại.
Tiểu sử: Tập Cận Bình được “qui hoạch” để trở thành Chủ tịch nước tiếp theo của Trung Quốc và được bầu vào Bộ chính trị trong đại hội Đảng năm 2007. Ông Tập được coi là một vị “thái tử” bởi người cha Tập Trọng Huân nguyên là Phó Thủ tướng Trung Quốc.
Vị trí hiện tại: Ủy viên PSC, Phó thủ tướng
Ưu tiên về chính sách: Lý Khắc Cường chú trọng đẩy mạnh phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các chương trình chăm sóc sức khỏe cơ bản và phúc lợi xã hội. Ông cũng ủng hộ phát triển năng lượng sạch.
Tiểu sử: Không giống như nhiều lãnh đạo Trung Quốc khác, Lý Khắc Cường đến từ gia đình ít có thân thế hơn. Ông từng là thành viên của Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc trước khi dấn thân vào con đường chính trị. Lý Khắc Cường được bầu vào Bộ chính trị trong đại hội đảng năm 2007 và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này. Ông Lý được cho là sẽ thay thế Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Vị trí hiện tại: Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Thượng Hải
Ưu tiên về chính sách: Du Chính Thanh ưu tiên phát triển khu vực tư nhân và đô thị. Ông cũng muốn phát triển hệ thống luật pháp và chú trọng tăng trưởng GDP.
Tiểu sử: Ông Du cũng là 1 “thái tử” và là 1 ứng viên “nặng ký” cho vị trí Ủy viên Bộ chính trị. Tuy nhiên, Du Chính Thanh là 1 người có thế lực rất mạnh. Rất có thể Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và các lãnh đạo khác sẽ buộc ông Du phải nghỉ hưu trước khi đại hội Đảng diễn ra với lý do giới hạn về tuổi tác.Thêm vào đó, vụ scandal biển thủ 20 triệu USD từ dự án đường cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải sẽ là 1 đòn giáng mạnh vào cơ hội của ông Du.
Vị trí hiện tại: Ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng phụ trách năng lượng, viễn thông và giao thông vận tải
Ưu tiên về chính sách: Trương Đức Giang muốn phát triển các doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích “Chiến lược toàn cầu hóa” của Trung Quốc và “sáng tạo bản địa”.
Tiểu sử: Ông đã có 2 nhiệm kỳ là Ủy viên Bộ chính trị và do đó có nhiều khả năng sẽ lọt vào PSC. Tuy nhiên, dư luận đang phẫn nộ trước Trương Đức Giang bởi cách giải quyết sự cố đường sắt tại Ôn Châu. Theo đồn đại, ông Trương đã chỉ đạo chôn các thi thể của người tử nạn ngay tại hiện trường vụ tai nạn.
Vị trí hiện tại: Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Ủy ban Kỉ luật Trung ương
Ưu tiên về chính sách: Lý Nguyên Triều chú trọng vào cải cách chính trị, đặc biệt là muốn nâng cao tính dân chủ trong đảng và thực hiện các biện pháp nghiêm khác để xóa bỏ nạn tham nhũng. Ông cũng muốn thu hút và trọng dụng những người Trung Quốc được giáo dục ở nước ngoài.
Tiểu sử: Lý Nguyên Triều cũng là 1 “thái tử” và đã từng là người lãnh đạo Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc và là người cùng phe phái với Lý Khắc Cường. Theo dự đoán, Lý Nguyên Triều sẽ không gặp phải khó khăn gì để có mặt trong Bộ chính trị. Tuy nhiên, việc tham gia vào các hoạt động tuyên truyền có thể gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đối với con đường chính trị của ông.
Vị trí hiện tại: Ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng phụ trách kinh tế và tài chính
Ưu tiên về chính sách: Vương Kỳ Sơn muốn tự do hóa hệ thống tài chính của Trung Quốc, nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP và cải cách hệ thống thuế đối với các chính quyền địa phương.
Tiểu sử: Bố vợ của Vương Kỳ Sơn chính là Cựu phó thủ tướng Diêu Y Linh và do đó Vương Kỳ Sơn cũng được coi là 1 thái tử. Hãng tin Bloomberg đã trích lời của Bộ trưởng tài chính Mỹ Tim Geithner nhận định Vương Kỳ Sơn là 1 người khá dứt khoát trong việc giải quyết mọi vấn đề.
Vị trí hiện tại: Ủy viên Bộ chính trị, bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông
Ưu tiên về chính sách : Uông Dương chú trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc; khuyến khích đẩy mạnh dân chủ trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc cũng như minh bạch trong các phương tiện thông tin đại chúng và muốn cải cách các vấn đề chính trị liên quan đến biên giới.
Tiểu sử: Ông Uông là người cùng phe phái với Lý Khắc Cường. Trước đây, Uông Dương và Bạc Hy Lai được coi là 2 chuẩn mực đối lập nhau bởi phương thức lãnh đạo của 2 người hoàn toàn trái ngược nhau.
Vị trí hiện tại: Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc kiêm Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị toàn quốc
Ưu tiên về chính sách: Lưu Diên Đông muốn các nhóm lợi ích và các tổ chức phi chính phủ được tham gia sâu hơn vào lĩnh vực chính trị. Bà cũng muốn thúc đẩy Trung Quốc giao lưu văn hóa với nước ngoài.
Tiểu sử: Bà Lưu cũng là “thái tử” và có tham gia vào phe của Lý Khắc Cường. Tuy nhiên, bà có quan hệ về mặt chính trị khá thân mật với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Dẫu vậy, Chủ tịch nước Trung Quốc và các lãnh đạo khác vẫn không muốn bà tham gia vào PSC.
Vị trí hiện tại: Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư tỉnh Thiên Tân
Ưu tiên về chính sách: Trương Cao Lệ muốn tự do hóa thị trường đối với đầu tư nước ngoài, nâng cao năng suất nền kinh tế và tỷ lệ tăng trưởng GDP.
Tiểu sử: Trương Cao Lệ thường được cho là đang cạnh tranh với Uông Dương để giành ghế tại PSC. Ông chính là người được cựu Chủ tịch nước Giang Trạch Dân che chở. Với khẩu hiệu “nói ít, làm nhiều”, Trương Cao lệ là người có phong cách lãnh đạo ít phô trương hơn so với Bạc Hy Lai. 2 người vốn là đối thủ cạnh tranh gay gắt.
Vị trí hiện tại: Thành viên ban bí thư, trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ưu tiên về chính sách: Lệnh Kế Hoạch có ý tưởng sẽ tiếp tục duy trì các chính sách kinh tế xã hội được thực hiện dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Tiểu sử: Lệnh Kế Hoạch được coi là người thân cận nhất của Hồ Cẩm Đào. Theo dự đoán, Chủ tịch nước Trung Quốc sẽ can thiệp để Lệnh Kế Hoạch có thể được bầu vào PSC.
Vị trí hiện tại: Bộ trưởng bộ công an
Ưu tiên về chính sách: Mạnh Kiến Trụ nghiêng về chính sách mang lại sự ổn định chính trị - xã hội. Ông cũng muốn nâng cao vai trò của Thượng Hải, biến thành phố này trở thành trung tâm tài chính và vận tải.
Tiểu sử: Mạnh Kiến Trụ được cho là 1 thành viên của nhóm Thượng Hải. Đây là nhóm gồm những quan chức của Đảng cộng sản Trung Quốc đã giành được lợi thế dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân và có quan hệ mật thiết với chính quyền thành phố Thượng Hải. Mạnh Kiến Trụ cũng được coi là ứng viên lý tưởng nhất cho chiếc ghế tại PSC. Tuy nhiên, nhóm Thượng Hải có những quan điểm khác xa so với Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo.
Vị trí hiện tại: Ủy viên Bộ chính trị, trưởng ban tuyên giáo trung ương ĐCS Trung Quốc
Ưu tiên về chính sách: Lưu Vân Sơn mong muốn kiểm soát truyền thông và internet 1 cách chặt chẽ hơn đồng thời muốn mở rộng quyền lực mềm của Trung Quốc ở nước ngoài.
Tiểu sử: Lưu Vân Sơn cũng từng là thành viên của Đoàn Thanh niên. Ông cũng từng làm việc ở khu tự trị Nội Mông trong thời gian hơn 20 năm.
Thu Hương